Nông dân hạnh phúc “vỡ òa”: Khi “4 nhà” gặp nhau!

Cập nhật: 22-10-2016 | 09:16:33

Sau 9 tháng khảo sát cơ sở, ngày 16-6-2016, 3 bên Báo Bình Dương, Hội Nông dân và Phân viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và Công nghệ Nano đã ký kết Chương trình phối hợp số 215/CTPH-HNDT-BBD về Dự án đào tạo nông dân thành doanh nhân - xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của dự án này là thay đổi từ suy nghĩ tiểu nông sang tư duy doanh nhân, góp phần thực hiện thành công chương trình NTM, tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà nông và nhà khoa học, giúp nông dân đổi mới tư duy, phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao đời sống nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn Bình Dương.

Qua 3 cách học tại lớp học, các bài báo, chương trình Tọa đàm, học qua giao lưu trực tuyến, cán bộ hội đã nâng cao nhận thức phục vụ cho c ông tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt là nông dân, chủ tr ang trại, tổ hợp tác, hội viên nông dân SXKD giỏi tiêu biểu đã tha y đổi tư duy trong SXKD, xác định nhu c ầu xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập WTO, ASEAN, TPP.

Nông dân được rất nhiều qua dự án

Hàng trăm chủ trang trại, nông dân đã dự các lớp học ở TX.Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Anh Trần Văn Vạn, Chủ trang trại nuôi heo nái, heo thịt (ở Lai Khê, Lai Hưng, Bàu Bàng), 1 trong số 10 chủ trang trại được UBND tỉnh vinh danh trong Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), các chị nông dân SXKD giỏi nhiều năm liền: Nguyễn Thị Minh Tấn (Long Thọ, Long Hòa, Dầu Tiếng), chị Nguyễn Hoàng Linh, cơ sở chuyên SXKD nấm bào ngư xám (Thạnh Lợi, An Thạnh, Thuận An) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi thấy Hội Nông dân phối hợp với Báo Bình Dương tổ chức các lớp đào tạo nông dân thành doanh nhân rất hay. Tiến sĩ Mộc Quế đã dạy chúng tôi rất nhiều từ cách quản trị DN, đến cách đối nhân xử thế!”.

Anh Lê Văn Tiếp, mô hình kinh tế tổng hợp ở Dầu Tiếng: “Thầy dạy cách làm thật ấn tượng, dễ hiểu, dễ thuộc như: phải làm gì trước, trong, sau khi làm, dạy lý thuyết tứ trụ trong điều hành tác nghiệp: Liên kế hóa, xã hội hóa, DN hóa, công nghiệp hóa, quy trình thực hiện: 5W (what, when, where, why, who) và 1 H (how) để có thể dự báo rủi ro, cách khắc phục, nhằm đạt kết quả cao nhất!

Các anh chị học viên đã phát biểu tại các lớp học: “Trước giờ chúng em chỉ làm theo cách xưa cũ, được chăng hay chớ. Giờ được thầy dạy chúng em những bài học thay đổi cách làm, còn giúp tìm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ công nghệ sinh học, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chúng em vui như người người đi biển tìm được phương hướng, bờ bến! Xin cảm ơn Hội Nông dân, cảm ơn Báo Bình Dương, cảm ơn thầy Quế!”.

Các chị cho biết thêm ngoài những bài học về văn hóa quản trị DN, thầy Quế còn dạy cách làm người, làm vợ: “Phụ nữ nên bỏ thói xấu cằn nhằn, lầu bầu. Khi người đàn bà cằn nhằn thì tan nhà nát cửa, nát trang trại. Phải dùng lạt mềm, buộc chặt!”.

Kích hoạt mối liên kết 4 nhà

Ngoài việc góp phần đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục nông dân, dự án Đào tạo nông dân thành doanh nhân còn góp phần tăng cường, thắt chặt mối liên kết 4 nhà trong “Tam nông”: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn để xây dựng nông thôn mới.

Về phía Nhà nước, tại buổi tọa đàm truyền hình online trực tiếp tại Báo Bình Dương, ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, nơi có đến hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC, ưu tiên phát triển mô hình kinh tế tập thể, trang trại, thực hiện đạt mục tiêu xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân!”. Lớp của thầy Quế, tạo ra nguồn nhân lực cho chúng tôi.

Ngân hàng cũng đã có tiếng nói. Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước: “Thời gian qua, các ngân hàng thương mại rất quan tâm đầu tư tín dụng cho mảng phát triển kinh tế nông nghiệp CNC, trang trại. Dĩ nhiên về phía ngân hàng luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn vốn. Về phía nông dân, nếu có tài sản thế chấp, làm ăn có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, thì ngân hàng sẵn sàng “đồng hành”!”. Ngân hàng cũng an tâm cho vay vốn khi người vay là nông dân có tư duy doanh nhân.

Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bàu Bàng, bà Vân Anh, Phó Chủ tịch Hội huyện Dầu Tiếng, ông Tuấn Anh, Hội Nông dân Bắc Tân Uyên..., Lần đầu tiên chúng tôi thấy có một chương trình phối hợp thật thiết thực bổ ích như thế. Chúng tôi đã tích cực vận động, tập hợp, đưa đón nông dân đến lớp đông nhất có thể và các lớp sau này do bà con đã “thích” cách dạy của thầy rồi, thì lớp đạt 100%. Chủ trang trại Thu Thủy học xong thầy quá hay, xin hứa sẽ đóng góp với huyện Bàu Bàng mở 6 lớp nữa.

Hạnh phúc bất ngờ của người làm chương trình

Cuộc đào tạo nông dân thành doanh nhân ở Bình Dương góp phần giáo dục được nông dân, kích hoạt để mối liên kết 4 nhà vận hành tốt hơn, để người nông dân thụ hưởng nhiều hơn, đó chính là hiệu quả của chương trình và là hạnh phúc của những người làm chương trình.

Đầu tiên xin nói về tâm huyết 3 người sáng lập chương trình. Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân đã rất nhiệt huyết: “Cứ làm gì có lợi cho nông dân là chúng tôi làm!”.

Ông Nguyễn Quang Hiệp, Tổng Biên tập Báo Bình Dương: “Chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân và Tiến sĩ Mộc Quế mở một chuỗi lớp đào tạo, truyền thông với mong muốn truyền lửa và mang lại cho nông dân những kiến thức tư duy mới, cách làm mới và những sự đồng hành, hỗ trợ mới!”.

Người tâm huyết nhất phải kể đến Tiến sĩ Mộc Quế: “Tôi muốn giúp nông dân!”. Và dù đã 72 tuổi, ông đã luôn có mặt sớm nhất tại các lớp học và là người mời cơm cho cả lớp ở Bình Dương. Ông Lê Minh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội và anh Trần Thành Quang, người được Hội Nông dân giao theo sát quản lý các lớp học nói: “Mới đầu thật hồi hộp, không biết nông dân đón nhận chương trình ra sao. Nhưng nay thì yên tâm rồi, bà con nông dân rất thích đi học. Sau khi học về đã có thay đổi tư duy. Xem như chúng tôi đã thành công bước đầu!”.

Giờ thì dự án “Đào tạo nông dân thành doanh nhân” đã đi được 2/3 chặng đường, đã làm được 7/10 lớp, 2 online, 2 bài báo Chung sức xây dựng NTM và hàng loạt bài báo trên Nhật báo Bình Dương. Chương trình đã góp phần đồng hành cùng công tác xây dựng NTM, góp phần thay đổi tư duy nông dân, làm cho 4 nhà “gặp” nhau, giúp nhau. Đặc biệt, qua chương trình, chúng tôi đã nhận được những tình cảm vô cùng ấm áp của nông dân. Tất cả đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm chương trình. Hiện chương trình vẫn còn tiếp tục đồng hành cùng nông dân, góp phần thực hiện thành công chương trình NTM, giúp cho nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch được nhân rộng và phát triển, nâng cao đời sống nông dân.

* Chương trình đào tạo của Tiến sĩ Mộc Quế gồm:

+ 10 lớp học, 6 lớp tại huyện, 3 lớp ở tỉnh, 1 lớp tư vấn mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC.

+ Đầu tư 10 mô hình ứng dụng CNC.

- Cụ thể các gói đào tạo: Đào tạo cơ bản để biến nông dân trở thành doanh nhân: Tập huấn nông dân hội nhập WTO, nâng cao các kỹ năng quản trị mô hình kinh tế, tiếp cận kỹ thuật CNC của thế giới và các giải pháp cứu nguy cho nền nông nghiệp (vô cơ, nhiễm độc hại, không sạch).

* Chương trình truyền thông:

+ 10 kịch bản online (45’).

+ 10 bài báo viết theo 10 chủ đề.

+ Và hàng loạt bài báo về gương điển hình SXKD giỏi, cán bộ hội nhiệt huyết trên các trang kinh tế, chính trị, xã hội của Nhật báo Bình Dương.

 

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên