Những “bông hoa” trong lòng địch: Người thu phục điệp viên CIA

Cập nhật: 05-09-2014 | 08:46:30

Trên mảnh đất Chiến khu Đ anh dũng, kiên cường, có một địa danh đã trở thành đất “binh gia” ác liệt, địch nhiều lần dốc dã tâm tiêu diệt, ta quyết tâm bám trụ. Đó là vùng đất thuộc xã Bình Mỹ, TX.Tân Uyên bây giờ. Thời chiến nơi đây được gọi là “yết hầu” của Chiến khu Đ. Từ mảnh đất lửa này, nhiều chàng trai, cô gái đã gác lại tuổi xuân đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và chính họ đã lập nên những chiến công làm rạng rỡ quê hương.

Kỳ 13: Người thu phục điệp viên CIA

>> Xem kỳ trước

 Bia tưởng niệm Chiến khu Vĩnh Lợi, trong thời chiến đây là căn cứ của an ninh Sông Bé Ảnh: Q.CHIẾN

“Trai thời chiến phải đánh giặc…”

Lịch sử cách mạng đã tạo ra Chiến khu Đ. Những năm đánh Pháp, sau này đánh Mỹ, nếu không có vùng đất này sẽ khó khăn rất lớn cho công cuộc thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, vị trí địa lý luôn là khái niệm mang tính chiến thuật. Sức mạnh của một cuộc “giải phóng dân tộc” tiên quyết ở yếu tố con người và lý tưởng của giai cấp, của thời đại. Ngày nay, các học giả trên thế giới khi nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương luôn đau đầu trước câu hỏi: Vì sao Việt Nam lại chiến thắng những đối thủ hàng đầu quốc tế. Tìm trong các sách về binh pháp, từ “Lục thao” đến “Tôn tử” của thời cổ đại hay Napoleon của thời cận đại đều đúc kết rằng: Muốn chiến thắng trong cuộc chiến phải hội tụ các yếu tố cách biệt: Con người, vũ khí, đất đai, tiềm lực kinh tế… Những “cách biệt” này, Pháp và Mỹ, kể cả thế lực bành trướng phương Bắc đều vượt xa dân tộc Việt Nam. Do đó, tất cả họ đều “xong xanh” tràn vào Việt Nam với dã tâm biến dân tộc Việt làm nô lệ, đàn áp và là tiền đồ, biên giới cho lợi ích quốc gia của họ. Những từ ngữ “bang giao hữu nghị” chỉ là đầu môi chót lưỡi. Nhưng rồi sao? Tất cả đều chuốc lấy thất bại ê chề! Điều gì đã làm nên vinh quang Việt Nam? Đó là lịch sử hào hùng của một dân tộc đất không rộng, người không đông. Điều gì đã khiến những con người ăn không no, mặc không lành nhưng dám “Rũ bùn đứng dậy chói lòa”? Đúc kết trong một cụm từ thôi: Việt Nam bất khuất, người Việt Nam không bao giờ cúi đầu trước các thế lực phi nghĩa. Lịch sử dân tộc này đã chứng minh điều đó. Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc mạnh hơn bom đạn ngàn lần!

Hôm nay, chúng tôi đang viết về Chiến khu Đ anh hùng và càng cảm nhận sức mạnh vô song đó. Quay về thời kỳ những năm đánh Mỹ, mảnh đất “yết hầu” Bình Mỹ là cả một cuộc chiến thu nhỏ. Chỉ là một xã thôi nhưng địch đã tung đủ sắc lính, nào là thủy quân lục chiến, biệt động, cảnh sát, ác ôn… nhưng chưa bao giờ chúng dập tắt được phong trào cách mạng nơi đây. Tôi muốn kể về một con người, chỉ là trong số hàng loạt con người kiên trung, nhưng đã làm cho quân thù khiếp đảm. Ông tên là Nguyễn Văn Huỳnh (Hai Huỳnh), nhà hiện ở ấp Đồng Sặc, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ông là biểu tượng trong hàng triệu biểu tượng của người Việt Nam yêu nước.

Tôi hỏi ông Hai Huỳnh rằng: Hồi đó tham gia cách mạng, chiến đấu rất dữ với quân thù, vậy bố mẹ ông đang sống trong vùng địch quản lý sẽ ra sao? Ông nói: “Có một đồng đội ngày đêm ngủ rừng với tôi về đầu hàng địch. Việc đầu tiên nó muốn lập công với giặc là tìm đến nhà tôi. Nó nói với má tôi rằng: Hai Huỳnh phải con bà không? Bà viết thư gọi nó về, quốc gia thưởng tiền cho bà, còn không thì bắt bà đi tù. Má tôi trả lời: Đúng, nó là con tôi. Chú mày ở rừng với nó sao khi về không rủ nó đi với, giờ bảo tôi biết nó ở đâu mà thư với từ. Kẻ phản bội xấu hổ phải bỏ đi”. “Thế đấy! Ở đất Tân Uyên này nhân dân theo cách mạng từ trong trứng nước, từ đời cha ông, từ “vó ngựa” của ông Huỳnh Văn Nghệ kìa. Súng đạn, đô la của Mỹ làm sao lừa được dân. Làm trai thời chiến như chúng tôi không đánh giặc thì làm gì”, nhấp một ngụm trà, ông Hai Huỳnh hào sảng nói như thế.

 Trung tá an ninh Hai Huỳnh

Từ năm 1960-1970, Hai Huỳnh là người của chiến trận. Ông đã tổ chức hàng chục trận đánh gây tiếng vang cho phong trào cách mạng. Đánh phục kích, đánh gài trái, gài mìn ông đều tham gia. Ngày ông ngủ rừng, đêm xuất hiện trong lòng địch. Có lần địch huy động hàng ngàn quân, chuẩn bị đánh vào chiến khu, xe quân, xe lương thực chạy tấp nập. Ông bèn gài mìn trên những cành cao su, xe địch tới ông giật dây, mìn nổ, địch chết cả chục tên. Ở ấp Bình Cơ, có tên Hai Trong, ngày thì đi làm rẫy nhưng thực tế là chỉ điểm cho địch. Hàng chục đồng bào, bộ đội vì nó mà ngã xuống, máu loang cả cánh đồng. Không thể để kẻ phản bội tiếp tục lộng hành, Hai Huỳnh lên kế hoạch tiêu diệt ngay. Nhân dân quý Hai Huỳnh cực kỳ!

“Móc nối”

“Yết hầu” Chiến khu Đ, Bình Mỹ không chỉ nhung nhúc quân địch mà quân ta cũng tấp nập. Chuẩn bị xuống đường Mậu Thân 68, bộ đội khắp nơi đều tập kết về đây. Từ quân ở Miền, chủ lực, an ninh, hậu cần… Đất Bình Mỹ những năm 60 như cái nôi của cách mạng. Vì thế địch càng đánh phá ác liệt. Làm gì để bảo vệ bộ đội, bảo vệ nhân dân trước bom đạn quân thù? Đó là trách nhiệm của người cán bộ an ninh luôn thôi thúc trong lòng Hai Huỳnh. Qua điều nghiên theo dõi, ông phát hiện một gia đình ở ấp Bình Cơ có người con trai đang làm việc cho Cục Tình báo CIA Mỹ tại Biên Hòa, Đồng Nai. Phát hiện rồi nhưng cấp trên không đồng ý để ông móc nối đối tượng bởi đây là việc như “dao hai lưỡi”. Thành công thì tốt, không thành công thì ảnh hưởng đến cách mạng, liên lụy đến gia đình. Nhưng ông vẫn quyết tâm. Chiều chiều, ông đến thăm gia đình, tiếp xúc với người thân của người điệp viên ấy. Thông qua họ, ông tuyên truyền về đường lối đúng đắn của cách mạng. Việc cứ tưởng làm cho hết trách nhiệm, ai ngờ một tháng sau, mẹ của người điệp viên gọi Hai Huỳnh đến nhà trao cho một tờ giấy được vo tròn. Khi đọc những thông tin ghi trong giấy, Hai Huỳnh hết sức bất ngờ: Ngày đó, tháng đó sẽ có trận càn vào Chiến khu Đ, cách mạng các anh chuẩn bị đối phó… Một tháng sau lại có tin từ mẹ của người điệp viên: Sắp có trận đánh vào căn cứ Trung ương Cục Tây Ninh… Những thông tin đều chính xác tuyệt đối đã giúp cho cách mạng vạch kế hoạch ứng chiến.

Trong những ngày 30-4- 1975, lúc này Hai Huỳnh đã là Phó Công an huyện Tân Uyên, chợt tiếp một người khách không mời mà đến. “Thưa ông!” Người khách lên tiếng. “Tôi là Chín Quýt, nhà ở Bình Cơ, Bình Mỹ, là điệp viên CIA Mỹ đóng tại Quân khu 3, Biên Hòa. Tôi đã nhiều lần cung cấp thông tin cho ông qua má tôi…”. Hai Huỳnh sững sờ. Người điệp viên ấy sau đó được cách mạng khoan hồng.

Cuộc trò chuyện đang dang dở, ông Hai Huỳnh đứng dậy mời chúng tôi cùng đi thăm căn cứ Bàu Gốc cách nhà chừng 500m. Ông nói: “Đây là căn cứ không chỉ của Ban an ninh Sông Bé mà là nơi đóng quân của lực lượng cách mạng ta trong những năm đánh Mỹ ác liệt”. Chúng tôi theo bước chân Trung tá an ninh Hai Huỳnh, cùng tiến về vùng đất một thời vang dội của cách mạng Việt Nam khi trời đã xế chiều.

Kỳ 14: Đất anh hùng

 

 KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên