Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội – Bài 12

Cập nhật: 21-03-2015 | 08:16:02

Bài 12: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam

Muốn cải tạo nền kinh tế lạc hậu ở nước ta, không còn con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Vì vậy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế miền Bắc nước ta thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đại hội xác định những nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất:

- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ.

- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc doanh.

- Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, xúc tiến công tác khoa học kỹ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu nữ dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng

- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, mở mang phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.

- Ra sức củng cố quốc phòng, trật tự an ninh xã hội.

Các nhiệm vụ đó liên hệ mật thiết với nhau.

Đại hội cũng quyết định các chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố sự nhất trí về chính trị của nhân dân, đoàn kết quốc tế và đẩy mạnh xây dựng Đảng.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, đại hội đã rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu của cách mạng nước ta trong 30 năm qua. Đó là:

- Xây dựng Đảng Mác - Lênin đoàn kết nhất trí, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, luôn luôn giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng.

- Có đường lối, phương châm cách mạng đúng đắn, kết hợp nhiệm vụ chống đế quốc và bè lũ tay sai là nhiệm vụ chủ yếu nhất và nhiệm vụ chống phong kiến phải tiến hành từng bước, kết hợp với nhiệm vụ chống đế quốc.

- Giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, thực hiện khối liên minh công nông vững chắc.

- Dựa trên cơ sở khối liên minh công nông vững mạnh, tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ thành một mặt trận thống nhất rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Lấy việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ bản, phối hợp hoạt động hợp pháp và hoạt động không hợp pháp, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị.

- Tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân.

- Nắm vững phương hướng chiến lược lợi dụng những mâu thuẫn cục bộ và tạm thời trong nội bộ kẻ thù để phân hóa chúng, trung lập những lực lượng có thể trung lập, cô lập triệt để bọn nguy hiểm nhất.

- Tăng cường đoàn kết quốc tế.

Kinh nghiệm cách mạng được tổng kết đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của nhân dân ta. Để cho Đảng làm tròn sứ mệnh, vấn đề mấu chốt là phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tức là “phải nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng… củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, phải cải tiến công tác lãnh đạo của Đảng, phải nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác của cán bộ đảng viên”.

Đại hội nghe và thảo luận Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo cáo chỉ rõ: Trong tình hình mới, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Đảng là phải giữ vững và nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng để nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; phải nâng cao trình độ lý luận và tư tưởng trong Đảng, mở rộng dân chủ và tăng cường tập trung trong sinh hoạt Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở phê bình và tự phê bình. Báo cáo sửa đổi Điều lệ đặc biệt nhấn mạnh vấn đề về đảng viên, coi đó là một trong những vấn đề quyết định chất lượng và sức chiến đấu của Đảng.

Trong hơn 5 ngày làm việc, đại hội đã thảo luận sôi nổi và hoàn toàn tán thành Báo cáo chính trị và các báo cáo khác của Ban Chấp hành Trung ương. Những vấn đề đại hội thảo luận và thông qua có tầm quan trọng quyết định phương hướng nhiệm vụ của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 đồng chí ủy viên chính thức, gồm: Hồ Chí Minh, Hoàng Anh, Lê Quảng Ba, Nguyễn Lương Bằng, Trần Tử Bình, Nguyễn Côn, Võ Chí Công, Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Hữu Dực, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Đồng, Võ Thúc Đồng, Hà Huy Giáp, Võ Nguyên Giáp, Song Hào, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, Tố Hữu, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Khang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Lam, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Trần Lương, Lê Hiến Mai, Chu Huy Mân, Đỗ Mười, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế, Bùi Quang Tạo, Chu Văn Tấn, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Thập, Lê Quốc Thân, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Xô và 31 đồng chí ủy viên dự khuyết, gồm: Lý Ban, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thái Bường, Đinh Thị Cẩn, Nguyễn Thọ Chân, Lê Quang Đạo, Trần Độ, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Lê Hoàng, Trần Quang Huy, Võ Văn Kiệt, Hoàng Văn Kiểu, Nguyễn Khai, Nguyễn Hữu Khiếu, Lê Liêm, Ngô Minh Loan, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Hữu Mai, Hà Kế Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Tùng, Trần Danh Tuyên, Lê Thành, Đinh Đức Thiện, Ngô Thuyền, Lê Toàn Thư, Trần Văn Trà, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Trọng Vĩnh.

Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 đồng chí ủy viên chính thức, gồm: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan và 2 ủy viên dự khuyết là Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng.

Bí thư Trung ương Đảng có 7 đồng chí, gồm: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu và Lê Văn Lương. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 10-9-1960, đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới; Thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và Lời kêu gọi của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn bế mạc đại hội. (Còn tiếp)

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ta là một sự kiện rất quan trọng trong sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta. Đại hội này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đại diện cho ý chí của toàn Đảng, đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua đường lối và nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong giai đoạn mới. Thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và đường lối cách mạng do đại hội thông qua, tức là hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới của nhân dân ta tiến hành trong hoàn cảnh lịch sử thuận lợi, nhưng con đường dẫn tới thắng lợi cuối cùng vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ. Toàn Đảng và toàn dân ta phải đoàn kết nhất trí, phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù, ra sức khắc phục khó khăn, đánh bại mọi âm mưu và hành động của địch, bảo vệ và phát triển những thành quả cách mạng, trước mắt là phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và đẩy mạnh cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Những thắng lợi đã giành được vô cùng to lớn, nhưng so với toàn bộ nhiệm vụ cách mạng còn phải tiếp tục thì những thắng lợi đó mới là những bước đầu trên con đường ngàn dặm.

 

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên