Những kỷ vật thời chiến - Bài 2

Cập nhật: 26-03-2015 | 09:45:10

Bài 2: Chiếc máy đánh chữ của cố Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Tiết

Hiện Bảo tàng Bình Dương đang trưng bày chiếc máy đánh chữ của cố Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Tiết từng sử dụng trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng. Chiếc máy đánh chữ này được ông Ngô Văn Hòa tặng cho Bảo tàng Bình Dương bảo quản và trưng bày. Máy đánh chữ mang nhãn hiệu Hermes 3000, màu xám trắng, dài 35cm, rộng 33cm, ngang đáy rộng 13cm, có nắp rời đậy khít và quai xách dạng ba lô, vẫn còn mới và có thể sử dụng được.

Chiếc máy đánh chữ của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết

Vào cuối năm 1946 đầu năm 1947, ông Ngô Văn Hòa, cán bộ tiền khởi nghĩa người Việt gốc Hoa là Thư ký riêng của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết, làm việc ở chiến khu Thuận An Hòa, huyện Lái Thiêu. Ông Ngô Văn Hòa cho biết trong những năm tháng đó, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã dùng máy đánh chữ để đánh các nghị quyết của Trung ương, các chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, các tài liệu, văn bản của Đảng gửi các cấp bộ Đảng trong tỉnh từ năm 1946, giai đoạn chống thực dân Pháp quay lại Nam kỳ. Đến tháng 7-1954, đoàn trao trả tù binh tỉnh Thủ Biên đã dùng chiếc máy đánh chữ này đánh các văn bản tiếng Pháp trao trả tù binh cho Pháp tại ngã tư Kiến Điền, xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Nguyễn Văn Tiết - người con ưu tú của đất Bình Dương

Đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết), sinh năm Kỷ Dậu (1909), cha là Nguyễn Văn Viết, mẹ là Lê Thị Biên, quê quán xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đã quyết tâm đi tìm cái chữ để mong được đổi đời. Đồng chí được cha mẹ cho đi học và đã thi đậu tiểu học trường cộng đồng Nam Châu Thành (nay là trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một). Về sau đồng chí theo học các thầy giáo dạy học trò ở làng.

Tháng 3-1926, khi còn học tại trường Nam Châu Thành, dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo, đồng chí đã vận động học sinh Thủ Dầu Một bãi khóa, kéo về Sài Gòn dự đám tang nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Kín yêu nước của Nguyễn An Ninh. Sau khi trở thành hội viên, đồng chí cùng với các hội viên khác tham gia nhiều hoạt động tiến bộ như tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ, thành lập các nhóm đọc sách báo tiến bộ để tìm hiểu hoạt động yêu nước của các nhà hoạt động cách mạng.

Năm 1928, sau khi Nguyễn An Ninh bị bắt, đồng chí tham gia hội viên của nhóm đảng viên Tân Việt Đảng do đồng chí Lê Trọng Khôi tổ chức. Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, phong trào yêu nước cùng với những nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường cách mạng của đồng chí, đồng chí gia nhập nhóm thanh niên của Chi bộ An Nam cộng sản Đảng xã Bình Nhâm và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nông dân vùng Lái Thiêu.

Mùa xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí đã hướng dẫn nông dân, thợ thủ công Lò Chén, Lò Đường, Trại mộc làm đơn xin nhà cầm quyền Pháp giảm thuế, giảm tô, đòi tăng lương, cải thiện đời sống. Đến tháng 8-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Cộng sản Bình Nhâm và đã trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Nhâm. Ngày 7-11- 1930, nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ diễn thuyết cho gần 200 quần chúng xã Thuận Giao về mục đích, ý nghĩa ngày cách mạng vĩ đại này. Sau buổi diễn thuyết, đồng chí kêu gọi mọi người hãy tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đoàn kết chống lại sự nô dịch áp bức của thực dân đế quốc. Do bị chỉ điểm, thực dân Pháp cho lính đến bắt, chúng đưa đồng chí ra tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Tháng 4-1936, Mặt trận Bình dân Pháp mà Đảng Cộng sản Pháp là nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Tháng 6-1936, Chính phủ Mặt trận bình dân cầm quyền có Đảng Cộng sản Pháp tham gia ra đời đã ban hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các nước thuộc địa. Một số đảng viên trong số 1.000 tù chính trị ở Côn Đảo được Chính phủ bình dân Pháp ân xá, đồng chí được trả tự do.

Không nhụt chí, năm 1937, vừa thoát khỏi nhà tù giặc, đồng chí được Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phân công về cùng với đồng chí Văn Công Khai lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã tổ chức nhiều “công hội đỏ” ở Dầu Tiếng và “nông hội đỏ” tại Lái Thiêu. Ở Bến Cát, đồng chí đã đóng vai thợ sửa xe đạp để bám địa bàn vận động công nhân lao động vườn ươm và trường Nông lâm Lai Khê đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã cùng đồng chí Văn Công Khai vận động quần chúng đứng lên giành chính quyền thắng lợi không đổ máu.

Tháng 10-1945, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, thay đồng chí Văn Công Khai chuyên trách công tác chính quyền. Lúc ấy, đồng chí vừa là đại biểu Quốc hội khóa I, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tuyên truyền, Chủ nhiệm báo “Tiến Lên” của tỉnh Đảng bộ, Ủy viên chính trị, Ủy viên dân quân kiêm Tỉnh đội trưởng dân quân. Dù ở trên cương vị nào đồng chí cũng không ngừng học tập, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Ai cũng khâm phục nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao của đồng chí trước một khối công việc đồ sộ đó.

Tháng 3-1946, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ban Chấp hành lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận chính thức và bầu đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng Thư ký Bộ Việt Minh. Trong thời gian này, đồng chí đã sáng lập ra tờ báo “Tiến Lên” và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, tờ báo do đồng chí phụ trách đã góp phần tích cực tuyên truyền, cổ động toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết theo Đảng kháng chiến đến thắng lợi.

Tháng 9-1947, Quân khu 7 chỉ định đồng chí làm Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một. Sau khi đảm nhiệm thêm cương vị mới, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Đảng đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào kháng chiến với tinh thần “thi đua ái quốc”. Các phong trào xây dựng lực lượng ba thứ quân chiến đấu, sản xuất tự cung, tự cấp, đóng thuế nuôi quân được nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhưng giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp bước vào giai đoạn phản công địch, ngày 19-4-1948, đồng chí cùng đoàn công tác đến ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu thì lọt vào ổ phục kích của quân Pháp. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đồng chí bị trúng đạn và hy sinh ở tuổi 39 đang sung mãn. Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy tên đồng chí đặt tên cho Tiểu đoàn 902.

Cố Bí thư Nguyễn Văn Tiết là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Nhâm. Đồng chí giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ 1946- 1948, được công nhận là liệt sĩ và được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ Kháng chiến”. Hiện tại, liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết được thờ cùng 5 đảng viên tiền bối của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Thủ Dầu Một tại đền Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau ngày giải phóng 30-4-1975, hài cốt của đồng chí được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Người có tầm nhìn xa

Ở cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết, ngoài việc là người luôn đi đầu chỉ đạo công cuộc đấu tranh trên quê hương thì điều đáng khâm phục hơn nữa là phẩm chất của người lãnh đạo có tầm nhìn xa và tấm lòng đại nghĩa cách mạng. Trong lúc cách mạng vừa mới thành công, lực lượng cách mạng còn non trẻ, lại phải đương đầu với giặc Pháp với dã tâm chiếm nhiều nơi ở trong tỉnh. Và thâm độc hơn nữa, thực dân Pháp còn lợi dụng các giáo phái phản động chống lại ta. Ở Dầu Tiếng lực lượng của giáo phái đã cướp bóc tài sản của nhân dân, đòi tỉnh phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng. Ở TX.Thủ Dầu Một và quận Châu Thành, lính Cao Đài đã lập đồn bốt ở ngã tư Phú Văn (nay là ngã tư đường Lê Hồng Phong và Cách Mạng Tháng Tám) và trà trộn vào lính thân binh của Pháp chống phá ta. Trước tình hình như vậy, một số tỉnh chủ trương “tảo thanh Cao Đài”. Ở Thủ Dầu Một, nhiều cán bộ cũng đề nghị tỉnh tiêu diệt lực lượng Cao Đài để phá âm mưu thâm độc của giặc. Nhưng đồng chí Sáu Tiết là người rất am hiểu về thực lực của Cao Đài đã bình tĩnh bảo: “Giết một số lính Cao Đài không khó vì ta có lực lượng trong tay. Song cái khó là vợ con, bà con và bè bạn của họ. Phải nghĩ đến điều đó để giải quyết cho khéo, tránh hận thù sau này”.

Đồng chí đã chân tình tâm sự với cán bộ chiến sĩ về chủ trương của Tỉnh ủy là phân hóa và thuyết phục các chức sắc và vận động làm tan rã số tín đồ bị lừa gạt, mua chuộc. Sau khi tư tưởng thông suốt, cán bộ chiến sĩ ta đã đi sâu vào quần chúng vận động làm tan rã từng mảng lính Cao Đài. Một số chức sắc có tiến bộ, được tỉnh cử đi học lớp chính sách tôn giáo của Đảng ở vùng “Hội đồng Sầm”, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Nhiều người sau này trở thành cán bộ Mặt trận Việt Minh và làm cốt cán trong phong trào Cao Đài vận.

Với những đóng góp góp to lớn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên quê hương, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ Dầu Một vô cùng thương tiếc và luôn ghi nhớ công lao của người cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, người học trò thấm nhuần sâu sắc tấm lòng đại lượng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phường Lái Thiêu hiện nay, có một con đường mang tên người con ưu tú đất Bình Dương - NguyễnVăn Tiết. Cố Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Tiết là một tấm gương của sự dũng cảm, mưu trí, gan dạ, vượt qua mọi khó khăn, đặc biệt là tấm lòng sắt son vì nước, vì dân.

Bài 3: Khẩu súng K54 của anh hùng Hồ Văn Mên

 BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên