Nỗ lực xây dựng kinh tế sau ngày giải phóng

Cập nhật: 07-05-2015 | 08:56:43

Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thủ Dầu Một từng nói: “Cùng với chiến thắng vẻ vang của dân tộc, thống nhất nước nhà thì Thủ Dầu Một - Bình Dương phải đối mặt với vô vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Phát huy truyền thống cách mạng, tính tự lực tự cường và niềm tự hào chiến thắng, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà đã phát huy tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” cùng với Đảng, Nhà nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương vừa được giải phóng”. 

Đại đoàn kết dân tộc

Ông Một Hữu nhớ lại, nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên từ sáng ngày 1-5-1975, các hoạt động cung cấp điện, nước trên địa bàn đã được khôi phục, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân trong thị xã Thủ Dầu Một và các cơ quan, đơn vị. Chợ Thủ Dầu Một đã trở lại mua bán bình thường. Ngày đầu giải phóng, Ủy ban Quân quản đã kịp thời cấp phát 160 tấn gạo cứu đói cho hơn 40.000 đồng bào, huy động hơn 500 lượt xe đò đưa hơn 40.000 đồng bào ở Bình Long, Dầu Tiếng bị địch gom về khu tập trung Gò Đậu, Bình Hòa trở về quê cũ. Các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, Dĩ An, Tân Uyên… cấp ủy, chính quyền cách mạng tập trung cứu đói, ổn định tình hình địa phương vùng mới giải phóng. Một số nơi quần chúng bị địch tuyên truyền, kìm kẹp lâu ngày nên Ủy ban Quân quản, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Ban Dân vận cùng với chính quyền cơ sở thực hiện công tác vận động quần chúng; tổ chức quần chúng thành những tổ liên gia đoàn kết vừa làm công tác bảo đảm an ninh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng vừa tổ chức lại sản xuất, xây dựng kinh tế trên quê hương đã được giải phóng.

Các bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng - những người từng một thời chiến đấu và xây dựng kinh tế thời kỳ đầu giải phóng trồng cây lưu niệm tại UBND xã Cây Trường. Ảnh: D.CHÍ

Tiếp chúng tôi tại vườn cao su ở xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng, ông Nguyễn Bạch Đằng, một cựu chiến binh cho biết: “Cũng như bao thế hệ thanh niên khác, khi đất nước hòa bình, thống nhất, người lính chúng tôi giao súng lại cho quân đội, vui mừng trở về cùng với gia đình chăm lo tăng gia sản xuất. Về quê ở Bạc Liêu, tôi được địa phương giao nhiệm vụ lên vùng kinh tế mới để cùng bà con tăng gia sản xuất. Là cán bộ nòng cốt, tôi gắn luôn với mảnh đất này và xem đây là quê hương thứ hai của mình”. Còn ông Nguyễn Ngọc Ẩn “Xê”, nay đã 77 tuổi, ngụ khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên hồ hởi nói: “Tôi vốn là Hội đồng xã, sau giải phóng được chính quyền cách mạnh cho học tập cải tạo rồi tham gia vào hợp tác xã ở địa phương vì gia đình có tay nghề, có điều kiện. Nhờ chính sách khoan hồng bao dung và tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà cả khu vực Tân Ba ngày ấy không ai bị đói trong giai đoạn 1978-1979”.

Xây dựng lại kinh tế

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, ông Huỳnh Văn Thu (Bảy Thu) từng giữ vị trí Huyện đội trưởng Bến Cát với phiên hiệu C61 anh hùng. Đất nước thống nhất ông xin đi học để có điều kiện làm tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Năm 1977, ông trở về nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bến Cát kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú An theo chủ trương của Trung ương. Ông Bảy Thu nhớ lại: “Những ngày đầu vận động thành lập hợp tác xã, bà con nhân dân phấn khởi lắm nhưng khi vào làm ai cũng “ngó ra”. Tôi liền đi tìm hiểu nguyên nhân rồi mới thấy, hợp tác xã gì mà bộ máy lãnh đạo lên đến 60 người, trong đó Ban chủ nhiệm gần chục vị. Vật nuôi, cây trồng đều không phù hợp với thổ nhưỡng nên tôi bàn với anh em cần thay đổi chút ít sao cho có hiệu quả, vì cả nước cùng tăng gia sản xuất chứ đâu phải một Bến Cát, Bình Dương mình? Khi đã thống nhất với nhau rồi thì “im lặng” mà làm. Đó là chuyển đổi cây mì, cây lúa sang cây cao su, cây điều; chăn nuôi thì nuôi con gì phù hợp với địa phương; bên thương mại thì tăng cường trao đổi, mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp để bón cho cây trồng…”.

Công việc của Hợp tác xã Phú An đang tiến triển thì cấp trên xuống kiểm tra buộc dừng vì làm sai chủ trương. Sau đó, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương văn phòng phía Nam dẫn đầu đoàn kiểm tra xuống tận địa phương để nghe Ban chủ nhiệm Hợp tác xã báo cáo. “Trình bày thật với đoàn Trung ương, tôi nói Pháp vào đô hộ Đông Dương tại sao họ không xây đồn điền trồng lúa mà lại giao cho địa chủ, trong khi đó chúng lại xây đồn điền trồng cao su, bông vải, lập khu sản xuất, chế biến… Đất nước thống nhất thì phải xây dựng kinh tế, có thể hôm nay cây này chưa hiệu quả nhưng một vài năm sau nó sẽ giúp dân mình phát lên vì có được ngoại tệ”, ông Bảy Thu kể.

Kết thúc buổi làm việc, ông Huỳnh Thọ, Trưởng văn phòng phía Nam Ủy ban Kiểm tra Trung ương không kết luận mà chỉ nói: “Những người thông minh, chịu làm luôn có ý kiến, việc làm trái ngược nên cần phải suy nghĩ, lắng nghe”. Thực tế cho thấy, nhờ cây cao su, cây điều mà nhân dân Bến Cát có điều kiện phất lên một vài năm sau đó.

Ông Bảy Thu đúc kết, trong Di chúc, Bác Hồ đã viết: “Khi thống nhất đất nước Đảng phải đi cảm ơn bạn bè các nước đã giúp đỡ; đồng thời phải học tập và áp dụng linh hoạt cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương mình”.

Theo lý tưởng Bác Hồ

Về thăm Hợp tác xã Tân Ba (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên), hợp tác xã từng vinh dự được đón nhận danh hiệu đơn vị anh hùng của tỉnh Sông Bé, ông Nguyễn Ngọc Ẩn “Xê”, nguyên là kế toán kiêm phụ trách công tác thủy lợi hợp tác xã này cho biết, hồi hợp tác xã mới thành lập, điều kiện khó khăn chồng chất; anh em lội bộ là chính, chỉ một vài người có xe đạp thì lặn lội khắp nơi học tập nghiên cứu cách làm. Năm đầu tiên hợp tác xã hoạt động (1978), cả nước bị mất mùa do sâu rầy bùng phát. Hai năm sau đó, cả nước lâm vào tình trạng thiếu đói nhưng xã viên hợp tác xã ai cũng có lúa ăn, có rau, cá để bán. Hàng dừa của hợp tác xã đến nay vẫn còn là nhờ anh Võ Văn Bản, Chủ nhiệm hợp tác xã đầu tiên đạp xe từ Thái Hòa về Thủ Đức mua từng cây dừa về trồng. Sau này khi đất nước mở cửa, thế hệ của ông về hưu thì người Nhật tìm đến hợp tác xã để đặt hàng cà tím xuất khẩu sang bên đó.

Nói về nguyên nhân thành công trong những ngày đầu xây dựng kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Ẩn “Xê” không giấu được cảm xúc: “Muốn thành công trong bất cứ việc gì trước tiên cần có cái tâm và cái chí. Những năm đầu đất nước thống nhất ở đâu cũng khó, vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng. Anh Võ Văn Bản vừa là Bí thư xã vừa là Chủ nhiệm hợp tác xã, anh từng là “tù chính trị Côn Đảo” nên ý chí và tấm lòng của anh cao cả lắm. Anh đến từng nhà, vận động từng người cùng vào hợp tác xã để làm ăn, để xây dựng quê hương. Lúc đầu người ta vô thử xem sao, sau đó có hiệu quả ai cũng đăng ký vô. Để hợp tác xã thành công đến ngày hôm nay là nhờ công lao xây dựng rèn luyện của anh Bản. Anh đã đưa lý tưởng Bác Hồ vào phương châm hoạt động của hợp tác xã”.

Với chủ trương đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục sản xuất, xây dựng xã hội mới trên quê hương vừa được giải phóng.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên