Những lợi thế để Bình Dương xây dựng thành phố thông minh

Cập nhật: 10-10-2017 | 06:12:35

 Những kết quả về phát triển công nghiệp mà Bình Dương đạt được trong những năm qua là lợi thế để xây dựng thành phố thông minh. Với mục tiêu đó, Bình Dương hướng đến trở thành một điểm sáng với thế mạnh về sản xuất và kỹ thuật tr ong và ngoài nước.

 

Bình Dương có nhiều lợi thế trong xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

  Lợi thế về tiềm năng

Sau 20 năm phát triển, từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nay Bình Dương đã trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh của cả nước. Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá. Nếu như năm 1997, Bình Dương mới có 6 khu công nghiệp, tập trung hầu hết ở phía nam của tỉnh, với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay toàn tỉnh đã có 28 khu công nghiệp, tổng diện tích trên 10.000 ha, được phân bố trong toàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã có Khu công nghiệp công nghệ cao Mapletre tại Thành phố mới Bình Dương với diện tích 75 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD. Mục đích của khu công nghệ cao này là chuyển giao kỹ thuật và quy trình kinh doanh hiện đại cho doanh nghiệp trong nước, phục vụ các công ty trong lĩnh vực phát triển phần mềm, phát triển sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Có thể nói, hạ tầng các khu công nghiệp và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, kết hợp với cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Bình Dương ra thế giới và thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp, Bình Dương đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế; phát triển công nghiệp chế tạo, hàm lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị…

Về xây dựng thành phố thông minh, mô hình “Ba nhà” đã và đang được các nước áp dụng khi xây dựng thành phố thông minh. Mô hình này là sự hợp tác mật thiết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học; trong đó Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo. Mô hình này tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp để thúc đẩy Bình Dương trở thành khu vực phát triển lên tầm quốc tế về kỹ thuật và kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất (công nghệ cao).

Sử dụng công nghệ làm động lực phát triển

Theo ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng vùng Noord Brabant (Hà Lan), Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Bình Dương cần tập trung vào giai đoạn sản xuất hoàn thiện, có thể xem đây là kịch bản tốt nhất cho giai đoạn ngắn hạn của cụm công nghiệp bán dẫn. Điều này có nghĩa là đầu tư có hạn mức và tỷ lệ việc làm cao…

Ông Peter Portheine cho rằng, Bình Dương cần hướng đến dự án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó cần hình thành một nhà máy hiện đại sản xuất giai đoạn cuối cho các sản phẩm nhận dạng, bảo mật như thẻ ngân hàng, thẻ ID. Bên cạnh đó, địa phương cần hợp tác chặt chẽ với một số công ty sản xuất bán dẫn đang hoạt động hiệu quả tại khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện tốt dự án nói trên, theo ông Peter Portheine, bước đầu tiên Bình Dương cần làm là xây dựng giai đoạn khởi tạo dự án vững chắc trên thị trường bán dẫn ở miền Nam Việt Nam; các khía cạnh kỹ thuật tổ chức và tài chính hoạt động của dự án được dự tính và phân tích rủi ro với cơ sở vững chắc. Điều này sẽ dẫn đến một kế hoạch hành động toàn diện để xây dựng, quản lý và khai thác các cơ sở này, bao gồm các thị trường mục tiêu, lựa chọn công nghệ, khách hàng tiềm năng và nhà đầu tư. Các giai đoạn khởi tạo dự án sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc, rõ ràng về thị trường bán dẫn và tiềm năng cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên