Bình Dương 40 năm - Sự đổi thay diệu kỳ

Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 8

Cập nhật: 06-04-2015 | 07:59:27

Kỳ 8: Vàng son một thời của ngành tiểu thủ công nghiệp

 

 Trong giai đoạn 1986-1997, ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tỉnh Sông Bé thăng hoa rực rỡ. Những làng nghề như điêu khắc Phú Thọ, sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh... đã chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.

 Sơn mài Tương Bình Hiệp một thời nức tiếng. Trong ảnh: Hoàn thiện sản phẩm sơn mài Ảnh: Q.CHIẾN

 Nức tiếng gần xa

Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX, gốm sứ ở Bình Dương là sự kết nối từ trong quá khứ của gốm tiền - sơ sử Nam Trung bộ cùng với sự phát triển gốm thủ công truyền thống của cư dân Việt - Hoa định cư trên vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương. Sau năm 1986, các làng nghề gốm nổi tiếng của Bình Dương như làng nghề gốm Lái Thiêu (TX.Thuận An), làng gốm sứ Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), làng gốm sứ Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) có quy mô sản xuất lớn đã cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường quốc tế. Với việc nâng cao chất lượng mẫu mã, đầu tư trang bị kỹ thuật, nhiều sản phẩm gốm sứ của Bình Dương được tặng huy chương vàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Thụy Sỹ...

Bên cạnh gốm sứ, ngành sơn mài đã hình thành và phát triển ở Bình Dương từ 200 năm nay. Cái nôi của nghề sơn mài Bình Dương là làng Bến Thế và Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp cho biết, thập niên 1980-1990 là thời kỳ vàng son của làng sơn mài Tương Bình Hiệp với việc thành lập hợp tác xã sơn mài; khi đó 744 hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất sơn mài, trên 120 hộ tham gia nghề này và thu hút hơn 1.500 lao động từ nơi khác đến làm và học nghề. Theo thống kê của UBND phường, thời kỳ này xã có hơn 400 hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất liên quan đến lĩnh vực sơn mài.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp từ khi hình thành và phát triển luôn là nơi sản xuất quy mô lớn, đạt nhiều thành tựu về mặt kinh tế, mỹ thuật. Nhiều sản phẩm sơn mài được tặng thưởng huy chương tại Hội chợ triển lãm kinh tế - kỹ thuật Giảng Võ (Hà Nội) năm 1985 và 1986; trong số 9 huy chương sơn mài Thủ Dầu Một thì có 7 huy chương vàng là sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp. Những sản phẩm sơn mài ở đây đã xuất khẩu ra nước ngoài và được khách hàng nhiều nước ưa chuộng.

Cùng với làng nghề gốm sứ, sơn mài, làng nghề điêu khắc Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) với hơn 200 năm tồn tại và phát triển cũng đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á...

Ổn định thu nhập

Thời kỳ vàng son của ngành TTCN đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh; khi đó sản phẩm chế biến đạt chất lượng khá, qua đó tăng sản xuất hàng hóa cho xã hội và thu nhập cho người dân, nhiều hộ đã khá lên từ nghề truyền thống này. Năm 1990, ngành TTCN của tỉnh đã giải quyết việc làm ổn định cho 4.200 lao động. Ông Trần Văn Rịch, nghệ nhân điêu khắc gỗ với hơn 40 năm theo nghề chạm gỗ, ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, từ năm 1990-1996 có thể nói là giai đoạn mà nghề chạm khắc gỗ ở đây phát triển mạnh nhất. Ngày đó, xưởng gỗ do ông quản lý mức lương bình quân của thợ đã đạt từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Do vậy mà nhiều nhà, nhiều người đã theo nghề này.

Sự phát triển của ngành TTCN trong thời kỳ đổi mới không chỉ ổn định đời sống, tăng thêm thu nhập cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và đóng góp cho ngân sách địa phương. Đây cũng chính là một trong những thành tựu kinh tế mà Sông Bé đã đạt được; đồng thời khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực quảng bá, khai thác tiềm năng và lợi thế cũng như xây dựng thương hiệu du lịch riêng, đặc biệt là gắn với các sản phẩm làng nghề truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để các làng nghề này phát huy giá trị sản phẩm của mình và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Kỳ 9: Phát huy nội lực

 PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên