Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - Bài 4

Cập nhật: 23-04-2015 | 16:58:34

Bài 4: Phan Huỳnh Điểu: Người làm nhạc cách mạng... trữ tình!

Trong chiến tranh gian khổ vẫn thấy ngời lên một tình yêu, một niềm tin yêu son sắt, đó là phong cách của nhạc sĩ (NS) Phan Huỳnh Điểu (ảnh). Bởi, anh muốn đem đến cho mọi người niềm vui, còn sống còn yêu chứ anh không nói đến nỗi buồn. NS.Trương Quang Lục đã nói về người đàn anh như thế…

Một thời (và có lẽ còn kéo dài lâu lắm!) những ca từ này vẫn đẹp, vẫn làm bồi hồi bao trái tim người nghe: “Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích/ Dù xa cách hai ngã đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngàn/ Một tiếng chim ngân, một làn gió biển/ Một sớm mai xuân trên căn hầm dã chiến thấy trời xanh xao xuyến/ Ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau...”. Đó là một trong những bài “tình ca cách mạng” của NS.Phan Huỳnh Điểu. Những bài có ca từ rất đẹp, rất thơ nữa có thể kể đến như: “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Có một không gian nào chia chiều dài nỗi nhớ/ Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu) và bài “Anh ở đầu sông em cuối sông”… Có lần, thử nói đùa ông rằng, chú là người làm “trữ tình hóa nhạc đỏ”, ông cười rung mái đầu đã bạc phơ và đính chính rằng, ca từ hay là nhờ thi sĩ, bởi ông thích phổ nhạc những bài thơ hay. Thơ và nhạc giao thoa cùng nhau bởi ca từ đẹp, giai điệu hay sẽ có một bài hát ưng ý…

NS.Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, tại Đà Nẵng, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Mới đây ông xuất hiện trong buổi gặp gỡ thân mật giữa lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh và giới văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho thành phố. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là cách mạng nhưng ông cũng đã làm “mềm mại và trữ tình” những bài hát này để nhạc phẩm đi sâu vào lòng người. Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”.

Sự nghiệp âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu bắt đầu từ năm 1940 với nhạc phẩm nổi tiếng “Trầu cau”. Tiếp đó là những bài hát trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban Chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12-1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung bộ và ở trong Ban văn nghệ Khu. Đó cũng là thời gian ông viết bản hành khúc “Ra tiền tuyến”… Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, trong số đó rất nhiều bài hát phổ thơ các nhà thơ nổi tiếng mà ông yêu mến. Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu nói như NS.Trương Quang Lục là luôn có giai điệu trau chuốt, trữ tình ngay cả trong thể loại hành khúc… Sự nghiệp âm nhạc của ông cũng được ghi nhận và tri ân qua những chương trình âm nhạc riêng dành tặng ông như Con đường âm nhạc, đêm nhạc mừng thượng thọ 90 tuổi của ông mà văn nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức…

Những ca khúc nổi tiếng của NS.Phan Huỳnh Điểu có thể kể đến như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Bóng cây Kơ-nia, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Quê tôi miền Nam, Thơ tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh)... Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 

Bài 5: Nhạc sĩ Trương Quang Lục- Nước xanh biên biếc chẳng đổi thay dòng!

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên