Nỗi lo lớn của bệnh nhân nghèo!

Cập nhật: 11-04-2015 | 09:19:33

Theo lộ trình đã được Chính phủ chấp thuận, từ năm 2016-2020 ngành y tế sẽ lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định... vào giá dịch vụ. Trong đó, lương thầy thuốc được đưa vào giá dịch vụ trước năm 2016. Tại hội thảo cung cấp thông tin về lộ trình giá dịch vụ y tế mới vừa diễn ra gần đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng việc đưa lương, phụ cấp vào giá dịch vụ, tiến tới đưa thêm các cấu phần còn lại vào giá dịch vụ y tế là để cải tiến chế độ lương bổng cho thầy thuốc.

Theo tính toán của một số bệnh viện, khi đưa lương thầy thuốc vào giá dịch vụ y tế, nguyên tắc cơ bản là lương thầy thuốc không thấp hơn mức lương Nhà nước chi trả hiện nay. Bên cạnh tiền lương thầy thuốc, trong năm 2015 này còn một loại phí khác là phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cũng được đưa vào giá viện phí. Trong khi đó, theo Bộ Y tế thì giá viện phí hiện hành tuy mới điều chỉnh năm 2012 nhưng đa số địa phương chỉ mới áp dụng mức 60 - 80% khung, ở 3/7 cấu phần tạo thành giá dịch vụ. Như vậy, vẫn còn nhiều “dư địa” để tăng mức viện phí trong thời gian tới khi còn tới 20 - 40% khung và 4/7 cấu phần chưa được tính đúng, tính đủ vào viện phí.

Công bằng mà nói thì trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều tăng, đương nhiên viện phí cũng sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh viện khi xây dựng mức viện phí đều muốn tăng nguồn thu để tránh phải xin ngân sách bù lỗ cho bệnh viện quá nhiều. Bệnh viện thực hiện lộ trình tăng viện phí là để có thêm nguồn tiền trang trải cho các hoạt động, đầu tư trang thiết bị khám, chữa bệnh và tới đây là trả lương cho thầy thuốc. Điều đáng nói là tăng viện phí như thế nào để phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của nhiều người và khi bệnh viện tăng viện phí thì chất lượng dịch vụ có tăng theo hay không vẫn là những câu hỏi lớn!

Ngoài chuyện cảm mạo thông thường, trong đời ai cũng có đôi ba lần phải nhập viện vì bệnh tật. Người giàu nhập viện ít lo lắng nhưng người nghèo nhập viện là nỗi ám ảnh của cả gia đình. Chính vì vậy, tăng viện phí là tăng nỗi lo của bệnh nhân nghèo. Trong khi đó, bệnh nhân nghèo nằm viện thường ít kêu ca. Họ chấp nhận nằm chung giường hay nằm cả ngoài hành lang khi bệnh viện quá tải, cốt chỉ để được điều trị khỏi bệnh mà ít khi đòi hỏi về chất lượng dịch vụ. Nếu tăng viện phí thì liệu bệnh viện có tăng chất lượng dịch vụ? Không nâng cấp chất lượng dịch vụ khi tăng viện phí là thiếu công bằng đối với bệnh nhân!

Một điều đáng bàn nữa là những năm gần đây do tình hình kinh tế không mấy sáng sủa nên thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động không tăng. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì “nhảy múa” không yên, đời sống người dân đã khó càng thêm khó. Trong số đó, không ít người nghèo vì phải lo “chạy ăn từng bữa” nên không mua được bảo hiểm y tế và không may mắc bệnh họ càng khó khăn hơn! Tăng viện phí đồng nghĩa tăng gánh nặng cho gia đình bệnh nhân, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên