Những người hùng trong lũ dữ

Cập nhật: 02-12-2013 | 00:00:00

 Chỉ có thể lý giải hành động quả cảm của gia đình ông Hồ Sở và Phan Thuận trong lũ dữ bằng tình người, nghĩa cử đồng bào cao đẹp. Bởi họ đã bất chấp sự đe dọa tính mạng và những mất mát tài sản để ngược xuôi trong lũ giành giật sự sống cho 240 mạng người…

 2 chiếc ghe cứu 240 mạng người

Chúng tôi tìm về thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) trong một buổi sáng xám xịt, mưa sũng nước và bùn còn lầy lội lên đến ngập đầu gối dù lũ đã rút được 10 ngày. Trên đường vào, chúng tôi được anh Phạm Văn Như, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây giới thiệu: “Trong đợt lũ vừa qua, 70% số nhà trong xã bị ngập lút nóc nhưng không có trường hợp chết người. Nếu không có hành động dũng cảm của ba cha con ông Hồ Sở cùng ông Phan Thuận và cháu có lẽ dân thôn này chết rất nhiều”.    Ông Hồ Sở và con út Hồ Thanh Lâm đứng cạnh chiếc thuyền cứu được hơn 80 người trong lũ

Dừng lại ở đầu thôn Phú Khương, cạnh cột ghi nhận mốc lũ qua các năm để thấy hết sự kinh hoàng của lũ năm nay. Rác và những cọng rơm dính trên mốc lũ lịch sử 1999 hơn 1m sau khi lũ rút. Đi vào trong xóm, nhà nào cũng ngập từ 3 - 4m trở lên, rất nhiều nhà bùn non còn dính lên cả chỏm mái ngói. Chúng tôi len lỏi đi trong bùn đất của xóm nghèo Phú Khương, những gương mặt đen xạm lại, khắc khổ vì cơn lũ kinh hoàng tàn phá không thương tiếc tài sản, rau màu của họ.

Nhưng đâu đó hằn sâu trong tột cùng sự đau khổ, mất mát ấy vẫn còn những nụ cười ấm áp tình người giữa những hoang tàn. Ông Nguyễn Hải, một trong số những người được cha con ông Hồ Sở cứu cho biết: “Nước lên nhanh lắm. Chúng tôi chưa kịp thu gom tài sản, súc vật thì nước đã lên quá cửa sổ. Khi trèo lên được mái nhà thì nước lên tới nóc. Giữa cơn nguy khốn, ba cha con ông Sở chèo thuyền đến cứu 4 người trong nhà chúng tôi”.

Đối với anh Nguyễn Hồng Phúc, cha con ông Hồ Sở như là những người sinh ra anh lần hai. Anh kể: “Tôi làm màu ở bãi bồi giữa 2 nhánh sông Vệ bỗng lũ lớn tràn về cuốn trôi chiếc thuyền. Không có phương tiện về lại bờ mà nước ùn ùn đổ về như thác, tôi nghĩ phen này mình chết chắc! Vậy mà ba cha con ông Hồ Sở bất chấp nguy hiểm chèo thuyền ra ứng cứu kịp thời. Tôi nghĩ, nếu trễ chừng 15 phút nữa có lẽ tôi đã bị lũ cuốn trôi rồi”.

Chị Nguyễn Thị Loan, người được ông Phan Thuận chèo ghe tới cứu cả gia đình bồi hồi nhớ lại: “Lúc nước lên ầm ầm, cả nhà tui trèo lên dỡ ngói ngồi trên nóc nhà run lập bập. Nước chảy mạnh quá, sợ nước ngập mái hoặc phá sập nhà thì 4 mạng người chắc chết hết. Đang lúc bí bách không biết bấu víu vào đâu thì ông Thuận chèo thuyền tới cứu cả gia đình ngược dòng nước lên xóm Gò Chè né lũ. Ơn này không biết bao giờ mới trả được”.

Được biết, trong cơn lũ lịch sử vừa qua, cả xóm nghèo Phú Khương có đến 8 chiếc thuyền. Tuy nhiên, trong khi những người có ghe khác lo di dời người, tài sản gia đình đến chỗ cao rồi… trốn lũ thì 2 chiếc thuyền ông Phan Thuận và Hồ Sở đã ngược xuôi cứu được tổng cộng 67 hộ với 240 mạng người đến nơi an toàn.

Quên mình cứu người

Chiếc thuyền gia đình ông Sở cứu người được đóng từ số tiền ông dành dụm được khi bán lứa heo trong nhà. Những ngày nông nhàn, ba cha con xoay vần ra đóng chiếc thuyền ngang 1,6m và dài 5m. Chiếc thuyền bao ngày tháng nằm phơi bụng chỉ với mục đích duy nhất là phòng thân khi bão lũ. Vậy mà nó phát huy tác dụng thật! Lũ lớn, ba cha con nghe tiếng kêu cứu của anh hàng xóm Nguyễn Văn Phúc ở bãi bồi ven sông. Họ liền quơ vội 2 chiếc can và lốp xe bơm căng hơi vào rồi vượt dòng nước cuồn cuộn cứu người. Cứu xong anh Phúc, nghe tiếng kêu cứu khắp xóm, họ chèo thuyền cứu thêm hơn 80 người nữa trong lũ.   Ông Phan Thuận kể lại những giây phút sinh tử giữa dòng lũ dữ để cứu người

Nước lớn, gia đình ông Phan Thuận ở khu Gò Chè rất cao nên không ảnh hưởng gì. Nhưng tiếng kêu cứu rần rần của bà con xóm Phú Khương khiến ông không tài nào ngồi yên được. Ông nhớ lại: “Lúc đó nước mạnh lắm! Tui làm nghề cá từ nhỏ nhưng chưa thấy trận lũ nào khủng khiếp đến thế. Biết là trận này có thể ngập nóc nhà, nhiều người chết nên tôi quyết mượn chiếc thuyền của hàng xóm rồi kêu thêm 2 thanh niên nữa, kẻ chèo người chống đi cứu dân”. Vậy là, nhờ vào kinh nghiệm cảnh giác của ông Thuận mà gần khoảng 160 người nữa của thôn Phú Khương được di chuyển đến nơi an toàn.

Ông Hồ Sở cho biết: “Lúc nước lớn tui chỉ biết cứu người ngoài ra không nghĩ gì cả. Giữa dòng nước lũ cuồn cuộn mà cả ba cha con chỉ có 2 chiếc can và 1 ruột xe bơm hơi, nếu là bình thường chắc tôi không dám chèo thuyền đi như vậy. Nhưng lũ đến, tiếng kêu cứu khắp nơi trong xóm, ai cũng nguy khốn cả, chúng tôi không tài nào ngó lơ được!”. Còn bà Bùi Thị Tuyết, vợ ông Phan Thuận thì tâm sự: “Lúc nước bắt đầu lớn tui đi cắt rau cho heo, về nhà nghe nói ổng chèo thuyền ngược nước lũ cứu người ta tui lo đứng ngồi không yên. Vậy mà ổng cứu từ 8 giờ sáng ngày 15-11 đến mãi 1 giờ sáng hôm sau mới lọ mọ quay về”.

Bất chấp tính mạng để cứu người, cứu tài sản người khác, khi quay về mái ấm thân yêu, ba cha con ông Hồ Sở bàng hoàng thấy nước trong nhà mình đã lên hơn 2m. Gà, vịt trôi hết, lương thực đều chìm vào trong nước. Đau nhất là 5 con heo trong chuồng sắp đến ngày bán để lấy tiền sắm tết cho cả gia đình 6 người đã chết. Anh Hồ Thanh Lâm, một trong 2 người con trai cùng ông Sở chèo thuyền đi cứu người cho biết: “Lúc về, cả ba cha con tôi như chết lặng đi. Mẹ, chị dâu và vợ tôi co ro trên cao còn đồ đạc, tài sản trong nhà hư hao hết! Mãi lo cứu người khác đâu nghĩ trong nhà mình phải cứu tài sản gì nữa”.

Tình người, nghĩa cử đồng bào đã thôi thúc những đôi tay không mỏi ấy ngược xuôi trong lũ dữ để cứu 240 mạng người. Họ đã quên đi sự an nguy của bản thân, gia đình và tài sản bao năm tích cóp, dành dụm để làm theo những gì mà con tim mách bảo. Chỉ qua cơn “đại hồng thủy” này, hàng trăm con người thôn Phú Khương mới thấy hết được cái tình người quý giá đến nhường nào!

Kỳ 2: Người hùng… trắng tay

Chia tay họ, chúng tôi trở về Bình Dương trong một ngày đầy nắng vàng và đón nhận một tin không thể vui hơn: Chủ tịch nước viết thư khen những anh hùng cứu người trong lũ dữ ở thôn Hành Tín Tây. Nhưng điều tôi băn khoăn còn day dứt mãi, là họ lấy gì để sống sau khi trắng tay vì lũ…

 LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên