“Nói không” với xe quá tải!

Cập nhật: 16-07-2013 | 00:00:00

 Diễn đàn mạng và trang thời sự các báo trong những ngày qua đều tập trung cho vấn đề có nên cho phép xe quá tải lưu thông trên đường? Hầu hết các ý kiến khi đề cập vấn đề này đều cho rằng không nên cho xe quá tải lưu thông và buộc phải hạ tải vì đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc và là tác nhân chính gây hư hại mặt đường. Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng đã cho nhập “xe khủng” thì phải cho lưu thông đúng tải trọng “xe khủng” đã nhập để không… lãng phí!

Chuyện xe quá tải lưu thông trên đường không phải đến khi tỉnh Đồng Nai lập tổ kiểm tra đặc biệt không nhận chung chi mới thòi ra, mà đã tồn tại từ rất lâu. Chính giới lái xe cũng công nhận xe quá tải trước đây chỉ cần chung chi chút đỉnh là có quyền lăn bánh. Hệ lụy mà xe quá tải gây ra là quá rõ. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc chỉ vì xe quá khổ, quá tải phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra. Nhiều con đường mới làm chưa được bao lâu đã nham nhở, vá víu chỉ vì tải trọng của xe vượt nhiều lần so với mức chịu tải của con đường. Có trực tiếp nhìn thấy mặt đường quốc lộ 13 đoạn từ cầu Tham Rớt đến Bình Long (Bình Phước), nếu cho rằng phần thi công đạt chất lượng, thì mới thấy sức tàn phá ghê gớm của xe quá tải. Tương tự, các trục đường quốc lộ 20, quốc lộ 51 qua các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu làm trước hư sau, chằng đụp như chiếc áo vá chưa biết đến bao giờ mới phẳng phiu cho dù Nhà nước đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa! Tại Bình Dương, nhiều con đường mới làm cũng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng chỉ vì xe quá tải!

Nguyên nhân dẫn đến việc xe quá tải vô tư lăn bánh trên đường thì có nhiều, nhưng chung quy trách nhiệm vẫn thuộc về ngành công an, bởi chưa trị được tận gốc căn bệnh chung chi. Nếu xưa nay, tất cả các tổ kiểm soát đường bộ công an các tỉnh, thành trong nước đều nói không với chuyện chung chi, nghiêm khắc xử phạt đối với xe quá tải thì đã không có chuyện tốn hao giấy mực của báo giới về vấn đề này. Bên cạnh đó, trách nhiệm còn thuộc về Bộ Giao thông - Vận tải và các ngành chức năng khi cho phép nhập khẩu các loại “xe khủng” về tải trọng, trong khi biết rõ các loại xe đó không phù hợp với hầu hết đường sá tại Việt Nam! Cùng với đó là ý thức của các doanh nghiệp vận tải còn kém, chỉ vì cái lợi của doanh nghiệp mà bỏ qua cái lợi của cả đất nước. Nếu vì một lý do nào đó mà “đội quân phá đường” này còn được phép hoạt động, thì bao nhiêu tiền của đóng thuế của dân cũng sẽ tan thành bọt nước khi đầu tư vào những con đường!

Siết chặt xe quá tải là việc phải làm và Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh như đầu tư thêm trạm cân, tăng cường kiểm tra “tốc độ”, kiểm tra hộp đen; đề cao tính nghiêm minh, năng lực, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để chấn chỉnh tận gốc vần đề này, thiết nghĩ đi cùng với quy định cụ thể tải trọng của từng con đường, cần thực hiện nghiêm khắc các biện pháp xử phạt đối với xe quá tải; ngành công an nên phát động cuộc vận động nói không với chung chi trong lực lượng cảnh sát giao thông; các ngành chức năng xem xét đề xuất không cho nhập khẩu, vận hành các loại xe không phù hợp với đường sá tại Việt Nam. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, chắc chắn sẽ không còn chuyện nát đường vì xe quá tải.

 HÀN NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên