Những kỳ tích trên vùng đất lửa - Kỳ cuối

Cập nhật: 30-04-2015 | 09:02:07

Kỳ cuối: Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Đúc kết những kỳ tích của vùng đất lửa cho thấy, chính sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đưa Bình Dương nổi bật trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Bình Dương cũng đang phấn đấu thực hiện nhiều giải pháp tạo động lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sẽ tiếp tục được Bình Dương thực hiện trong thời gian tới. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: V.GIANG

Sẽ trở thành thành phố công nghiệp

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bằng tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, Bình Dương đã có những đột phá toàn diện. Để hôm nay, trong lĩnh vực kinh tế, Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước.

Trên cơ sở kết quả đạt được từ thực tế, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 chỉ rõ, Bình Dương sẽ trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Theo đó, thành phố Bình Dương là đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Đây cũng là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh.

Đường vào trung tâm Thành phố mới Bình Dương rực sáng về đêm

Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020, Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là nơi chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị; phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ - đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hiệu quả; hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực công nghiệp…

Nhà ở xã hội, một trong những điểm nhấn trên đường phát triển bền vững của Bình Dương. Ảnh: V.GIANG

Giải pháp khả thi

Để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, cụ thể: Hoàn thiện các trục đường giao thông huyết mạch trong nội bộ tỉnh đã thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ mục tiêu liên kết vùng, kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp của vùng như cảng Thị Vải, hệ thống cảng Sài Gòn, sân bay Long Thành…; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng để giải quyết các nút thắt về hạ tầng để chủ động kết nối vùng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh. Tỉnh cũng tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển trung tâm đô thị mới; quan tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội; bên cạnh đó tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng vốn, khoa học công nghệ cao, các ngành phụ trợ. Về công tác đào tạo, tỉnh sẽ quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, thương mại - dịch vụ; từng bước hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, chất lượng…

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, vốn đầu tư là điều kiện quan trọng và cần thiết nhất. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư lớn cho việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh sẽ chiếm tỷ lệ chưa tới 10%, phần vốn còn lại là huy động đầu tư từ xã hội. Giải pháp của tỉnh là sẽ huy động mọi nguồn lực trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, mọi thành phần kinh tế tạo ra vốn đầu tư. Phương án này rất khả thi, bởi lẽ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục tạo động lực đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên