Những kỷ vật thời chiến - Bài cuối

Cập nhật: 30-03-2015 | 15:05:18

Bài cuối: Khẩu súng cối của Đại đội nữ pháo binh Bến Cát anh hùng

Ngoài khẩu súng AK47 đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 7 thì hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương đang trưng bày khẩu súng cối 61 ly của Đại đội nữ pháo binh Bến Cát. Đó là những vũ khí mà đại đội đã sử dụng trong chiến đấu, lập nhiều chiến công góp phần giải phóng quê hương.

 Khẩu súng cối 61 ly của Đại đội nữ pháo binh Bến Cát trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương

Kỷ vật còn lại

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 61 (C61) anh hùng thuộc Huyện đội Bến Cát: Súng cối 61 ly do cấp trên trang bị cho C4 vào khoảng tháng 12-1967. Khẩu súng theo C4 thuộc Huyện đội Bến Cát xông pha trên chiến trường và đã lập nhiều chiến công lớn, đặc biệt C4 đã sử dụng khẩu súng này trong chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Tháng 1-1968, Đại đội nữ địa phương Bến Cát thành lập và lấy tên là C5. Khẩu súng này được điều từ C4 sang trang bị cho C5. Khẩu súng cối cùng với các vũ khí khác cùng đại đội chiến đấu giải phóng quê hương. Khẩu súng được sử dụng từ đó cho đến năm 1975. Nữ đồng chí Tư Lan làm khẩu đội trưởng khẩu đội 61 này và đã sử dụng để chiến đấu đánh nhiều trận chi viện cho các đơn vị bộ binh tấn công tiêu diệt địch. Đồng chí Tư Lan chiến đấu anh dũng và đã hy sinh, chị được cấp trên tặng bằng khen. Khẩu súng này đã tham gia đánh nhiều trận, trong đó có những trận đánh tiêu biểu như: Ngày 15-3-1968, cối 61 ly đã phối hợp đơn vị bạn chiến đấu đánh quân địch tiếp viện trên đường 13, đánh thị trấn Bến Cát tiêu diệt 9 tên và bắn bị thương 8 tên khác. Ngày 7-6-1968, địch tập trung hơn 100 xe tăng và xe ủi đất cùng 100 tên lính Mỹ, có phi pháo yểm trợ càn quét phá địa bàn 2 xã Lai Hưng và Nam Long là căn cứ của ta. C5 đã phối hợp với C61, C2, C3, C4 chống trận càn này. Cối 61 ly của C5 cùng cối 82 ly của C4 đánh địch, chia cắt đội hình bộ binh và cơ giới tạo điều kiện cho đơn vị khác tiêu diệt địch. Qua 7 ngày đêm chiến đấu, đơn vị nữ đã anh dũng bám địch tiêu diệt 7 xe tăng, xe ủi và tiêu diệt gần 100 tên Mỹ - ngụy.

Đại đội nữ pháo binh anh hùng

 Đại đội nữ pháo binh Bến Cát trước giờ xuất kích (ảnh tư liệu)

Ngày 6-1-1968, dưới chủ trương của Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành quân sự Bến Cát, C5 được thành lập do đồng chí Trương Thị Hòa (Sáu Hòa), Huyện đội phó giữ chức Đại đội trưởng, Nguyễn Thị Vân (Ba Vân), Chính trị viên. Trong thời gian đầu thành lập C5 có 24 đồng chí. Có thời gian quân số lên tới 50 đồng chí. Có lúc tình hình khó khăn, ác liệt lực lượng bị thương vong, hay bổ sung lên trên, đơn vị chỉ còn 9 đồng chí. Ra đời trên quê hương Bến Cát, họ cùng với 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến và nhân dân bước vào cuộc chiến đập tan bộ máy kìm kẹp, khủng bố, đàn áp của địch ở Bến Cát, bẻ gãy các cuộc hành quân, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, đồn bót của địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Sau khi thành lập, đại đội “tóc dài” cùng các đại đội khác tham gia chiến đấu. Đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4-2-1968, C5 cùng các đại đội khác phối hợp với lực lượng Sư đoàn 7 bộ binh chủ lực của Miền, tấn công vào các vị trí địch trong chi khu và căn cứ dã chiến Trung đoàn 8 Sư đoàn 5 bộ binh ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên, phá hủy 10 xe quân sự, 2 pháo 105 ly, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội địch đóng bót Lầu Giáo Bảy, diệt gọn tiểu đội địch đóng tua Cầu Quan.

Đầu tháng 8-1968, trong khi các đơn vị lực lượng vũ trang của huyện đang củng cố để bước vào đợt 3 thì địch đưa 1 tiểu đoàn Mỹ cùng 150 xe tăng, xe ủi càn vào bưng Ông Hổ, là căn cứ của Huyện đội Bến Cát và các đơn vị vũ trang tập trung của huyện. Một cánh quân Mỹ càn vào đúng căn cứ của C5, Đại đội trưởng Trương Thị Hòa cùng Ban chỉ huy đại đội tổ chức đơn vị chiến đấu hơn 3 giờ, đánh lui 4 đợt tấn công của địch, bắn cháy và phá hủy 3 xe bọc thép M113, diệt hơn 40 tên. Những ngày sau đó địch tăng cường lực lượng, tổ chức nhiều mũi tấn công vào căn cứ đại đội ở bưng Ông Hổ. Cán bộ, chiến sĩ C5 kiên cường bám trụ đánh bật các mũi tiến công của địch.

Ngay cả trong từng giai đoạn, mức độ chiến đấu khó khăn, ác liệt nhất, chị em vẫn giữ được tinh thần chiến đấu, kiên quyết không nao núng, không rời bỏ đội hình và tuyệt đối không một ai đầu hàng. Tháng 8-1968, lực lượng C5 gồm 6 chiến sĩ và tiểu đội thuộc C61 hóa trang như những người nông dân đi làm đồng, đột nhập vào ấp chiến lược Lò Than, xã Long Nguyên, tập kích bọn bình định đang ráo riết bắt nam nữ thanh niên ấp vào tổ chức phòng vệ dân sự. Nhưng bất ngờ địch kéo đến một đại đội bảo an. Các chiến sĩ triển khai đội hình chiến đấu chia cắt đội hình địch, địch 10 ta 1, trận đánh diễn ra ác liệt suốt 3 giờ, ta đánh lui 7 đợt xung phong của địch, diệt 12 tên, bắn bị thương nhiều tên khác. Đồng chí Đoàn Thị Bé (Bé Giang) bị thương gãy hai chân và cánh tay trái vẫn kẹp súng vào nách tiếp tục chiến đấu kiềm chế địch cho đồng đội rút lui. Địch nắm chắc ưu thế, chúng dùng loa kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng. Nhưng chị Đoàn Thị Bé dùng hết sức hét thật to cho địch nghe rõ “Đừng kêu gọi chiêu hồi uổng công… Đội nữ vũ trang chỉ biết diệt địch, không biết đầu hàng”. Rồi chị siết cò, bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi địch xông lên đâm chết chị. Ở một hướng khác, nữ đồng chí Yến, bị thương ở bụng, gãy hai chân, chị vẫn bắn đến hết đạn, chị bò tới lấy súng địch chiến đấu tiếp cho đến lúc hy sinh trên tay đồng đội. Cuối năm 1969, Ban chỉ huy Huyện đội Bến Cát chủ động sử dụng lực lượng C61, C5, phân tán xuống các xã trọng điểm như Thanh An, Thanh Tuyền, 3 xã Tây Nam, phối hợp du kích kết hợp tác chiến với binh vận, hỗ trợ quần chúng đấu tranh chống địch bắt thanh niên vào phòng vệ dân sự. Ngoài ra phối hợp tổ chức một số trận đánh cùng các đại đội khác phá rã hệ thống kìm kẹp, tề xã và tổ chức phòng vệ dân sự của địch tạo điều kiện cho hàng trăm đồng bào về xóm cũ sản xuất. Bên cạnh đó, Đại đội nữ pháo binh Bến Cát thực hiện nhiều trận đánh độc lập phối hợp du kích các xã tác chiến hàng chục trận ở ấp chiến lược Kiến Điền, Lò Than, nhà hàng Mỹ Phước…

Trong quá trình chiến đấu những lúc tình hình căng thẳng, địch càn quét và tăng cường tác động tâm lý dùng mọi luận điệu để dụ dỗ chị em. Nhưng chị em vẫn bám trụ ăn củ mài, hái rau rừng ăn thay cơm, tìm bom đạn lép của địch cải tạo thành vũ khí của ta để đánh địch, bám giữ địa bàn hoạt động và tìm cách móc nối với cơ sở, lúc gác súng họ cùng các đại đội khác vừa xây dựng vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tranh thủ huấn luyện, tăng gia sản xuất tạo nên sức mạnh và niềm tin chiến đấu góp phần với các đội vũ trang địa phương giành nhiều thắng lợi.

Ngoài công tác chiến đấu, Đại đội nữ pháo binh Bến Cát còn lao động sản xuất tự túc, đào hầm xây dựng được 17 căn cứ, gài trên 500 trái tự động để bảo vệ căn cứ. Thường xuyên làm nhiệm vụ cáng thương bảo đảm đưa thương binh đến nơi an toàn.

Ghi nhận những chiến công và cổ vũ tinh thần của đại đội, vào năm 1969, C5 được tặng danh hiệu “Đơn vị thành đồng quyết thắng”. Từ năm 1968 đến 1972, C5 được tặng cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, thành tích xuất sắc 5 năm liền. Sau khi đất nước thống nhất vào ngày 20- 10-1976, Đại đội nữ pháo binh Bến Cát được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi đất nước thống nhất, Đại đội nữ pháo binh Bến Cát được lệnh giải tán, họ trở về cuộc sống đời thường. Mặc dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng những chiến sĩ Đại đội nữ pháo binh Bến Cát đã lập được nhiều chiến công rực rỡ, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù và là niềm tự hào của người dân nơi đây, họ xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.

 HOÀNG LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên