Những tỷ phú nông dân

Cập nhật: 14-09-2018 | 09:29:52

  Làm giàu từ nuôi cá dĩa

Ông Võ Tuấn Kiệt, chủ cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) là người tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá dĩa (ảnh). Cách đây 15 năm, qua tìm hiểu bằng nhiều kênh thông tin và tiếp xúc thực tế, ông Kiệt nhận thấy được tiềm năng từ nuôi cá dĩa. Ông cũng nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện của gia đình nên đã quyết định chuyển hẳn từ nuôi ba ba sang nuôi loại cá này . Lúc đầu, ông chỉ nuôi 3 hồ với 20 con cá dĩa. Qua một thời gian nuôi quen tay, đàn cá sinh sôi nảy nở, ông phát triển diện tích hồ nuôi, lượng khách hàng tìm đến cơ sở của ông nhiều hơn và thu nhập đã tăng lên đáng kể. Đến nay, cơ sở nuôi cá dĩa của ông Kiệt đã tăng lên 500 hồ nuôi.

Theo ông Kiệt, vốn đầu tư ban đầu để nuôi cá dĩa không cao. Chỉ sau một thời gian ngắn, nếu chăm sóc đúng quy cách, người nuôi sẽ nhanh chóng thu hồi vốn và mở rộng quy mô tùy theo nhu cầu từ đầu ra. Thành công trong nuôi cá dĩa đã mang lại nguồn thu bình quân cho cơ sở nuôi cá của ông trên 100 triệu đồng/tháng, trung bình mỗi năm cơ sở của ông thu hơn một tỷ đồng. Từ chỗ chỉ cung ứng sản phẩm cá dĩa cho các địa phương lân cận, đến nay thị trường cơ sở nuôi cá dĩa của cơ sở Tuấn Tú đã mở rộng ra Hà Nội, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước như Singapore, Malaysia, Đài Loan…

Đất không phụ lòng người

Bà Nguyễn Thanh Thủy (ảnh) (ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) được mọi người biết đến là một nông dân dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới. Bà Thủy sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2001, bà đưa cả gia đình về ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng), xây dựng mô hình kinh tế. Bà Thủy dành số tiền tích cóp mua được 14 ha đất xám bạc màu trồng bạch đàn. Nhưng với suy nghĩ táo bạo, bà quyết định chọn trồng cây bưởi da xanh vì thấy nhu cầu của thị trường là rất lớn, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với quyết tâm xây dựng trang trại theo hướng đi riêng, bà tự mình tìm hiểu các tài liệu về bưởi da xanh, đến tận các trang trại để tìm hiểu sản xuất. Thời gian đầu bà kết hợp trồng xen canh các cây ngắn ngày, nuôi gà số lượng lớn để lấy ngắn nuôi dài, phân gà thì dùng để cải tạo đất trồng cây. 6.000 cây bưởi giống trồng năm đầu thì 2.500 cây chết vì bà chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc và thiếu nước kéo dài. Không nản chí, bà Thủy vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu các cách thức sản xuất mới. Đến năm 2004, 3.500 cây bưởi của bà bắt  đầu cho quả bói và từ đây bà biết những công sức của mình đã được đền đáp. Đến năm 2009, 14 ha bưởi da xanh được phục hồi lại với 6.000 gốc bưởi, cho sản lượng đều đặn 260 tấn mỗi năm, bà Thủy bắt đầu thành lập công ty. Bưởi da xanh của công ty bà Thủy đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị như Metro, Lotte, Wellcome… Thành công nối tiếp thành công, bà Thủy tiếp tục mua thêm 20 ha đất để mở rộng trang trại lên 34 ha. Hàng năm, bà Thủy có thu nhập hơn chục tỷ đồng từ trồng bưởi da xanh. 

 

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên