Nỗ lực phục dựng tết cho người Khmer

Cập nhật: 14-04-2014 | 00:00:00

Mâm cỗ dâng Đức Phật của gia đình ông Ngưu Bư Ảnh: T.LÝ

 “Khát” tết

Những ngày gần đến Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer, chúng tôi về xã An Bình để tìm hiểu người dân đón tết. So với 3 năm trước, năm nay nhiều hộ đồng bào đã dọn nhà, chuẩn bị mâm cỗ dâng ông bà và dâng lễ tại chùa. Ông Ngưu Ngọt (ấp Nước Vàng), cho biết: “Năm nay, tết diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16-4. Trên khắp cả nước, nơi nào có người Khmer đều đón tết vui, ý nghĩa. Do đó, ở đây mọi người cũng mong muốn tiếp nối truyền thống của dân tộc. Mặc dù gắn bó, sinh sống cùng người Kinh nhưng chúng tôi vẫn cố giữ cho mình bản sắc riêng”.

Để người Khmer hiểu thêm về các quy trình, chương trình đón tết tại các địa phương, vừa qua Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức cho những người Khmer lớn tuổi tại An Bình đón tết Khmer tại TP.Hồ Chí Minh. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã làm những “già làng” Khmer An Bình thêm khao khát về một cái tết đúng nghĩa.

Trong ký ức của ông Kim Thật (ấp Tân Thịnh), ngày trước khi đang còn sinh sống tại Sóc Trăng, tết là ngày vui nhất trong năm. Trước tết khoảng nửa tháng, mọi người tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm các loại bánh trái, may quần áo mới và tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum, sóc nơi gia đình đang sinh sống. Vào thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà đều thắp hương, đèn, làm lễ tiễn Têvêđa cũ - là vị tiên được trời sai xuống để lo cho dân chúng trong một năm và rước Têvêđa mới. Mọi nghi thức quan trọng đón tết đều diễn ra tại chùa. Gia đình nào có con trai đến tuổi đi tu thì dẫn vào chùa làm lễ xuống tóc, quy y. Nhiều nhà còn ở trong chùa suốt những ngày tết. Ngoài phần lễ, trai gái trong làng còn tham gia các cuộc hát đối đáp A day, hát Dù kê, múa Rôm vông.  

Người dân đến dâng lễ tại chùa Srey Vonsa (Bình Phước) Ảnh: T.LÝ

Sau hơn 40 năm đến Bình Dương để mưu sinh, người Khmer vô tình “đánh mất” tết của dân tộc. Hiện nay, khi điều kiện kinh tế ổn định, nhiều người đi đến nơi có tết để hy vọng “tìm lại” nét văn hóa dân tộc được lưu giữ từ ngàn xưa. Những hộ gia đình chưa đủ điều kiện đi đón một cái tết “đúng nghĩa”, chuẩn bị mâm cơm đậm chất Khmer, để con cháu biết được mình cũng có tết. Nhiều cụ lớn tuổi, như ông Ngưu Ngọt, Kim Thật (ấp Tân Thịnh), bà Thạch Thị Men (Tân Thịnh)… những ngày tết thường tập trung con, cháu để nói về những ngày lễ chính của dân tộc, kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu nghe. Từ đó, nhằm khơi dậy nét văn hóa truyền thống dân tộc, dạy con cháu yêu hơn nét văn hóa của dân tộc mình. Ngưu Thị Thu tâm sự: “Chúng em thế hệ sau, sinh ra và lớn lên trên vùng đất An Bình nên chưa có dịp được đón tết của dân tộc mình. Qua lời kể của ông bà, chúng em rất muốn được đón tết với đầy đủ nghi thức, nghi lễ và phần hội sôi động”.

Nỗ lực phục dựng

Được biết, 2 năm qua (2013, 2014), cứ đến Tết Chôl Chnăm Thmây nhiều hộ gia đình dân tộc Khmer ở An Bình có điều kiện đã đến đón tết tại chùa Srey Vonsa (đường C2, khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân, TX.Đồng Xoài, Bình Phước). Mùa tết 2014, bắt đầu từ ngày 14 đến 16-4, tại đây diễn ra các nghi thức họp mặt, Phật tử dâng bông bạc, văn nghệ, quy y, cầu an, cầu siêu, nghi thức tắm Phật, trò chơi dân gian, đắp núi cát… Đón tết, nhiều hộ Khmer đã chuẩn bị trang phục, mâm lễ dâng Đức Phật mong cầu có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Trước sự khao khát của người Khmer, lãnh đạo UBND xã An Bình đã nỗ lực phục dựng bằng nhiều hình thức. Trong năm 2014, UBND xã chỉ đạo Phòng Văn hóa xã phối hợp với những “già làng” người khmer tổ chức đêm văn nghệ, họp mặt tết cổ truyền. Trong chương trình, những người có uy tín trong làng nói cho thế hệ trẻ biết ý nghĩa ngày tết; giao lưu văn nghệ giữa người Khmer và người Kinh. Từ đó, giúp thế hệ trẻ ý thức hơn trong việc lưu giữ bản sắc văn hóa từ trang phục đến văn hóa, văn nghệ.

Ông Võ Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: “UBND xã cử cán bộ xuống tận nơi, gặp từng người Khmer tuyên truyền để họ tự giác khôi phục bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, cái khó là chưa có nhà văn hóa riêng cho người Khmer để làm nơi hội họp, tập hợp người dân; đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của họ. Ngoài ra, UBND xã còn tạo mọi điều kiện để người Khmer tham dự Liên hoan Văn hóa - Văn nghệ các đồng bào dân tộc do tỉnh tổ chức; xây dựng câu lạc bộ kéo co, đẩy gậy nhằm khôi phục các trò chơi dân gian; tổ chức văn nghệ, thể thao để họ đọ sức. Đặc biệt, năm 2015, UBND xã sẽ tổ chức phục dựng tết cổ truyền cho người Khmer. Chương trình có biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, cùng những phong tục dâng cơm, đắp núi cát. Nếu ngày tết được tổ chức thành công, xã sẽ xin huyện, tỉnh cho xây dựng nhà truyền thống của họ để lưu lại giá trị, bản sắc của người Khmer về lâu, dài. Dịp Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là dịp để cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương thể hiện sự quan tâm, chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer”.

Trước những dự định của UBND xã, đại diện những người Khmer lớn tuổi, ông Kim Minh Thành, nói: “Tôi rất vui khi được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Trước sự hỗ trợ nhiệt tình của xã, chúng tôi sẽ chủ động tuyên truyền, khuyến khích con em “tìm về” với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Để thực hiện được điều này, chúng tôi sẽ tích cực tổ chức họp mặt con em Khmer, đứng ra hướng dẫn để phục dựng những bản sắc văn hóa dân tộc từ ngàn đời. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mời những người am hiểu nền văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng, TP.HCM, Bình Phước về hướng dẫn múa, hát, sử dụng nhạc cụ, cách thức tổ chức nghi lễ”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên