Niềm vui từ những cây cầu dân sinh

Cập nhật: 25-09-2018 | 22:23:36

Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng niềm mơ ước của người dân ở khu vực có cầu hư, cầu yếu trong tỉnh đã trở thành hiện thực. Những chiếc cầu dân sinh nối liền với các ấp, khu phố lần lượt được bàn giao đưa vào sử dụng. Như vậy, người dân không còn “rùng mình” mỗi lần di chuyển qua những chiếc cầu chòng chành, xập xệ này. Làm được điều đó là nỗ lực của chính quyền địa phương, nguồn vận động từ các đơn vị, cá nhân.

Nỗ lực “xóa” cầu yếu

Trước đây, trên địa bàn tỉnh có những cây cầu tồn tại suốt 20, 30 năm, thậm chí lên đến 40 năm bằng những cọc gỗ, ván. Qua thời gian cùng lưu lượng người, xe lưu thông nhiều đã làm cho những cây cầu ấy xuống cấp, hư hỏng nặng. Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày người dân vẫn phải đi lại trên những cây cầu đó. Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng, UBND huyện, xã đã vận động, trích ngân sách xây dựng, sửa chữa cầu. Và giờ đây, những cây cầu hư, yếu đã được xây mới bằng những cây cầu bê tông chắc chắn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề xây dựng cầu dân sinh, ông Nguyễn Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông Sở Giao thông - Vận tải, cho biết Bình Dương phân loại quản lý cầu theo cầu tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã. Các cây cầu trên đường xã (hay còn gọi là cầu dân sinh) do huyện, xã quản lý, xây dựng và sửa chữa.

Người dân đi lại trên Cầu Tre, khu phố 4, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một đã được xây mới

Lãnh đạo các địa phương có những cây cầu yếu, hư hỏng đều cho biết việc xây dựng cầu dân sinh là việc làm hết sức cấp thiết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân trong khu vực đó. Khi cây cầu dân sinh được đưa vào sử dụng sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, lãnh đạo địa phương, chính quyền xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nguồn lực xây dựng, sửa chữa cầu hư, yếu; đồng thời kêu gọi người dân giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả của những chiếc cầu dân sinh.

Niềm vui của người dân

Chúng tôi có mặt tại cầu Tre, khu phố 4, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một vào một buổi chiều mưa. Ông Đào Ngọc Sương (SN 1962), người dân gần cầu, cho biết: “Nếu như trước đây với cây cầu ván trơn trượt sẽ không có ai đi lại trên cầu vào thời điểm này nhưng nay đã khác”. Theo ông, trước đây khúc sông này không có cầu nên người dân muốn qua lại phải đi ghe. Sau năm 1975, địa phương kêu gọi bộ đội, người dân cùng chặt cây, cưa ván làm cầu. Sau bao nhiêu năm cây cầu xuống cấp, ván hư hỏng nặng. Hư chỗ nào, người dân lấy ván mới lót vào chỗ đó nhưng cũng chỉ được vài tháng lại hư. Đi trên cây cầu, người dân rất lo sợ, nhất là vào những ngày mưa gió phải đưa các cháu nhỏ đi học, hay mùa thu hoạch rau màu phải chở nặng. Người dân nhiều lần kiến nghị và mong chính quyền quan tâm, xây dựng lại cây cầu để tiện đi lại.

Với mong muốn đó của người dân, tháng 5-2018, cây cầu cũ đã “khoác áo mới” với chiều dài 38m, bê tông cốt thép, với 9 nhịp; mặt cầu rộng 2,3m được làm bằng thép tấm dày 3mm; có lan can cầu và đường dẫn vào hai đầu cầu đổ bê tông xi măng, cầu có trọng tải 2,5 tấn... Cây cầu được tài trợ bởi Công ty Thyeming Việt Nam với kinh phí 520 triệu đồng. Bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết cây cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng mang ý nghĩa thiết thực, là công trình phục vụ nhu cầu đi lại trong sinh hoạt và vận chuyển sản xuất, giao lưu hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị phường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không những thế, cây cầu còn mang ý nghĩa nhân văn bởi từ sự đóng góp của Công ty Thyeming Việt Nam để có được câu cầu vững chắc phục vụ dân sinh lâu dài.

Cũng với mong muốn được thay thế cây cầu yếu bằng cầu bê tông cho người dân dễ đi lại, bảo đảm an toàn giao thông, tháng 9-2015, lực lượng vũ trang TX.Thuận An đã phối hợp xây dựng và khánh thành cây cầu nối giữa ấp Căm Xe, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng với ấp 5, xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Cây cầu được xây dựng qua 3 giai đoạn với tổng kinh phí xây dựng 226 triệu đồng, do 6 tổ chức và 11 cá nhân đóng góp. Có được cây cầu mới, người dân ấp Căm Xe rất vui mừng, hạnh phúc. “Cây cầu trước đây thấp, bị nghiêng rất khó đi lại. Cầu mới được xây dựng kiên cố nên bà con ai cũng mừng. Giờ đây, người dân xã Minh Thạnh đi qua xã Minh Long dễ dàng”, ông Nguyễn Văn Thọ, người dân ở ấp Căm Xe nói.

Niềm vui, tiếng cười của người dân khi được đi trên những cây cầu mới cũng là hạnh phúc của những người làm công tác vận động xây dựng cầu. Hy vọng giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều cây cầu được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 165 cây cầu trên các tuyến đường xã đã được xây dựng, sửa chữa, nhiều nhất là TX.Thuận An với 132 cây cầu. Hiện nay, chỉ còn 4 chiếc cầu yếu, hư hỏng không bảo đảm tải trọng thiết kế; 13 cây cầu hẹp (có bề rộng bằng 1 làn xe) hoặc khổ cầu nhỏ hơn khổ đường bộ.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên