Những “bông hoa” trong lòng địch: “Hoa chanh”

Cập nhật: 26-08-2014 | 10:01:52

 Kỳ 6: “Hoa chanh”

>> Xem kỳ trước

Với những thành tích đạt được rất vẻ vang, bước sang những năm 70, cô gái Trần Thị Hường đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên. Cay cú trước một “nữ việt cộng cực kỳ nguy hiểm”, địch đã treo giá: “Nếu ai phát hiện, bắt được nó, sẽ thưởng 200.000 đồng…”, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó.

 

Đại tá Trần Thị Hường (bên trái) đang kể lại câu chuyện với nhà báo Kiến Giang

Nghe tin 3 đồng chí cán bộ đã anh dũng hy sinh tại căn hầm bí mật trong khu vườn nhà ba mình, trong đó có đồng chí “bí thư chi bộ” Phạm Thị Nhàn, cô gái Hường đau buồn và căm phẫn. Cô buồn bởi ngày chị Nhàn hy sinh cũng là ngày chị và anh N.C.T dự định làm lễ tuyên bố kết hôn. Thế mà “ngọc đá nát tan”, chiến tranh đã cướp đi tất cả.

Sau khi lôi xác 3 đồng chí dưới hầm lên, địch điên cuồng vì không thu được “chiến lợi phẩm” gì. Toàn bộ tài liệu, giấy tờ đã được các đồng chí xé nát trước lúc hy sinh. Chúng bèn trả thù hèn hạ, không cho gia đình và nhân dân chôn cất các đồng chí. Phải đến 3 ngày sau, người dân mới lén lút chôn cất 3 người tại khu vườn ông Trần Văn Nữa, tức ba cô Hường. Ông Nữa sau đó địch buộc phải cho về nhà vì chúng không tìm được chứng cứ. Cũng may, nếu chúng phát hiện được hai căn hầm còn lại, số phận ông Nữa khó thoát được bàn tay khát máu quân thù.

Nhớ lại hồi năm 1961, khi tên Thôi và Be bị cách mạng tiêu diệt, nhằm đánh đòn tâm lý, địch tổ chức đám tang cho tên Thôi rất hoành tráng. Chúng bắt nhân dân trong vùng phải đưa tang, đọc điếu văn thương tiếc. Chúng tưởng làm như vậy sẽ gây mất tinh thần đồng bào, nhưng kết quả thì ngược lại. Sau cái chết của hai tên ác ôn, những tên khát máu khác đều bỏ trốn vì sợ bị trừng trị. Thật nực cười, dù đám tang to lớn thế nào thì ai mà đi thương tiếc những con người nối giáo cho giặc, thẳng tay giết hại hàng trăm đồng bào chiến sĩ! Cô gái Hường căm phẫn nghĩ thầm.

Ông Phạm Văn Liêm (phải), chồng bà Hường thời chiến đấu ở Tiểu đoàn Phú Lợi

Nén nỗi đau thương, Hường tiếp tục lao vào hoạt động cách mạng. Cô ngày càng chứng tỏ là một cán bộ an ninh gan dạ, đầy mưu lược. Dù cho kẻ thù truy lùng, đêm đêm khi ánh đèn đã tắt là lúc cô xâm nhập vào ấp chiến lược động viên đồng bào đấu tranh, phá ấp ra ngoài làm ăn sinh sống. Đối với những người có ý đồ phục vụ cho giặc, cô đều tiếp cận, tuyên truyền giải thích họ hồi tâm chuyển ý. Cô ra vào thường xuyên trong ấp chiến lược như con thoi, nhưng kẻ thù không thể nào ngăn cản được. Chiến công của cô gái Hường trong giai đoạn này đã góp phần rất quan trọng để cách mạng duy trì phong trào và từng bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Thế rồi, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã đến hồi kết thúc. Chiến thắng Phước Long, Buôn Ma Thuột và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thống nhất non sông đất nước. Cô gái Trần Thị Hường trở về quê hương trong hào quang của cách mạng. Ghi nhớ công ơn của những người hy sinh cho Tổ quốc, việc đầu tiên mà cô làm là tự mình bốc mộ, đưa hài cốt của 3 cán bộ hy sinh trong hầm bí mật vào nghĩa trang liệt sĩ. Mấy năm sau, gia đình đồng chí Hai Bi từ miền Tây cũng đã lên đưa đồng chí về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.

Có chiến thắng nào mà không mất mát đau thương. Ngày cô Hường trở lại quê hương, thăm lại gia đình đồng chí “bí thư chi bộ” Phạm Thị Nhàn và hỏi thăm về anh ấy, nhưng không có tin tức, không biết anh còn sống hay đã hy sinh. Nhớ lại những năm đầu kháng chiến, Hường được chị Nhàn đưa vào tổ chức hoạt động bí mật cùng với chàng trai Phạm Văn Liêm - em trai chị Nhàn. Rồi tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái trong môi trường cách mạng. Một thời gian sau thì anh thoát ly, gia nhập bộ đội chủ lực ở Tiểu đoàn Phú Lợi. Trận đánh táo bạo Bông Trang - Nhà Đỏ của ta vào mùa khô năm 1966, anh cũng tham gia, đã đi qua vùng đất Tân Bình đầy bom đạn này nhưng hai người lại không gặp được nhau. Lời hẹn thề nên duyên khi đất nước thống nhất vẫn thổn thức trong lòng cô gái…

Mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, đại tá Trần Thị Hường lúc này là Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Phú Giáo được ra Hà Nội học tập. Trời thủ đô trong xanh bát ngát, ánh nắng ban mai soi bóng lung linh trên hồ Hoàn Kiếm, mùi hoa sứ thơm lan tỏa đâu đây càng làm lòng bà nhớ về người xưa. Trong một lần tình cờ, bà biết được anh còn sống và đang nằm điều trị ở Hà Nội. Bà vui mừng đến thăm người yêu mà nước mắt chảy dài trên đôi má. Anh còn sống nhưng không lành lặn. Đôi chân anh không thể đi lại được do một vết thương nặng trong những ngày xuống đường Mậu Thân năm 1968. Gặp lại người yêu, anh thương binh Phạm Văn Liêm vừa vui vừa buồn. Anh nghĩ rằng, mình đã tàn phế, không còn khả năng để đến với bà… Họ ôm chầm lấy nhau trong nước mắt giữa mùa xuân trời thủ đô Hà Nội.

Thưa ba má! Cho chúng con cưới nhau. Nghe bà Hường trình bày, ông Trần Văn Nữa rất buồn. Trên khuôn mặt của ông vẫn còn hằn những vết thương bị địch đánh đập dã man khi chúng phát hiện ra hầm bí mật trong nhà ông hồi năm 1968. Hai con lấy nhau chỉ làm khổ nhau thôi. Liêm thương binh nặng, đi lại không được, sức con phận gái làm sao lo cho chồng con được, ba không đồng ý - ông Nữa cương quyết không tác hợp cho hai người. Thưa ba! Chiến tranh đã qua đi, bao đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống, con may mắn được trở về lành lặn như hôm nay, lẽ nào con lại quên người con thương đang đau đớn vì những vết thương hay sao. Bà Hường nhất định đến với anh Liêm. Ông Nữa nghe nói vậy cũng phải xiêu lòng. Một tháng sau, đám cưới hai người diễn ra đầm ấm ở một làng quê vừa thoát khỏi chiến tranh. Cô dâu Trần Thị Hường và chú rể Phạm Văn Liêm tươi cười hạnh phúc giữa vòng tay bạn bè và đồng đội.

Có một xóm vui/Đám cưới mùa xuân/Trầu hái giàn nhà thắm môi hai họ/Có anh thương binh đêm ngồi bên vợ/Tóc ai dài thơm nước lá chanh…

Giờ đây, trên bàn thờ hình ảnh đồng chí “bí thư chi bộ” Phạm Thị Nhàn, cũng là chị chồng của bà và di ảnh người chồng thân yêu vừa mới qua đời được bà Hường thờ trang trọng. Cuộc đời của đại tá Trần Thị Hường thật đẹp. Đẹp như một bài thơ. Xin chép những câu thơ trên trong bài thơ “Hoa chanh” của nhà thơ Nguyễn Bao để tặng cho một tình yêu cao cả…

 Kỳ 7: Đất lửa anh hùng

 KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên