Chia sẻ bài viết lên facebook

Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội- Bài 12

Cập nhật: 30-09-2015 | 08:20:19

Bài 12: Tầm nhìn chiến lược

Phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung xây dựng các trục đường giao thông huyết mạch, mở mang giao thông, hiện đại ngành bưu chính viễn thông, điện khí hóa nông thôn… là một trong những mục tiêu được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra. Việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng không những tạo bộ mặt khang trang mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Lễ khởi công công trình nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13. Ảnh: T.LIỆU

 Hiện đại hóa bưu chính - viễn thông, điện lực

Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển của tỉnh Sông Bé thời kỳ 1990- 1996 chỉ mới là bước đầu, song đã tạo thế và lực cũng như tác động tích cực vào tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định những thuận lợi, khó khăn mới nảy sinh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã xác định phương hướng, mục tiêu và những biện pháp lớn cho những năm còn lại của thế kỷ XX. Đảng bộ xác định mục tiêu, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ổn định, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, song song với việc tập trung phát triển mô hình kinh tế khu công nghiệp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp, tỉnh đã tập trung hiện đại ngành bưu chính - viễn thông ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực, phục vụ kịp thời cho các hoạt động thông tin, liên lạc của xã hội. 100% cơ sở thông tin với kỹ thuật số hóa và tổng đài kỹ thuật số, các dịch vụ điện thoại, fax, truyền dẫn số… đều được tự động hóa hai chiều đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm liên lạc mọi lúc, mọi nơi trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 1997- 2000, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đạt 18.481 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách chiếm 6%, vốn nhân dân đóng góp và các doanh nghiệp chiếm khoảng 89,18%. Nhiều công trình được xây dựng đã phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến nay vẫn phát huy được năng lực như: Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT746, ĐT747.

Bưu điện tỉnh đã chú trọng xây dựng mạng lưới bưu chính, phát hành báo chí. Đến năm 2000 đã có 79/79 xã, phường của tỉnh có thư báo đến trong ngày và gắn hòa mạng cáp 7 khu công nghiệp trong tỉnh. Ngành bưu chính - viễn thông cũng đã xây dựng 34 điểm bưu điện văn hóa xã và 36 bưu cục các loại, mở 100 đại lý bưu điện.

Đến năm 2000, ngành bưu điện đã phát triển thêm gần 13.000 máy điện thoại, nâng tổng số điện thoại trong tỉnh lên trên 43.000 máy, đạt tỷ lệ 6,2 máy/100 dân, tăng 2,8 lần so với năm 1996. Mặt khác, công nghệ thông tin đã được đưa vào quản lý sản xuất và thông tin phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bên cạnh chú trọng phát triển ngành bưu chính - viễn thông, tỉnh đã tận dụng lợi thế có nhiều tuyến điện quốc gia đi qua như tuyến 66KV Thủ Đức - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, tuyến 500KV Bắc - Nam, tuyến 220KV Trị An - Hóc Môn, tuyến 110KV Thác Mơ… để xây dựng phát triển mạng lưới điện trong tỉnh.

Trong năm 2000, tỉnh đã đầu tư xây dựng 36 công trình về điện để tăng công suất các trạm biến áp. Nguồn điện này không những cung cấp ổn định cho sản xuất công nghiệp mà còn cung cấp cho 100% số xã với 82% số hộ dân trong tỉnh.

Đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ

Một trong những hệ thống hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư lúc bấy giờ là hệ thống giao thông liền mạch để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã triển khai quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hàng năm tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Từ năm 1997-2000, tỉnh đã đầu tư cải tạo và nâng cấp trên 142km các trục đường giao thông chính và đường nội thị trong toàn tỉnh như: Quốc lộ 13, ĐT743, ĐT747, ĐT751… tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị.

Quốc lộ 13 - tuyến đường huyết mạch (đoạn Đại lộ Bình Dương) hôm nay. Ảnh: X.THI

Bên cạnh đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Kết quả đã xây dựng được trên 1.300km đường giao thông nông thôn và 887 cầu, trong đó nhân dân đóng góp trên 17 tỷ đồng, chiếm 47% tổng vốn đầu tư.

 Chỉ tính riêng trong năm 1998, tỉnh đã đầu tư 102 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng, nâng cấp và làm mới nhiều tuyến giao thông.

Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, năm 1998 tỉnh đã huy động được 6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được 2,3 tỷ đồng và 50.000 ngày công lao động để sửa chữa làm mới 33 tuyến đường dài 439km, 22 cây cầu dài 313m.

Các điển hình của phong trào xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn này là Công ty Cao su Dầu Tiếng, huyện Bến Cát, huyện Dầu Tiếng. Một số xã, phường, thị trấn có phong trào làm đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tốt là phường Phú Cường (TX.Thủ Dầu Một), thị trấn Lái Thiêu (huyện Thuận An), xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát)…

Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 1.790 tuyến đường với 4.325km, trong đó đường bê tông nhựa là 1.912km, láng nhựa 432km; đường sỏi, đường chuyên dụng của các lâm trường, nông trường, công ty cao su là 1.435km. Hệ thống đường bộ, đường ô tô đã đến 79/79 xã, phường, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.

Đường thôn ấp được nối liền và nâng cấp, mở rộng đã tạo nên bộ mặt khang trang của thị xã, thị trấn và nông thôn Bình Dương trong thời kỳ đổi mới.

Sự phát triển mạnh mẽ về giao thông - vận tải của tỉnh sau ngày Bình Dương được tái lập là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận đóng góp của nhân dân trong tỉnh. Điều đó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của thế hệ lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ trong việc hoạch định, định hướng phát triển của tỉnh nhà.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, bưu chính viễn thông, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước… đã giúp tỉnh có một hệ thống hạ tầng hiện đại không những phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trong tỉnh mà còn đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư khi đến Bình Dương.

 Đây cũng là một trong những yếu tố nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà. Và hiệu quả của quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua đã chứng minh cho sự đầu tư đúng đắn ấy. (còn tiếp)

• T.DŨNG - M.T.PHONG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên