Nỗ lực trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc

Cập nhật: 27-01-2021 | 08:08:38

 Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, được sự quan tâm của tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, Đảng bộ và nhân dân huyện Bàu Bàng đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Từ đó, vị thế Bàu Bàng được khẳng định và nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

 Kinh tế tăng trưởng

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện đạt 73.165 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 21,31%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 18.414 tỷ đồng, tăng bình quân 25,33% (nghị quyết tăng 22 - 24%). Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 9.606 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5,18% (nghị quyết tăng 5 - 6%). Trong năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019 (kế hoạch năm 2020 là tăng từ 22 - 23%); thương mại-dịch vụ đạt 5.458 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 (kế hoạch năm 2020 tăng 24 - 25%); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.078 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2019 (kế hoạch năm 2020 tăng 4 - 5%).

Ngoài 7 khu dân cư thuộc khu công nghiệp (KCN) và đô thị Bàu Bàng do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP làm chủ đầu tư với diện tích 1.160ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, còn có 25 dự án khu nhà ở ngoài KCN đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ đầu tư với tổng diện tích trên 451ha. Hiện chủ đầu tư đã và đang thực hiện xây dựng nhà ở công nhân trên diện tích gần 933.000m2, với hơn 31.080 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho hơn 93.240 người.

Hình thành nhiều khu công nghiệp

Dấu ấn nổi bật trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện những năm qua chính là chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp, dựa trên nền tảng xây dựng và phát huy vai trò của các KCN tập trung. Với lợi thế về vị trí địa lý là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, huyện Bàu Bàng có điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh.

Từ 1.000ha ban đầu, đến nay diện tích đất công nghiệp của Bàu Bàng đã nâng lên 2.288ha (KCN Bàu Bàng 893ha, KCN Tân Bình 95ha, KCN Cây Trường 700ha, KCN Lai Hưng 600ha đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện). KCN Tân Bình mở rộng thêm 1.055ha đang trình xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, nếu các KCN nói trên được hình thành, diện tích đất công nghiệp của huyện là 3.343ha.

Ngay từ khi thành lập, huyện Bàu Bàng đã quy hoạch các hạng mục quan trọng nhằm tạo bước đột phá mới. Trong đó, dự án đầu tiên và quan trọng nhất là KCN Bàu Bàng, với tổng diện tích hơn 2.100ha (mở rộng thêm gần 1.000ha) hình thành năm 2016. KCN Bàu Bàng hiện đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện nay, huyện Bàu Bàng có các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, là điểm nhấn để phát triển. Hoạt động của các KCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 18 - 20%. Hoạt động của doanh nghiệp tại các KCN đóng góp đáng kể vào GRDP cho tỉnh, đồng thời cũng tạo ra nhiều việc làm không chỉ tại địa phương mà còn thu hút lao động từ các tỉnh khác đến làm việc và sinh sống.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đồng bộ của huyện, Bàu Bàng đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện mạng lưới hạ tầng xã hội với hàng loạt dự án đầu tư công về trường học, cơ sở y tế, các công trình hành chính trọng điểm… Gắn liền đólàhuy động nhiều nguồn lực để triển khai các dự án nhàởthương mại, nhàởcông nhân, đáp ứng tốt nhu cầu vềchổ ởổn định cho người lao động, phục vụtốt nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương.

Tiếp tục mở rộng

Bàu Bàng đã quy hoạch, xây dựng các KCN có vị trí giao thông rất thuận lợi, tạo bước chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế.

Giai đoạn 1 KCN Tân Bình cơ bản đã lấp đầy. Hiện tại, KCN Tân Bình đang thực hiện thủ tục mở rộng qua 2 xã Hưng Hòa và Tân Hưng với diện tích hơn 1.000ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Với KCN Tân Bình mở rộng (giai đoạn 2), định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tập trung ưu tiên vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường. Cùng với đó, KCN Tân Bình giai đoạn 2 được đầu tư theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch

 vụ sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và đồng bộ được hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết giữa phát triển KCN với quá trình đô thị hóa tại địa phương. Khi KCN Tân Bình giai đoạn 2 với quy mô hơn 1.000ha được hình thành sẽ tăng diện tích đất công nghiệp của huyện lên hơn 3.300ha, đẩy mạnh công tác quy hoạch đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị của huyện đúng với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - phía Bắc của tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng các KCN trên địa bàn sẽ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ sở hạ tầng, kích thích sự phát triển của thương mại, dịch vụ và đô thị, giải quyết việc làm và cải thiện, nâng cao mức sống của người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bàu Bàng. Ông Nguyễn Thanh Khiêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bàu Bàng, cho biết từ khi thành lập huyện đến nay, kinh tế Bàu Bàng đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh. Đó là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, là kết quả tất yếu từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ. Phát huy truyền thống và kết quả đạt được, trong thời gian tới Bàu Bàng sẽ viết tiếp những kỳ tích mới để xây dựng địa phương văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

 Huyện Bàu Bàng được thành lập theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29-12-2013 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014. Với diện tích tự nhiên 34.002ha, dân số của huyện khi mới thành lập vào khoảng 82.000 người và 7 đơn vị hành chính cấp xã. Qua gần 7 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Bàu Bàng đã phát triển đúng hướng theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển vững mạnh, toàn diện, sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh Bình Dương”. Hôm nay (27-1), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng.

Ông NGUYỄN THANH KHIÊM, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bàu Bàng: Là địa phương có điểm xuất phát thấp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống vốn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua gần 7 năm xây dựng, phát triển, nhờ những chính sách đúng đắn, sự hỗ trợ từ chính sách của tỉnh, sự đầu tư của Tổng Công ty Becamex IDC, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bàu Bàng đã từng bước thay da đổi thịt, chọn hướng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô hiện đại. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bàu Bàng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 18 - 20%, thể hiện hướng đi đúng đắn của địa phương.

Ông VÕ THÀNH GIÀU, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng: Điểm nổi bật trong đầu tư xây dựng KCN trên địa bàn huyện đó là đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Ưu tiên các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư trong nước và nước ngoài trong thời gian qua tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của Bình Dương nói chung và Bàu Bàng nói riêng có điều kiện phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Bàu Bàng có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp cho các địa phương lân cận.

Ông NGUYỄN XUÂN LÊ (khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên): Qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc và đổi thay rõ rệt. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Những con đường đất đỏ, sình lầy ngày nào đã được thay bằng những con đường trải nhựa, bê tông sạch đẹp. Những ngôi trường mới, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ nông thôn… được đầu tư khang trang, đạt chuẩn. Tất cả đã phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên