Nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ xứng tầm

Cập nhật: 07-01-2020 | 07:52:18

 Đánh giá cao tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất. Tuy vậy, trên thực tế tốc độ phát triển của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đòi hỏi phải có các giải pháp hiệu quả hơn và cộng đồng doanh nghiệp CNHT nỗ lực nhiều hơn.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Phương Vy (TX.Thuận An). Ảnh: MY PHAN

 Đạt kết quả tốt

Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC (CNCTECH), Khu công nghiệp Đồng An I (TX. Thuận An) được thành lập năm 2008, hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, chuyên thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, phụ tùng chi tiết máy, máy chuyên dùng theo yêu cầu của khách hàng với gần 100 công nhân. Công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực gia công các sản phẩm cơ khí chính xác với giá thành cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc công ty, cho biết công ty đã và đang từng bước thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. CNCTECH là nhà cung ứng các sản phẩm cơ khí chính xác chất lượng cao phục vụ cho các doanh nghiệp lớn trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và phục vụ xuất khẩu cho các đối tác như VNPT Technology, Denso, Toyota, Misumi, Mabuchi Motor… Ngoài ra, CNCTECH còn thường xuyên hợp tác trao đổi công nghệ và cử cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật tham gia nghiên cứu, học tập tiếp thu công nghệ mới ở trong và ngoài nước để bắt được nhịp công nghệ, phát triển sản xuất phù hợp với xu thế.

Là đơn vị chuyên sản xuất phụ tùng cơ khí xe ô tô, Công ty TNHH Ô tô Tín Nghĩa Bình Dương (TX.Dĩ An) đã có nhiều nỗ lực trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ông Lương Minh Nhật, Phó Giám đốc công ty, cho hay tự động hóa sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm là xu thế hiện nay và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Hiện nay, cùng với sự đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm của khách hàng, việc đẩy mạnh tự động hóa nhằm bảo đảm yêu cầu đổi mới, hiện đại, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu sản xuất là nhu cầu tất yếu.

Theo ông Nhật, để giải quyết bài toán nhân công và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, hướng đến tự động hóa 70% quy trình sản xuất. Các loại máy tự động đều hiện đại, chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp sản xuất đạt yêu cầu và bảo đảm các thông số kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm. Nhờ đầu tư vào quy trình tự động hóa mà doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và các đơn hàng đã ký. Cùng với đó, sản phẩm công ty làm ra đẹp, chất lượng và đúng mẫu mã nên khách hàng rất an tâm.

Hiện nay, một thuận lợi lớn đối với các doanh nghiệp CNHT là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, nhiều mặt hàng điện tử, linh kiện trong nước khi xuất khẩu sang các nước sẽ được cắt giảm ngay lập tức về mức từ 0 - 5%; các dòng thuế còn lại sẽ được giảm theo lộ trình. Theo Bộ Công thương, nếu thuế suất trung bình giữa các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ 5 - 25% thì thuế suất trung bình trong các cam kết FTA thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 0 - 5%.

Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng của các FTA, cách duy nhất là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA.

Không những thế, mỗi FTA đều có những quy định về xuất xứ hàng hóa riêng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp ô tô Việt Nam muốn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN, sản phẩm phải có 40% linh kiện xuất xứ tại Việt Nam. Việc chứng minh xuất xứ hàng hóa có tác dụng khuyến khích các nước trong cùng một FTA nỗ lực nội địa hóa để trao đổi thương mại nhiều hơn.

Luôn tạo điều kiện để CNHT phát triển

Tuy được coi trọng nhưng trên thực tế, sự phát triển của ngành CNHT vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Thời gian qua, Bình Dương chưa quy hoạch cụm CNHT cũng như khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Để phát triển CNHT trong thời gian tới, ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TX.Thuận An), cho rằng cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần phát huy vai trò là bà đỡ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành cơ điện trong tỉnh đã làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy móc, công cụ… đạt chất lượng để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của Tổng cục Thống kê, năm 2018 toàn tỉnh có 715 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, tạo ra khối lượng sản phẩm trị giá trên 153.000 tỷ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp CNHT trong các khu, cụm công nghiệp chiếm 62,3% tổng số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT của cả tỉnh.

Dù là đối tác của các nhãn hiệu lớn như Number One, Pepsi, Coke, Samsung, LG, Tân Hiệp Phát… song ông Ngọc vẫn thẳng thắn nhìn nhận dù ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết là về thị trường, ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Bên cạnh thị trường, trình độ khoa học - công nghệ được xem là điểm yếu điển hình của ngành cơ khí Việt Nam. Điều này thể hiện rõ là ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký; thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới; các doanh nghiệp cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ.

Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp. Ngoài ra, hạn chế của ngành cơ khí còn thể hiện ở góc độ nguyên phụ liệu hầu hết phải nhập khẩu; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả.

Để ngành CNHT phát triển tương xứng với tiềm năng, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh cần thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Song song đó, tỉnh nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Thậm chí, tỉnh cần thuê các chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp CNHT.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên