Những đổi thay trên vùng đất anh hùng

Cập nhật: 01-09-2015 | 09:42:24

Thời kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân xã Bình Hòa (nay là phường Bình Hòa, TX.Thuận An) đã dũng cảm, gan dạ bám đất, bám làng lập nhiều chiến công hiển hách. Thời bình, vùng đất ấy đã có những đổi thay vượt bậc và trở thành một trong những “điểm sáng” về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh.

 Ông Trần Thanh Liêm (giữa), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao giấy khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào 10 năm toàn dân bảo vệ ANTQ (trong đó có phường Bình Hòa). Ảnh: X.THI

 Những “mốc son” vẻ vang

Bình Hòa nằm giáp ranh TP.HCM nên trong thời kháng chiến, địa phương này trở thành vị trí chiến lược, là căn cứ và cũng là bàn đạp cơ động của lực lượng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Bình Hòa đã thể hiện khí phách cách mạng kiên cường, sẵn sàng hy sinh tài sản, xương máu, công sức của mình để đùm bọc, che chở cán bộ, bộ đội và trực tiếp tham gia đánh giặc.

Chiến khu Thuận An Hòa ra đời trên vùng đất này và trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng liên hoàn nối liền giữa Chiến khu An Phú Đông và Chiến khu Đ. Chính từ Chiến khu Thuận An Hòa, các lực lượng vũ trang cách mạng xuất quân tiến công địch ở các đồn bót vùng ven và lập nên nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân.

Theo lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Hòa thì năm 1947, giặc Pháp tập trung lực lượng từ Lái Thiêu đến Dĩ An, Thủ Đức và mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá Bình Hòa. Đứng trước tình hình đó, các đơn vị vũ trang lớn của ta tạm thời rút vào căn cứ để bảo toàn lực lượng. Chi bộ xã Bình Hòa do đồng chí Võ Văn Bâu làm bí thư đã vận động nhân dân không hợp tác với địch và thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, làm “vườn không nhà trống”. Thực hiện chủ trương trên, cả làng đều đốt nhà. Nhiều người tự tay đốt nhà mình trước khi ra vùng căn cứ. Đến cuối năm 1947 thì Bình Hòa không còn một căn nhà nào để giặc có thể làm nơi đóng quân. Đồng thời chi bộ Bình Hòa còn lãnh đạo đảng viên và nhân dân trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh theo khẩu hiệu “giặc càn dân di tản, giặc rút dân trở về sản xuất”.

Trong giai đoạn này, không khí chống giặc trở thành một sức mạnh khiến nhân dân Bình Hòa sát cánh bên nhau, những người theo kháng chiến thì bám rừng, bám căn cứ, xây hầm bí mật, giao thông hào, trực tiếp chiến đấu để làm tiêu hao sinh lực địch. Những người vì hoàn cảnh mà không trực tiếp tham gia kháng chiến được thì không hợp tác với giặc mà bám đất làm ăn sinh sống, sản xuất để đóng góp cho cách mạng. Người già, phụ nữ và trẻ em ra sống ở vùng ven, vùng tiếp giáp ở Gò Chùa, Bưng Bố, ngã ba Cây Liễu… ban ngày họ ra đồng sản xuất, cung cấp tin tức cho cách mạng, ban đêm trở về nhà….

Phát huy được sức dân và các lực lượng khác, nhân dân Bình Hòa đã lập được nhiều chiến công khiến địch khiếp sợ. Với những thành tích dũng cảm chiến đấu và tổ chức xây dựng căn cứ kháng chiến toàn diện, vững chắc nên vào dịp tết năm 1948, nhân dân Bình Hòa vinh dự được Bác Hồ gửi thư chúc tết, trong thư Bác đã khen tặng Bình Hòa là “Làng kháng chiến kiểu mẫu”. Sau đó đồng chí Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ đã tặng cho Bình Hòa một tập ảnh có đầy đủ các vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên ngoài có tựa đề là “Làng kháng chiến kiểu mẫu”. Đây là món quà vô giá mà mỗi người dân Bình Hòa đều vui mừng đón nhận với niềm xúc động, tự hào. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên để cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Hòa sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh trên những chặng đường đấu tranh phía trước…

Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tính chất chiến lược quan trọng của Bình Hòa, Mỹ - ngụy đã tập trung lực lượng đánh phá các khu căn cứ hòng dập tắt phong trào cách mạng ở đây. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu kiên cường với khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”, quân và dân Bình Hòa đã lập nên nhiều thành tích vẻ vang.

Những thay đổi diệu kỳ

Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Bình Hòa đã lập nên nhiều chiến công hiển hách thì trong thời bình, vùng đất và người dân ở đây cũng đã có những đổi thay rất đáng tự hào, đóng góp cho sự giàu đẹp, phồn thịnh của quê hương.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, cho biết Bình Hòa hiện được đánh giá là một trong những “điểm sáng” của tỉnh trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự. Hiện trên địa bàn phường Bình Hòa có 2 khu công nghiệp trú đóng (KCN Đồng An và một phần KCN VSIP), ngoài ra còn có 506 công ty, xí nghiệp đang hoạt động sản xuất. Hiện địa bàn phường có hơn 5.000 cơ sở kinh doanh, trong đó kinh doanh nhà trọ là 2.783 cơ sở. Chế độ chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo ở địa phương luôn được quan tâm kịp thời. Hiện phường Bình Hòa chỉ còn 5 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo….

Nếu như trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Hòa đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm đánh địch thì trong thời bình, nhân dân ở đây cũng đã cùng chung tay đẩy lùi cái nghèo, cái đói và đặc biệt là tấn công tội phạm, giữ gìn bình yên cho từng con hẻm, từng khu phố. Nói về công tác này, Trung tá Nguyễn Văn Chót, Trưởng Công an phường Bình Hòa, cho biết nhân dân phường Bình Hòa luôn đề xuất và hưởng ứng các mô hình phòng chống tội phạm giúp lực lượng công an có điều kiện tốt nhất để giữ gìn an ninh trật tự. Thời gian qua, công tác này được đánh giá cao. Mới đây, tập thể và nhân dân phường Bình Hòa vinh dự là một trong 10 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào 10 năm bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trước đó, năm 2014, tập thể cán bộ và nhân dân phường Bình Hòa vinh dự được Bộ Công an tặng cờ thi đua vì có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 Thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng Công an TX.Thuận An, cho biết những năm qua quần chúng nhân dân phường Bình Hòa đã có những đóng góp tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Từ nguồn tin báo của người dân, hàng loạt băng nhóm hoạt động ở khu vực giáp ranh như: Thảo “ma”, Dũng cò, Tý điên… bị triệt phá. Đặc biệt từ tin báo của các chủ nhà trọ, lực lượng công an đã nhanh chóng triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy đến địa bàn này tiêu thụ.


Theo Trung tá Nguyễn Văn Chót thì phường Bình Hòa có vị trí là địa bàn giáp ranh với Thủ Đức, khi kinh tế địa phương phát triển, nhiều nhà trọ mọc lên đáp ứng nhu cầu lao động, cư trú của người dân thì các đối tượng bất lương cũng kéo đến ẩn nấp hoạt động. Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động theo kiểu băng nhóm, bán ma túy... Trước thực trạng trên, từ năm 2010, khi Bình Hòa chuyển lên đơn vị hành chính phường thì nhiều mô hình phòng chống tội phạm đã được chú trọng xây dựng như mô hình CLB phòng chống tội phạm, CLB chủ nhà trọ phòng chống tội phạm… Qua thời gian, những mô hình này đã phát huy được hiệu quả tích cực khi cung cấp nhiều nguồn tin giá trị giúp công an phá án. Gần đây, mô hình Camera an ninh được triển khai ở một số điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn phường đã phát huy được tác dụng khi giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp phạm pháp. Được biết, kinh phí để lắp đặt hệ thống camera này đều do người dân địa phương tình nguyện đóng góp.
 

 Trải qua 2 cuộc kháng chiến, xã Bình Hòa có 235 người hy sinh và được công nhận là liệt sĩ; có 7 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 7-5-1996, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Hòa vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


 L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên