Những vùng đất nở hoa… (Bài 3)

Cập nhật: 18-08-2017 | 18:35:28

Bài 3: Phú Thọ hôm nay

Một trong những sự kiện có tính chất quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng diễn ra ở Phú Thọ (nay thuộc phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) trước Cách mạng Tháng Tám, đó là việc thành lập chi bộ Đảng. Cuối năm 1936, Chi bộ cộng sản Xóm Guốc ở Phú Thọ ra đời gồm 5 đảng viên, do đồng chí Hồ Văn Cống trực tiếp phụ trách. Chi bộ vừa được thành lập đã nhanh chóng tổ chức ra ủy ban hành động, hướng dẫn nhân dân lao động, thợ thủ công, tiểu thương… thảo luận, xây dựng các bản dân nguyện, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chuẩn bị cho Đông Dương đại hội... Vì vậy, đây chính là một trong những địa danh mà nhóm phóng viên Báo Bình Dương tìm đến để thực hiện loạt bài hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9...

 Nơi gieo mầm hạt giống

Theo các tài liệu lịch sử, do vị trí thuận lợi về giao thông nên từ xa xưa, cùng với Chánh Nghĩa và Phú Cường, vùng đất Phú Thọ là nơi được cư dân vùng ngũ Quảng khi di cư vào Nam lựa chọn sinh sống. Khu vực những lưu dân sinh sống đã sớm hình thành các làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp vùng. Không những cần cù trong lao động, người dân Phú Thọ còn giàu lòng yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Thọ đã sớm giác ngộ cách mạng, đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước…

Khu biệt thự Phú Thịnh, một trong những dự án tạo nên diện mạo đô thị mới cho phường Phú Thọ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Ảnh: Đ.H

Phú Thọ là vùng đất mang đặc trưng của vùng đồng bằng Nam bộ, vừa có đất gò, vừa có đất bưng nhiều phù sa thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái, cây lương thực và các loại cây hoa màu khác. Trải qua những thăng trầm lịch sử, các thế hệ người dân Phú Thọ đã cần cù, chịu khó, khai thác lợi thế của vùng đất để biến nơi đây trở thành địa danh nổi tiếng về các làng nghề và những vườn cây trái sum suê. Không chỉ cần cù trong lao động, người dân Phú Thọ còn giàu lòng yêu nước, anh dũng, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm.

Ngay từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù nằm trong vùng chiếm đóng của kẻ thù nhưng Phú Thọ là nơi hình thành các tổ chức có xu hướng tiến bộ như: “Thiên địa hội”, “Hội truyền bá quốc ngữ”, “Hội ái hữu”, “Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao…”. Tuy mục đích hoạt động của các hội, phong trào có khác nhau nhưng điểm chung đó là hỗ trợ nhau làm ăn, xây dựng tình làng nghĩa xóm, trao đổi kiến thức và quan trọng nhất là tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Các tài liệu còn ghi rõ, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Phú Thọ đã sớm tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo như đòi quyền dân sinh, dân chủ, tự do làm ăn, tự do hội họp, bỏ thuế thân, phản đối sự tàn bạo của đám cường hào, ác bá… Đặc biệt, phong trào truyền bá quốc ngữ, thể dục thể thao phát triển rầm rộ, thu hút nhiều người tham gia làm cho phong trào Mặt trận dân chủ phát triển mạnh trong vùng.

Một trong những sự kiện có tính chất quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng diễn ra ở Phú Thọ trước Cách mạng Tháng Tám, đó là việc thành lập chi bộ Đảng. Cuối năm 1936, Chi bộ cộng sản Xóm Guốc ở Phú Thọ ra đời gồm 5 đảng viên, do đồng chí Hồ Văn Cống, Tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách. Chi bộ vừa được thành lập đã nhanh chóng tổ chức ra Ủy ban hành động, hướng dẫn nhân dân lao động, thợ thủ công, tiểu thương… thảo luận, xây dựng các bản dân nguyện, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chuẩn bị cho Đông Dương đại hội...

Từ khi được thành lập, Chi bộ Xóm Guốc đã cùng với các chi bộ trong tỉnh vận động hàng trăm công nhân, thợ thủ công biểu tình đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày, đòi thủ tiêu chế độ làm khoán, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Sau các cuộc biểu tình đình công ấy, giới chủ đã cấu kết với chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp phong trào. Đồng chí Hồ Văn Cống bị bắt và đày đi Côn Đảo, tạm chấm dứt thời kỳ hoạt động công khai hợp pháp và nửa hợp pháp của Chi bộ Xóm Guốc. Các đảng viên còn lại phải vào hoạt động bí mật cho đến thời điểm chuẩn bị tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945...

Chuyển mình cùng cách mạng

Trong không khí cả nước đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì ở Phú Thọ, nhiều thanh niên ở Phú Thọ Trong, Phú Thọ Ngoài đã hăng hái tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong. Các thanh niên ở Phú Thọ ngày đêm rèn luyện võ thuật, chuẩn bị vũ khí để đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Với chủ trương sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt vũ trang, tạo thế và lực bảo vệ quần chúng nổi dậy giành chính quyền, trong hai ngày 24 và 25-8-1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong đã làm chủ hoàn toàn đường phố. Nhân dân Phú Thọ hòa cùng toàn dân Thủ Dầu Một đã tuần hành với cờ đỏ sao vàng phấp phới, tiến về trung tâm tỉnh lỵ mừng khởi nghĩa thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Thọ với tinh thần yêu nước nồng nàn, không quản ngại gian khổ đã cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, đập tan chế độ phong kiến, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của TP.Thủ Dầu Một, phường Phú Thọ đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát triển đô thị… Ông Đặng Văn Hai, một cán bộ hưu trí tại phường Phú Thọ cho biết kể từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Thọ đã phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Trong những năm qua, Phú Thọ phát triển khá nhanh, đường sá, trường lớp, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống người dân được đầu tư khá bài bản. Mức sống người dân so với vài năm trước thôi đã thấy sự thay đổi nhiều. Bộ mặt đô thị phường cũng đã thay đổi nhiều và ngày càng văn minh, sạch đẹp…”, ông Hai phấn khởi nói.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Trịnh Thị Ngọc Bích, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ cho biết, trong những năm qua, cùng với các địa phương khác của thành phố, Phú Thọ đã có những bước chuyển mình tích cực. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 25%. Cơ cấu kinh tế của phường chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, hệ thống giao thông được nâng cấp mở rộng tạo thuận lợi cho quá trình phát triển của phường và thành phố nói chung.

Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân phường Phú Thọ đang quyết tâm ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Phú Thọ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong đó, phường tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ trong phường đạt 79%; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 71 triệu đồng, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh.

Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phát huy truyền thống cách mạng, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, cán bộ và nhân dân phường Phú Thọ đã nỗ lực xây dựng địa phương trở thành một trong những phường đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.Thủ Dầu Một. Với truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Phú Thọ đã và đang thể hiện quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng TP.Thủ Dầu Một ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại (còn tiếp).

“...Trong những năm qua, cùng với các địa phương khác của thành phố, Phú Thọ đã có những bước chuyển mình tích cực. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 25%. Cơ cấu kinh tế của phường chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, hệ thống giao thông được nâng cấp mở rộng tạo thuận lợi cho quá trình phát triển của phường và thành phố nói chung”.

(Bà Trịnh Thị Ngọc Bích, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) 

 TRÍ DŨNG - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên