Nỗi đau từ chiến tranh

Cập nhật: 29-02-2012 | 00:00:00

Nỗi lòng của nạn nhân da cam

Tuổi 18, lứa tuổi tươi đẹp đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và cả sự lạc quan đón nhận vẻ đẹp của cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, Lê Văn Ở (tại Tổ nhân đạo Thiện Hòa, TX.Thuận An) lại không có được một cuộc sống bình thường như biết bao người. Đôi mắt - cửa sổ tâm hồn giờ chỉ còn là một màu tối mịt. Không buông xuôi theo số phận, Ở quyết tâm học đàn organ, guitar để tham gia đoàn biểu diễn văn nghệ tại tổ nhân đạo. Không chỉ có sự lạc quan hiện lên trong Ở, mà còn rất nhiều cá nhân khác tại Tổ nhân đạo Thiện Hòa, tuy mang khuyết tật nhưng vẫn luôn nở những nụ cười lạc quan với cuộc đời. Các em cùng nhau làm ra những cành hoa nhựa, thành lập đoàn biểu diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh, biểu diễn để có thêm thu nhập nuôi sống bản thân.

Nhiễm chất độc da cam từ cha, với đôi chân, cánh tay teo tóp, cơ thể tí hon nhưng em lại học rất giỏi, khiến nhiều người bình thường khác phải ngưỡng mộ. Đó là Huỳnh Thị Hà Xuyên, xã Tân Bình, Tân Uyên. Hiện nay, em đang học lớp 9, trường THPT Tân Bình, Tân Uyên. Không để mặc số phận, em luôn tự nhắc mình phải cố gắng học tập, bởi vậy suốt 5 năm cấp I em đều đạt loại giỏi, lên cấp II em liên tục đạt học sinh tiên tiến, giỏi. Tuy cố gắng học để trở thành nữ đồ họa giúp đỡ cha mẹ, cho chính bản thân em và những người nghèo cùng cảnh ngộ, nhưng trong khóe mắt Xuyên vẫn ẩn sâu nỗi lo. Bởi gia đình em rất khó khăn, mọi gánh nặng chất chồng trên đôi vai gầy của người mẹ. Do vậy, để em thực hiện được mơ ước nhỏ nhoi này, cần có những tấm lòng hảo tâm dang tay giúp sức cho em vượt qua khó khăn trước mắt.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn mãi còn đeo đẳng cuộc sống thời bình của những gia đình người lính. Không dừng lại ở những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ mà nghiệt ngã thay, di chứng chất độc da cam vẫn đang còn đeo bám cả đến thế hệ con, cháu của họ. Gia đình bà Huỳnh Thị Hằng (SN 1943) hiện nay đang sống tại xã Phú An, Bến Cát là một minh chứng. Bà cùng chồng tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc da cam mà không hề hay biết. Sinh ra 8 người con đều khỏe mạnh, bà thầm vui. Niềm vui ấy không kéo dài lâu, khi 3 người con của bà lần lượt bệnh nặng, teo tóp tay chân, trí não không phát triển. Hàng ngày, bà cùng chồng làm việc vất vả để có điều kiện chăm sóc cho các con. Dù vất vả bao nhiêu bà vẫn không ngại, mà chỉ lo khi bà “nhắm mắt xuôi tay”, cuộc sống của chúng sẽ ra sao. Tiếng nấc của bà Hằng phát ra, như chính tiếng lòng của những người lính, đang nhức nhối bởi nỗi đau không hề muốn, “nỗi đau da cam” in hằn trên cơ thể những đứa con, cháu của mình.

Xoa dịu nỗi đau da cam

Chất độc da cam đã trở thành tội ác và tội ác ấy cần phải được trừng phạt bởi công lý. Bên cạnh sự căm thù, đòi lại công lý cho những người cả đời gắn liền với bốn chữ “nạn nhân da cam”, cũng cần lắm sự cảm thông, quan tâm của toàn thể nhân dân để cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn. Do đó, trong thời gian qua, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (NNCĐDC) đã có nhiều chương trình thiết thực để kêu gọi sự hỗ trợ từ mọi phía. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, Hội NNCĐDC tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp những NNCĐDC trên địa bàn tỉnh có cuộc sống tốt hơn. Từ khi thành lập, hội đã hỗ trợ được nhiều nạn nhân khó khăn. Riêng năm 2011, hội đã vận động các cơ quan, chính quyền và đông đảo Mạnh Thường Quân được hơn 1,2 tỷ đồng, trích hỗ trợ các nạn nhân hơn 230 triệu đồng.

Ông Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh chia sẻ: “Những việc mà hội đang làm dù không có giá trị lớn về vật chất nhưng có ý nghĩa về tinh thần, giúp xoa dịu một phần nỗi đau da cam đang hàng ngày, hàng giờ giằng xé mỗi gia đình”. Ông Thái cũng cho biết thêm, hiện nay, hội đang xúc tiến thành lập Hội cơ sở ở 3 huyện, thị: Bến Cát, TX.Dĩ An, TX.TDM; đồng thời vận động các huyện, thị còn lại thành lập Hội cơ sở, qua đó để việc chung tay vì NNCĐDC sẽ rộng khắp trong cả cộng đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh hội sẽ kết hợp với báo, đài mở rộng công tác tuyên truyền, kêu gọi sự đồng cảm, chung tay giúp đỡ những NNCĐDC; khai thác các công việc phù hợp giúp đỡ nạn nhân khó khăn để có điều kiện ổn định cuộc sống; thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các nạn nhân vào các dịp lễ, tết.

Bà Đỗ Thị Hiệp, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX.Dĩ An cho biết: TX.Dĩ An có 130 nạn nhân da cam. Để giúp các nạn nhân vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, ngoài những chính sách hỗ trợ của tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An đã tổ chức nhiều chương trình vận động từ phía chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thị xã. Năm 2011, phòng đã vận động được hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo phòng còn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân khó khăn, bệnh tật; liên hệ các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thị xã tiếp nhận những NNCĐDC còn khả năng lao động vào các xí nghiệp, công ty làm, từ đó giúp họ có thêm thu nhập, lạc quan hòa nhập với cộng đồng.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên