Nông dân huyện Dầu Tiếng: Góp sức phát triển kinh tế

Cập nhật: 25-07-2018 | 08:41:08

 Những năm qua, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đã tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây được xem là một bước chuyển quan trọng trong quá trình thay đổi nhận thức và hành động của lực lượng nông dân trên địa bàn huyện.

Chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp

3 năm qua, từ việc triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân huyện Dầu Tiếng đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng giá trị sản lượng, chất lượng, giảm chi phí sản xuất bằng cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao.

Góp phần vào kết quả nói trên, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã tổ chức 468 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật bón phân, sử dụng nông dược, phòng chống dịch bệnh… cùng nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cho trên 32.000 lượt hội viên, nông dân trong toàn huyện. Từ đó, nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã được học, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn; đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Có thể kể đến như mô hình nông dân sử dụng phân vi sinh để nâng cao hiệu quả chăm sóc cây cao su; mô hình phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh; mô hình nuôi chim yến gắn với thu mua mủ cao su, chăn nuôi bò sữa của bà Vũ Thị Tuất, xã Minh Tân…

Mô hình nuôi chim yến gắn với thu mua mủ cao su, chăn nuôi bò sữa của bà Vũ Thị Tuất, xã Minh Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Bà Tuất đang phân loại yến bán cho khách. Ảnh: HỒNG NGA

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 102 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện Dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An. Bà Lê Vân Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết qua 3 năm thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, toàn huyện đã giữ vững diện tích cây trồng, tăng chất lượng và thay thế giống mới; diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có 615 ha, tăng 425 ha so với 3 năm trước. Trên địa bàn huyện có khoảng 11 ha sinh vật cảnh, trong đó trang trại hoa lan Mai Quốc Thái ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa với diện tích 6,5 ha được xác định là cơ sở trồng lan đạt hiệu quả nhất. Cùng với đó, toàn huyện có 2 ha trồng nấm ăn, nấm dược liệu và sản xuất phôi nấm tại trang trại nấm Minh Khải (xã Minh Thạnh) và trại nấm Tấn Hưng (xã Minh Hòa).

Đối với mô hình nuôi cá cảnh, tập trung chủ yếu tại xã Thanh Tuyền và xã Thanh An. Giá trị sản xuất sinh vật cảnh trên địa bàn huyện đạt 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 500 triệu đồng/ha/năm. Đối với chăn nuôi, chăn nuôi nông hộ được huyện củng cố theo hướng an toàn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững. Toàn huyện hiện có 214 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đàn bò sữa chăn nuôi trên địa bàn hiện có 1.345 con, tăng gấp đôi về tổng đàn và tăng 75 hộ nuôi so với đầu năm 2013; trong đó Hợp tác xã bò sữa Long Tân có 1.050 con, sản lượng sữa từ 8 - 10 tấn/ngày; bò thịt và sản phẩm sữa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của huyện, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các cấp hội quán triệt, phổ biến, cụ thể hóa nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, hội viên, nông dân. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân trong huyện về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tự giác tham gia với tinh thần trách nhiệm cao.

Kết quả cho thấy, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã vận động cán bộ, hội viên và nông dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng được 4.604 ngày công, 7,984 tỷ đồng, với 121,5km đường giao thông được làm mới và sửa chữa. Nhiều công trình giao thông nông thôn trên địa bàn huyện in đậm dấu ấn đóng góp của người dân. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Dương, ngụ ấp Hố Cạn, xã An Lập đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng làm 1km đường bê tông nhựa đoạn từ ấp Hố Cạn đi ấp Hàn Nù; hộ ông Hồ Văn Ngừng, ngụ ấp Đồng Sến, xã Định An, đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng để xây dựng mới 1 tuyến đường dài 4km...

Điều đáng mừng là nông dân đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện cũng đã có những đóng góp tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Trịnh Đình Toan, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết qua hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đồng bào Chăm trong xã đã hiến trên 4.100m2 và 70 cây cao su đang khai thác để nâng cấp láng nhựa đường với chiều dài trên 2km. Từ một làng Chăm có cuộc sống khó khăn trước đây, hiện nay đã có nhiều thay đổi. Tập quán độc canh cây khoai mì, cây điều như trước đây đã được xóa bỏ, bà con nơi đây đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, xen canh cây trồng hợp lý để phát triển kinh tế gia đình.

Với những cách làm thiết thực, sáng tạo trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân của huyện Dầu Tiếng đã phát huy tốt tiềm năng của hội viên, nông dân trong công cuộc phát triển kinh tế, góp phần tăng cường vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên