Nỗ lực giải quyết nhà ở cho người lao động ngoài tỉnh

Cập nhật: 07-06-2017 | 08:21:22

Trong quá trình đô thị hóa, Bình Dương đã thành lập nhiều khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư, phát triển kinh tế; đồng thời cũng thu hút lực lượng lớn người lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở cho người lao động (NLĐ). Vì vậy, giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho lao động ngoài tỉnh trong quá trình đô thị hóa tỉnh nhà sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo đà phát triển kinh tế địa phương.

 

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người ngoài tỉnh, nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã tự đầu tư xây dựng nhà trọ (Ảnh chụp tại một khu nhà trọ đang xây ở TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: P.LÊ

Ban hành nhiều chính sách về nhà ở

Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển các khu, cụm công nghiệp (đến nay toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp). Trong những năm qua, Bình Dương là một trong những điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước. Tuy vậy, đây cũng là một trong những lý do làm gia tăng dân số cơ học, lên đến 1,8 triệu người năm 2015; trong đó gần 950.000 người là dân ngoài tỉnh.

Những năm qua, tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa với việc hình thành các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương. Nhu cầu lao động lớn, trong khi nguồn lao động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu, điều đó cho thấy lao động ngoài tỉnh đã góp phần giải quyết bài toán cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa các đô thị lớn trong vùng Đông Nam bộ, đặc biệt chính quyền địa phương có nhiều ưu đãi về thủ tục đăng ký tạm trú dài hạn và định cư đối với lao động ngoài tỉnh nên Bình Dương có lợi thế lớn trong thu hút lao động từ các tỉnh về làm việc, sinh sống.

Cùng với việc gia tăng dân số, nhu cầu về nhà ở đối với người lao động ngoài tỉnh cũng trở lên bức thiết. Trong điều kiện chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở cho NLĐ ngoài tỉnh, Bình Dương chấp nhận giải pháp nhà trọ giá rẻ do các hộ dân tự xây dựng và kinh doanh. Tuy vậy, việc xây dựng nhiều nhà trọ với chất lượng và điều kiện sinh hoạt thấp xảy ra trên địa bàn cũng đã làm cho diện mạo đô thị của tỉnh thiếu mỹ quan, không theo quy hoạch tổng thể.

Để giải quyết vấn đề này, Bình Dương đã nỗ lực giải quyết nhu cầu nhà ở cho NLĐ ngoài tỉnh. Trong đó đáng chú ý, tỉnh đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó, Bình Dương đã thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (2010-2015) về xây dựng nhà ở cho công nhân, Tỉnh ủy đã đề ra Chương trình số 27-CT/TU ngày 20-9-2011 về phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số NLĐ tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản như Kế hoạch số 1866/KH-UBND ngày 5-7-2012 về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 4290/QĐ-UBND ngày 24-12-2014 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, nhằm tạo sự đột phá, ngày 6-9-2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex, giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và NLĐ.

Tiếp tục khắc phục hạn chế, khó khăn

Theo dự báo, nhu cầu nhà ở tại tỉnh Bình Dương còn rất lớn do số người ngoài tỉnh đến làm ăn, sinh sống vẫn tăng. Theo các chuyên gia, để phát huy những kết quả tỉnh đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn và thực hiện tốt hơn việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho NLĐ ngoài tỉnh, Bình Dương cần kiến nghị Trung ương có những chính sách ưu đãi thích đáng hơn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp, nhất là các chính sách tạo điều kiện về quỹ đất; có quy định ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi… Bên cạnh đó, Bình Dương cần tiếp tục thực hiện chương trình nhà ở xã hội với những chính sách đột phá, mang tính hỗ trợ thiết thực hơn. Đối với những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bình Dương nên giao đất không thu tiền sử dụng đất; cùng với đó ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị.

Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Nhung, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng, tỉnh cần huy động khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội với số lượng, chất lượng tốt hơn. Trong đó, cần xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhất là vai trò của của các doanh nghiệp Nhà nước đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho NLĐ.

Thạc sĩ Lâm Nguyễn Hoài Diễm, trường Đại học Thủ Dầu Một thì cho rằng, tỉnh cũng cần đảm nhiệm phần đầu tư về mặt xã hội như khu thể thao, y tế, trường mẫu giáo, cơ sở dạy nghề… nhằm nâng cao trình độ tay nghề, sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho NLĐ, qua đó bảo đảm việc làm ổn định, lâu dài. Các khu nhà ở xã hội cần được bố trí hài hòa trong các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện hữu để NLĐ được hưởng những tiện ích về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của toàn khu.

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, các khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Bình Dương đang là nơi thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Một khi Bình Dương đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho người ngoài tỉnh sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo đà cho kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã dành khoảng 200 ha đất trong các khu quy hoạch đô thị, công nghiệp để làm nhà ở xã hội. Tính đến tháng 9-2015, toàn tỉnh đã thu hút được 82 dự án đầu tư nhà ở xã hội với tổng diện tích đất trên 1,75 triệu m2, tổng diện tích sàn 3,9 triệu m2, tổng số căn hộ trên 80.000 căn, đáp ứng cho 238.000 người. Bên cạnh đó, có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ do người dân đầu tư để cho thuê, đáp ứng cho 543.777 công nhân và người thu nhập thấp thuê, góp phần giải quyết chỗ ở cho NLĐ ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc tại tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân với tổng diện tích sàn nhà ở 269.982m2, đáp ứng cho khoảng 46.974 người. Nổi bật có 14 dự án của Đề án Nhà ở an sinh xã hội của Becamex IDC với 737.000m2 sàn, đáp ứng cho trên 40.000 người. Những căn nhà do Becamex IDC xây dựng có diện tích 30m2 (sàn 20m2, gác 10m2), có giá từ 100 - 150 triệu đồng, NLĐ chỉ phải trả trước 20%; sốtiền còn lại trả góp từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, sau 5 - 7 năm sẽ chính thức được sở hữu. Cách làm này rất thiết thực, hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở cho NLĐ.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên