Những kỳ tích của vùng đất lửa- Kỳ 6

Cập nhật: 03-04-2015 | 08:06:00

 Kỳ 6: Hiệu quả từ các khu công nghiệp

Góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của Sông Bé từ năm 1995-1997 và Bình Dương hôm nay, vai trò của các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh rất quan trọng. Chính các KCN là nơi thu hút nguồn đầu tư mạnh mẽ nhất để đưa công nghiệp (CN) tiếp tục bứt phá.

 Sản xuất sản phẩm dược tại Công ty TNHH Rohto-Mentholatum Việt Nam, KCN VSIP I (TX.Thuận An)

Liên tục phát triển

Xây dựng các KCN tập trung làm đòn bẩy đưa CN đi lên là thành công của những KCN ban đầu tại tỉnh như Bình Đường, Sóng Thần, Việt Nam - Singapore I (VSIP), Việt Hương I. Tiếp bước Sông Bé, tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều KCN khác như VSIP II, Mỹ Phước, Nam Tân Uyên, Bàu Bàng... Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN được thành lập với diện tích quy hoạch 9.425 ha và được trải rộng ở nhiều huyện, thị, thành phố để tạo lực phát triển cho các địa phương. Hiện đã có 26 KCN đi vào hoạt động.

Sự hoàn thiện của các KCN đã tạo điều kiện thu hút đầu tư tăng lên nhanh chóng. Đến nay, các KCN đã thu hút khoảng 1.850 dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó có gần 1.420 dự án của doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 12,6 tỷ đô la Mỹ và 431 dự án của DN đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, các DN đầu tư vào KCN trên nhiều lĩnh vực như sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô - xe máy, chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, giày da, sắt thép, điện và điện tử... CN của Bình Dương phát triển theo xu hướng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và sức cạnh tranh ngày càng mạnh hơn.

Ông Bùi Minh Trí, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, các KCN thực sự là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách. Đây cũng là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Hiệu quả thiết thực

Trong công tác quy hoạch và xây dựng các KCN, Bình Dương đã đúc rút nhiều kinh nghiệm nên các KCN luôn thỏa mãn và tạo ấn tượng với các nhà đầu tư. Nhờ vậy, trong số 2.449 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký hơn 20,7 tỷ đô la Mỹ tại tỉnh hiện nay, các KCN đã chiếm trên 58% về số lượng dự án và chiếm gần 61% vốn đầu tư. Các KCN còn tạo việc làm ổn định cho hơn 360.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước, hoạt động của các KCN đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng CN và dịch vụ. Bên cạnh đó, vai trò của các DN hoạt động trong KCN rất quan trọng, đã góp phần nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, trình độ công nghệ của kinh tế Bình Dương. Từ KCN, nhiều công nghệ mới đã được nhập vào tỉnh như sản xuất lốp ô tô, linh kiện ô tô, linh kiện máy tính, diện thoại di động… Nhờ đó, nhiều sản phẩm mới với chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đã ra đời và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Trong chiến lược phát triển để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, Bình Dương xác định CN là ngành kinh tế chủ lực để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà; trong đó các KCN tiếp tục đóng vai trò quan trọng để tạo động lực tập trung thu hút đầu tư. Thực hiện chiến lược này, tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển KCN theo hướng hình thành chuỗi các KCN cùng với sự phát triển khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch các KCN phù hợp với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển… trong khu vực. Ngoài ra, để phát triển bền vững, tỉnh đặt ra yêu cầu các KCN cần tập trung thu hút các dự án đầu tư ít thâm dụng lao động, ưu tiên những dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh lớn.

Có thể nói, nhờ hạ tầng đầu tư bài bản nên các KCN tại tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Dương hiện nay đã thu hút nhiều dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa CN của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đây là bài học quý báu của tỉnh trong thực hiện chủ trương và định hướng phát triển CN một cách căn cơ. Cũng từ hạ tầng các KCN tốt đã đưa Bình Dương trở thành điểm sáng trong tốp đầu của cả nước thu hút đầu tư.

Kỳ 7: Bài học xã hội hóa đầu tư khu công nghiệp

VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Sông Bé

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên