Bình Dương 40 năm - Sự đổi thay diệu kỳ

Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 5

Cập nhật: 02-04-2015 | 07:58:19

Kỳ 5: Xây dựng khu công nghiệp - tạo lực cho phát triển

 Giai đoạn 1994-1996, tỉnh Sông Bé có một số khu công nghiệp (KCN) được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhìn chung, những KCN ra đời sớm đều phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào bức tranh kinh tế và tạo ra những kinh nghiệm quý báu để các KCN khác phát triển.

 Thành lập năm 1996, đến nay KCN VSIP I trở thành mô hình KCN kiểu mẫu tại Việt Nam Ảnh: V.GIANG

 Phát triển những KCN đầu tiên

Vào thời điểm 1994-1995, Đảng bộ tỉnh Sông Bé xác định, trong thời gian tới kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ với công nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Để đưa công nghiệp phát triển, tỉnh Sông Bé chủ trương phát triển các KCN làm đòn bẩy. Với chủ trương và chính sách đúng đắn, chỉ trong thời gian ngắn nhiều KCN trên địa bàn tỉnh ra đời và phát huy hiệu quả trong kêu gọi thu hút đầu tư.

Xuất hiện sớm nhất tại Sông Bé là KCN Bình Đường do Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (nay là Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV) làm chủ đầu tư. KCN này ra đời vào năm 1994 với diện tích 24 ha, tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tuy có diện tích khiêm tốn so với các KCN khác của Sông Bé trước đây và Bình Dương sau này nhưng “chú bé hạt tiêu” KCN Bình Đường vừa ra đời đã phù hợp với xu thế phát triển nên nhanh chóng lấp đầy diện tích. Tiếp đó, KCN Sóng Thần I cũng do Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-1995 ra đời với diện tích 180,3 ha, tổng vốn đầu tư gần 25 triệu đô la Mỹ. Sau thành công của KCN Sóng Thần I, KCN Sóng Thần II do Công ty Cổ phần phát triển KCN Sóng Thần làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10-1996 với diện tích gần 309 ha, tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng. 2 KCN này được bố trí dành cho các ngành công nghiệp gia công, chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng… và một số ngành công nghiệp có nguyên liệu và sản phẩm nặng, cồng kềnh, có yêu cầu vận chuyển và sử dụng kho bãi lớn.

Sau KCN Bình Đường, Sóng Thần, năm 1996, KCN Việt Hương I (TX.Thuận An) được xây dựng. Đây là một trong những ví dụ khá thành công về mô hình công ty cổ phần đứng ra xây dựng và đảm trách KCN để kêu gọi dự án đầu tư. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi thành lập, KCN Việt Hương I đã thu hút 32 dự án, trong đó có 31 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 60 triệu đô la Mỹ.

Ấn tượng KCN Việt Nam - Singapore

Năm 1996 được xem là cột mốc quan trọng trong đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Sông Bé (sau này là Bình Dương) sang thời kỳ mới, đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để thành lập liên doanh xây dựng hạ tầng KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) chất lượng quốc tế. Với sự kiện này, Sông Bé được đánh giá là tỉnh “đổi mới năng động nhất nước, là hiện tượng đặc biệt trong thu hút đầu tư”.

Theo đó, KCN VSIP I được xây dựng năm 1996 tại TX.Thuận An với quy mô 500 ha. Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do 2 tập đoàn có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) dẫn đầu được thành lập để thực hiện dự án VSIP. Đến nay, KCN VSIP I đã phủ kín 100% diện tích, thu hút 240 dự án đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ đô la Mỹ. Thành công của KCN VSIP I sau này đã tạo đà phát triển ra cả nước với tổng cộng 5 KCN VSIP, tổng quỹ đất hơn 6.000 ha, trở thành những KCN kiểu mẫu hàng đầu Việt Nam.

Có thể nói, sau 10 năm đổi mới (1986-1996), đời sống của người dân trong tỉnh đã được nâng lên nhanh chóng. Với việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là những KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Các KCN này đi vào hoạt động đều xây dựng nhà máy xử lý nước thải, bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư mạnh vào các KCN đã góp phần tạo việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từ thành công của những KCN trong thời gian đầu đã giúp cho tỉnh Sông Bé, sau này là Bình Dương có thêm những kinh nghiệm quý báu để tự tin triển khai những KCN khác. Từ đó, tạo tiền đề cho Bình Dương sau ngày tái lập tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

 Kỳ 6: Hiệu quả từ các khu công nghiệp

 V.GIANG

Chia sẻ bài viết
Tags
KCN VSIP I

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên