Những sai lầm của tình báo Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố

Cập nhật: 18-01-2010 | 00:00:00

 

Một vụ đánh bom tự sát tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan khiến 7 nhân viên CIA của Mỹ bị thiệt mạng, một vụ khủng bố bất thành chiếc máy bay Mỹ từ Amsterdam đến Detroit bất thành trong lễ Giáng sinh vừa qua… đang bộc lộ nước Mỹ vẫn là đích ngắm của bọn khủng bố và an ninh nước Mỹ vẫn bị đe dọa, vì thế ngành tình báo Mỹ chưa thể ngơi tay với bọn khủng bố.

 

Lỗ hổng của ngành tình báo Mỹ tại Afghanistan

 

Humam Khalil Abu-Mulal al-Balawi, 36 tuổi, bác sĩ, đến từ Zarqa của Jordan từng bị tình báo Jordan bắt giữ hơn một năm trước và được tuyển dụng sau khi tình báo Jordan thuyết phục y hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Al-Balawi đã được mời tới căn cứ Chapman do tuyên bố có thông tin về tung tích Ayman al-Zawahri, cánh tay phải của trùm khủng bố Osama Bin Laden.

 

Al-Balawi không bị kiểm tra an ninh khi ra vào căn cứ và sau đó đã kích khối thuốc nổ mang trên người khi được phỏng vấn. 7 mật vụ CIA, 2 nhà thầu của XE (một công ty an ninh tư nhân của Mỹ) và một nhân viên tình báo quan trọng của Jordan - đại úy Ali bin Zeid thuộc Tổng cục Tình báo Jordan - đã thiệt mạng.

 

Al-Balawi được cho là một điệp viên hai mang. Y đã từng cung cấp thông tin tình báo có chất lượng nhằm tạo uy tín với tình báo Jordan và Mỹ. CIA đã chủ quan, không đề phòng và mắc sai lầm trong việc sử dụng Al-Balawi. Vụ đánh bom xảy ra ngay trong thời điểm CIA đang mở rộng sự hiện diện tại Afghanistan trong chiến dịch “tăng cường” tình báo quy mô lớn, theo đó mạng lưới của CIA tại quốc gia này sẽ là lớn nhất trong lịch sử CIA.

 

CIA triển khai các nhóm gián điệp, chuyên gia phân tích và nhân viên bán quân sự bổ sung vào đội ngũ gần 700 nhân viên hiện có tại Afghanistan. Các điệp viên điều đến được trao một loạt nhiệm vụ như chỉ điểm cho các đơn vị đặc nhiệm đang truy lùng các mục tiêu quan trọng, theo dõi tâm lý dân chúng tại các khu vực đang có chiều hướng xoay sang ủng hộ Taliban và thu thập những thông tin về tham nhũng trong Chính phủ Afghanistan.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thiếu tướng Michael Flynn, quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ và NATO tại Afghanistan, thì tình báo Mỹ tại Afghanistan hoạt động không hiệu quả. Mù mờ về tình hình kinh tế và giới chủ địa phương, các nhân viên tình báo của Mỹ cũng chỉ hiểu mơ hồ về những người có quyền lực cũng như cách những người này gây ảnh hưởng trong xã hội, họ cũng không quan tâm tới sự tương quan giữa hàng loạt dự án phát triển và mức độ cộng tác của dân làng, nên các nhân viên tình báo không cung cấp được thông tin mà các nhà phân tích quân sự cần có.

 

Lơ là mối đe dọa từ Yemen và Somalia

 

Các vùng đồi núi của Yemen hoang vu, hiểm trở nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Al-Qaeda tại bán đảo Arab đã thiết lập cơ sở tại Yemen và tận dụng thực tế là nhiều khu vực bị các bộ lạc hùng mạnh có vũ trang kiểm soát.

  Căn cứ Mỹ ở Afghanistan bị đánh bom bởi Humam Khalil Abu-Mulal al-Balawi – điệp viên 2 mang.

Tỷ lệ mù chữ rất cao và tỷ lệ sinh con ở Yemen cao nhất tại Trung Đông. Dầu lửa - mặt hàng xuất khẩu chính – đang dần cạn kiệt và các mỏ khí mới thì không đủ dồi dào để sinh lời. Bin Laden từng tuyên bố Yemen là vùng đất lý tưởng cho Al-Qaeda vì có “nhà nước yếu, nhiều bộ tộc tự trị có thế lực và địa hình hiểm trở”. Số thành viên Al-Qaeda nơi đây hiện lên đến khoảng 300 tên.

 

Các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây đã lo ngại trước xu hướng nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan bị tấn công mạnh ở Afghanistan, Pakistan và Saudi Arabia đã tới ẩn náu tại Yemen và theo học các khóa đào tạo khủng bố và lên kế hoạch tấn công từ đây.

 

Mối lo ngại ngày càng tăng khi tháng 1-2009 hai chi nhánh của Al-Qaeda ở Saudi Arabia và Yemen đã sáp nhập với nhau và đặt dưới sự lãnh đạo của Nasser al-Wahayshi (từng là thư ký của Bin Laden tại Afghanistan và đã trốn thoát khỏi nhà tù Yemen vào năm 2006).

 

Từ khi sáp nhập hai lực lượng này, nhiều đối tượng người Saudi Arabia đang bị truy nã và các cựu tù nhân Guantanamo đã lợi dụng những sơ hở ở vùng biên giới Yemen – Saudi Arabia để tiếp cận và gia nhập lực lượng Al-Qaeda.

 

Umar Farouk Abdulmutallab, 23 tuổi, người Nigeria, thủ phạm của vụ tấn công máy bay Mỹ bất thành Giáng sinh vừa qua, đã tới Yemen để nhận các thiết bị đánh bom và học khóa huấn luyện về kỹ thuật đánh bom ở đây. Điều đáng lưu ý là cha của y từng cảnh báo Đại sứ quán Mỹ tại Nigeria rằng con trai ông đã theo chủ nghĩa cực đoan ở Yemen, nhưng bộ máy an ninh của Mỹ đã lơ là mối đe dọa này.

 

Sau vụ tấn công bất thành đó, cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã bị dư luận trách cứ. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng chính phủ đã có thông tin đáng lẽ có thể giúp ngăn chặn âm mưu tấn công, nhưng các cơ quan tình báo Mỹ đã không kết nối được các thông tin với nhau, đây là những sai lầm to lớn có tính hệ thống của tình báo Mỹ. CIA đã gửi nhiều chuyên gia và các sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt có kinh nghiệm chống khủng bố sang Yemen để đối phó với Al-Qaeda.

 

Tương tự như Yemen, tại Somalia các nhánh của Al-Qaeda đang trở nên lớn mạnh hơn. Somalia được đánh giá như là một quả bom khủng bố bị thế giới bỏ quên trong nhiều năm qua. Somalia là điểm đến hấp dẫn nhất cho những chiến binh tình nguyện, bởi lẽ quốc gia bất ổn này đang sa lầy trong tình trạng xung đột phe phái kịch liệt.

 

Tình trạng phi chính phủ đã biến Somalia thành nơi trú ẩn cho các tổ chức cực đoan. Các thủ lĩnh bộ lạc và sắc tộc cùng các “lái buôn chiến tranh” cùng nhau củng cố tình trạng phi chính phủ ở đây để trục lợi trong khi phương Tây bất lực, không thể can thiệp, kiểm soát tình hình ở đây.

 

Một trong những mục tiêu của tình báo Mỹ là truy lùng Fazul Abdullah Mohammed đang lẩn trốn ở Somalia. Phía Mỹ đã treo giải 5 triệu USD cho ai lấy được cái đầu của y. Mohammed từng bị buộc tội có liên quan đến các cuộc tấn công bằng bom năm 1998 và là một trong những đối tượng khủng bố đang bị FBI truy nã.

 

Fazul Abdullah Mohammed là một thủ lĩnh của Al-Qaeda chỉ huy các hoạt động ở khu vực Đông Phi. Tuy nhiên cho đến nay, tình báo Mỹ vẫn không thể tóm gáy được Fazul Abdullah Mohammed.

 

Giám đốc Tình báo quốc gia của Mỹ, ông Dennis Blair, cho biết trong tài khóa 2009, các cơ quan tình báo của Mỹ đã chi 49,8 tỷ USD, nhiều hơn năm 2008 trên 2 tỷ USD. Và hiển nhiên, chính phủ và người dân Mỹ sẽ không chi tiền cho những sai lầm nghiêm trọng của ngành tình báo Mỹ như vừa qua.

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên