Nỗi đau thảm họa da cam

Cập nhật: 02-08-2014 | 00:00:00

Cách đây 53 năm, vào ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ khởi đầu chiến dịch rải dioxin - chất độc da cam (CĐDC) tại huyện Ngọc Hồi, Kontum, chính thức sử dụng vũ khí hóa học vào cuộc chiến tranh với Việt Nam, mục tiêu là khai hoang những cánh rừng để “tìm diệt” các chiến sĩ cách mạng. Và dioxin là chất diệt cỏ đã được chọn, đây là hóa chất xếp vào hàng những loại chất độc nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ vì khả năng gieo rắc cái chết mà còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, song sự tàn phá của chất dioxin chết người ấy không dừng lại, nó vẫn tiếp tục hủy hoại những thế hệ sau người lính, người dân lành vô tội… khi họ bước ra từ trong vùng hóa chất và không ít nạn nhân là trẻ em thuộc các thế hệ thứ hai, thứ ba... đang phải gánh chịu thảm họa từ CĐDC này.

Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm loại hóa chất độc hại dioxin; đặc biệt đã di truyền sang đời thứ ba với hơn 3 triệu người, trong đó có 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Riêng ở tỉnh Bình Dương có khoảng 5.100 nạn nhân CĐDC/dioxin, trong đó tỷ lệ do ảnh hưởng trực tiếp chiếm 54,5% đã gây ra những căn bệnh lạ thường, dị dạng trông rất đau lòng. Các nạn nhân CĐDC thường mắc dị tật bẩm sinh, bị nhiều loại bệnh mãn tính khác nhau, thời gian điều trị rất lâu dài, sức yếu, tuổi đời ngắn. Họ bị nhiều thiệt thòi do hạn chế trong sinh hoạt, lao động, học tập; khó có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục... đặc biệt là khó tìm được việc làm phù hợp, thu nhập thấp; vì vậy, phần lớn họ đều lâm vào cảnh nghèo túng, vất vả khi phải tự mưu sinh nuôi sống bản thân. Đã có nhận xét rằng, họ là người “nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người khổ”! Thế nên, đối với các nạn nhân CĐDC ngoài sự chăm lo của Nhà nước đang rất cần được các tổ chức trong, ngoài nước, các nhà hảo tâm cùng cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ… từ chăm sóc sức khỏe đến cải thiện điều kiện sống, giúp họ vượt qua mặc cảm bệnh tật, đói nghèo để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thiết nghĩ, toàn xã hội cần rộng mở tấm lòng, dang rộng vòng tay nhân ái, chia sẻ thương yêu với những nạn nhân bị CĐDC, góp phần bù đắp phần nào cho nỗi bất hạnh mà họ đang gánh chịu. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình người; không chỉ nhằm xoa dịu nỗi đau da cam mà còn gắn với lòng tri ân những người đã từng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhân kỷ niệm “53 năm thảm họa da cam tại Việt Nam” (10.8.1961 - 10.8.2014), nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ vẫn lên tiếng, kiên trì ủng hộ cuộc đấu tranh, đòi những kẻ gây ra tội ác phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân và người thân của họ vì đã gánh chịu tai họa, nỗi đau dai dẳng trong suốt cuộc đời. Trong thời gian qua, tuy đã có rất nhiều vụ kiện lên tòa án Mỹ liên quan đến tác hại của CĐDC và hậu quả mà nó để lại sau chiến tranh Việt Nam; song những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của CĐDC này vẫn chưa nhận được sự bồi thường mà họ đáng được nhận. Công lý phải được thực thi và toàn thế giới sẽ phải chung tay ngăn chặn thảm họa, không để cho chiến tranh hủy diệt con người và môi trường tàn bạo như thế này được lập lại ở bất kỳ đâu, bất cứ nơi nào!

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=512
Quay lên trên