“Nỗi đau da cam” của Iraq

Cập nhật: 02-06-2011 | 00:00:00

Trong thông điệp liên bang tuyên bố đầu năm nay, Tổng thống Mỹ B.Obama phát biểu rằng: “Chiến tranh Iraq đang ở hồi kết”, nhắc đến việc quân Mỹ chấm dứt các hoạt động chiến tranh vào cuối tháng 8-2010, chuẩn bị cho việc rút hẳn quân khỏi Iraq vào cuối năm nay. Thế nhưng, đối với hàng triệu người dân Iraq, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc… Tác giả người Mỹ Kelley Beaucar Vlahos, cây viết chủ lực của trang antiwar.com gần đây đã công bố bài viết có tựa đề “Trẻ em thời chiến” trên tờ American Conservative (Mỹ), đề cập hậu quả nặng nề mà trẻ em Iraq đang gánh chịu.

 

Vũ khí hóa học đang hủy hoại Iraq

 

Kết quả điều tra và lời kể của các nhân chứng đều cho thấy, trong những năm qua, thành phố Falloujah (Iraq) gần như đã bị phá hủy hoàn toàn trong 2 cuộc tấn công vào năm 2004, tỷ lệ dị tật ở trẻ sơ sinh ngày càng tăng. Tình hình trên gợi lại nghịch cảnh đến từ thành phố Bassora sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

 

 

Một cậu bé Iraq lớn lên với dị tật ở bụng ngày càng hoành hành, khiến cậu khổ sở

 Có thể kể những hình ảnh gây kinh hãi như đứa trẻ được sinh ra với 2 - 3 cái đầu, có một mắt ngay giữa trán, các bộ phận cơ thể bị thiếu hoặc thừa, tổn thương não, đầu to, rối loạn tim bẩm sinh, cơ thể mọc đầy khối u…

 

Phóng viên John Simpson của hãng BBC sau khi đến thăm một phòng khám tại Falloujah hồi tháng 3 năm ngoái đã không khỏi xúc động khi gặp những ông bố, bà mẹ đưa những đứa con hình hài không lành lặn đến khám bệnh. Người ta nói rằng quan chức chính quyền thành phố Falloujah đã khuyến cáo họ không nên có con.

 

Bác sĩ Ayman Qais, Giám đốc Trung tâm Y tế Falloujah nói với tờ Guardian rằng mỗi ngày ông khám cho 2 bé gặp vấn đề về dị tật bẩm sinh, còn vào thời điểm năm 2008, ông chỉ phải khám cho 2 em trong 15 ngày. Sự hiện diện của nhiều loại vũ khí, rác thải chiến tranh và các cơ sở bị phá hủy cũng như các đám cháy tại các căn cứ quân sự hay giếng dầu đã để lại đằng sau đó một di sản các chất độc hại gây ô nhiễm không khí, nước và đất tại Iraq. Thêm vào đó, các loại vũ khí được Mỹ sử dụng có chứa urani nghèo là nguồn gốc gây ra cái chết cho nhiều trẻ em, trong đó có chứng chết non.

 

Trong 20 năm qua, cùng với cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, tại Bassora, các căn bệnh ở trẻ em tăng rõ rệt. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế cộng đồng Washington, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh bạch cầu đã tăng gấp đôi ở Bassora trong giai đoạn 1993-2007.

 

Nhà nghiên cứu chuyên về chất độc môi trường Mazhgan Savabieasfahani, đồng tác giả bản báo cáo mới đây về tình trạng dị tật trẻ em tại Falloujah, đã tuyên bố: “Đây là cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng đáng được toàn thế giới chú ý. Chúng ta cần các nhà khoa học độc lập và công tâm để tìm ra những nguyên nhân gây ra các bệnh đại dịch này”.

 

Tác giả Scott Peterson đã viết trên CS Monitor: “Các phân tử phát tán mà chúng ta không nhìn thấy khi các loại đạn chứa urani nghèo được sử dụng để tấn công và đốt cháy các mục tiêu. Chúng còn dính vào vỏ xe tăng, nhiễm trong đất, trong nắng gió sa mạc. Phải mất 4 - 5 tỷ năm chúng mới mất tính phóng xạ. Sau đó Peterson đã chứng minh sự hiện diện của urani nghèo tại thủ đô Baghdad sau cuộc chiến tranh năm 2003. Kết quả nồng độ phóng xạ thu được gấp 1.300 lần mức độ cho phép.

 

Ngoài nguồn nước bị ô nhiễm, còn tồn tại khắp nơi khói độc do các căn cứ quân sự của Mỹ đốt rác thải, cũng như từ những đám cháy đường ống dẫn dầu và những cột khói khổng lồ, đen kịt bao trùm lấy khu vực. Hơn 450 vụ cháy do phiến quân gây ra được ghi nhận kể từ 2003 - 2008. Các nhà nghiên cứu quân sự cũng đã phát hiện ra các kim loại nặng có trong bụi tại sa mạc sau các trận chiến tạo thành những hố sâu trong lòng đất.

 

Cựu chiến binh Mỹ Scott Ashby đã nói với báo The Oregonian năm 2009: “Đó là chất độc da cam của chúng tôi” khi ám chỉ loại chất diệt cỏ được quân đội Mỹ rải xuống những khu vực rộng lớn ở Việt Nam.

 

Trách nhiệm bị bỏ lơ

 

Bài viết có đoạn nhắc lại lời của một lính Mỹ tại Iraq: “Chỉ khi nào chúng ta dũng cảm nhận trách nhiệm về thảm họa gây ra thì chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu, chứ không phải chỉ tự cho mình đã hoàn thành cam kết rút quân là xong mọi chuyện. Nếu chúng ta cố tình không nhận ra điều ấy thì phần còn lại của thế giới cũng thấy rõ điều ấy mà thôi”.

 

Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ ý kiến cho rằng quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về các căn bệnh kinh niên, các dị tật bẩm sinh và tỷ lệ người dân Iraq cũng như số binh sĩ Mỹ tham gia chiến dịch mắc bệnh ung thư cao. Các quan chức Lầu Năm góc đã cố tình lờ đi các cuộc điện thoại và thư tín liên quan đến những cáo buộc đặc biệt trong vụ này.

 

Viện Chính sách môi trường quân đội Mỹ vào năm 1994 đã thừa nhận urani nghèo gây nguy cơ độc hại khi chúng bị hít vào cơ thể và việc sử dụng vũ khí có chứa urani nghèo trong các trận đánh gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Nhưng nghịch lý ở chỗ, Viện Chính sách môi trường quân đội Mỹ lại khuyên cần tiếp tục nghiên cứu và quản lý rủi ro hơn là từ bỏ sử dụng urani nghèo.

 

Lầu Năm góc ủng hộ các nghiên cứu một cách “có chọn lọc”, điển hình là nghiên cứu do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện năm 2010. IAEA đã kiểm tra đất, nước và hệ thực vật tại Bassora, nhưng bỏ qua Falloujah, nơi bị nhiễm phóng xạ nặng nề nhất, để sau đó đưa ra kết luận khập khiễng là số lượng urani nghèo được sử dụng không có nguy cơ phát tán phóng xạ gây ô nhiễm trong dân cư tại 4 địa điểm nghiên cứu ở miền Nam Iraq.

 

Thế nhưng, cũng chính IAEA lẫn quân đội Mỹ đã thừa nhận những mảnh vũ khí và xác các phương tiện quân sự tại khu vực Falloujah là những loại rác thải nhiễm xạ. Bằng chứng nữa về mối nguy hiểm của xác các vũ khí là quân đội Mỹ yêu cầu binh lính không được leo lên xác các xe tăng bị trúng đạn”.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên