Nỗi lo an toàn thực phẩm trước cổng trường

Cập nhật: 13-04-2018 | 22:11:50

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm các loại đồ ăn được bày bán trước cổng trường, nhưng hiện vẫn còn những người bán gây mất mỹ quan cho trường học và là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh.

Tràn lan hàng ăn

Dạo quanh một số trường học trên địa bàn TX.Bến Cát, vào đầu giờ, hoặc khi tan học, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những xe đẩy bán hàng lưu động trước cổng trường sẵn sàng phục vụ cho các em HS. Chiều 10-4, tại cổng trường THCS Hòa Lợi (phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát), mặc dù bảo vệ đã đến nhắc nhở người bán hàng rong nhưng một lúc sau họ lại quay lại và thản nhiên bày bán. Quan sát, khoảng 10 phút, chúng tôi ghi nhận có 5 - 6 em HS đến mua nước ngọt, bịch bánh tráng, cá viên chiên... Một số chai nước ngọt có nhãn mác, một số không có nhãn mác tiềm ẩn mối nguy hại về sức khỏe đối với lứa tuổi học trò. Khi được hỏi đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ thì người bán hàng chỉ ậm ừ không biết. Và cho rằng, con họ cũng uống nhưng có sao đâu.

HS mua đồ ăn, nước uống trước cổng trường Tiểu học Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một)

Còn tại trường THCS Phú Hòa (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) vào một số thời điểm trong ngày, bất kể là trời mưa hay nắng, chỉ cần một chiếc xe đạp, xe máy, xe đẩy, một chiếc dù cùng với đồ nghề là: Bếp than, bếp gas mini, chảo, dầu ăn, dao kéo, đồ ăn... những người bán hàng rong vô tư bán hàng trước khu vực gần cổng trường. Các loại đồ ăn, thức uống được bán tương đối phong phú, đa dạng như: Xôi, bánh mì, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, kem, nước uống, trái cây, bánh kẹo... Các đồ ăn này đều có đặc điểm chung là màu sắc sặc sỡ, thêm vào đó là giá thành lại rẻ. Bên cạnh nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thì dụng cụ chế biến thấy cơ bản mất vệ sinh cộng với không khí bụi bặm do xe cộ qua lại nên tiềm ẩn nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù vậy, các em HS vẫn phớt lờ, đứng ăn ngon lành. Khi hỏi về thực phẩm có an toàn không? Các em HS thản nhiên trả lời: “Chúng em ăn mãi rồi cũng có làm sao đâu, với lại, nó cũng ngon mà rẻ”. Hay: “Em cũng không rõ nguồn gốc những sản phẩm này nhưng mùi vị khá hấp dẫn nên em thích ăn” .

Làm gì trước nguy cơ thực phẩm không an toàn?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng, pháp chế Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), cho biết để bảo đảm sức khỏe HS, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi Phòng GD-ĐT các địa phương yêu cầu các trường học thường xuyên nhắc nhở HS không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn quà vặt trước cổng trường. Cùng với đó, một số trường đã gắn biển “cấm bán hàng” trước cổng trường, đóng kín cổng, không cho HS ra ngoài vào giờ giải lao. Đồng thời, các trường học thường xuyên phối hợp với đội trật tự địa phương để dẹp bỏ tình trạng bán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường.

Thế nhưng, việc kiểm soát HS chỉ trong thời gian học, còn đầu giờ học, hay giờ ra về khó có thể kiểm soát được các em. Trong khi đó, nhà trường chỉ tuyên truyền, nhắc nhở HS không sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng chứ không thể cấm các em. Đối với hàng rong di động chủ yếu là đứng trước, hoặc cách trường vài chục mét nên nhà trường không thể quản lý. Theo Ban giám hiệu các trường, những người bán hàng trước cổng trường thường di chuyển bằng xe đạp, xe máy, xe đẩy mặc dù nhà trường đã được đội trật tự xã, phường hỗ trợ nhắc nhở không được bán hàng trước trường nhưng sau khi nhắc nhở xong thì họ trở lại bán. Không riêng gì giáo viên mà rất nhiều phụ huynh bức xúc về vấn đề này.

Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của HS nhưng vẫn kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, một số trường học trên địa bàn tỉnh bắt đầu chú trọng đến dịch vụ căng-tin như trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một), THCS Dĩ An (TX.Dĩ An)… Theo đó, các trường đã mời các đơn vị kinh doanh vào tham gia dịch vụ này. Ông Dũng nói thêm: “Xây dựng căng-tin trong trường học là rất cần thiết, bởi đây là nơi tổ chức ăn uống hợp vệ sinh cho HS. Tuy nhiên, quan trọng là căng-tin phải được tổ chức đúng chuẩn và được kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan y tế”.

Giải “bài toán” thực phẩm chưa qua kiểm định vẫn còn tồn tại trước cổng trường, theo ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, ngoài trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, quan trọng nhất vẫn ở phía các bậc phụ huynh cần quản lý, giáo dục cho con em mình ý thức rõ được tác hại của các loại thực phẩm không an toàn để cùng chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi cổng trường. Từ đó bảo đảm sức khỏe cho các em HS, tránh các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X