Nông dân xã Thạnh Phước (Tân Uyên): Vươn lên từ cách làm hay

Cập nhật: 24-10-2013 | 00:00:00

Hội Nông dân xã Thạnh Phước (Tân Uyên) được Huyện hội đánh giá là cơ sở có nhiều mô hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu. 

 Ông Nguyễn Văn Thanh (bìa trái) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mai với bà con ở địa phương

 Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm, Hội Nông dân xã Thạnh Phước đều tích cực công tác phối hợp và chủ động tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, như: tập huấn các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá hại lúa, hội thảo chuyên đề kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng heo con; kỹ thuật canh tác sản xuất, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh; giới thiệu các sản phẩm phân bón, tập huấn biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… thu hút hàng trăm lượt nông dân tham gia. Qua đây, bà con nông dân được trang bị thêm vốn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và giúp nhau cải thiện đời sống…

Ông Nguyễn Văn Thanh, ở ấp Dư Khánh là một trong những điển hình về phát triển kinh tế gia đình ở xã. Ông Thanh gắn bó với nghề trồng mai từ nhiều năm nay. Những năm đầu trồng cây mai, ông Thanh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không ít gia đình đã “đoạn tuyệt” với cây mai để chuyển sang nghề khác, còn ông Thanh vẫn nặng nợ với cây mai. Để giải quyết khó khăn, ông lặn lội đến những hộ trồng mai thành công để học hỏi kinh nghiệm, sau đó tham gia lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức. Có kinh nghiệm, có kiến thức mới vừa tiếp thu, ông hy vọng mình sẽ vực dậy được nghề trồng mai. Sau 5 năm gây dựng lại, vườn mai của ông bắt đầu cho thu nhập. Mỗi mùa tết, từ mai gia đình ông thu nhập 100 triệu đồng, bảo đảm cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Hiện vườn nhà ông có hơn 600 gốc mai lớn nhỏ, ông nói sẽ tiếp tục gieo giống và trồng nhân rộng.

Cách nhà ông Thanh khoảng cây số là hộ ông Trương Huỳnh Thành, chủ điểm câu cá Ba Te. Từng là một nông dân tay trắng nhưng với đức tính cần cù, chịu khó làm lụng trồng hoa màu trên phần đất thuê, ông Thành đã vươn lên thoát nghèo. Được tham gia các buổi học tập, tham quan mô hình, ông Thành đã mạnh dạn đầu tư thêm ao chăn nuôi cá, rồi chuyển sang dịch vụ câu cá giải trí hơn 10.000m2, mỗi tháng sau khi trừ chi phí ông có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Trong vai trò là cán bộ Chi hội Nông dân ấp, ông Thành còn thường xuyên thăm hỏi, theo dõi, quan sát, nắm bắt tình hình sâu bệnh trong trồng trọt, dịch bệnh trong chăn nuôi của bà con trong ấp để kịp thời khắc phục và báo cáo địa phương có biện pháp giải quyết.

Ông Lê Hiếu Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phước cho biết, thời gian qua, bà con nông dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Đầu năm toàn xã có 6 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh thì đến nay xã không còn hộ nghèo. “Trong thời gian tới, hội sẽ vận động quỹ hỗ trợ nông dân, xây dựng dự án sản xuất rau an toàn; đồng thời, tiếp tục phối hợp và chủ động tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh; vận động nông dân tham gia các lớp tập huấn và tham quan học tập mô hình, đồng thời biểu dương, nhân rộng điển hình trong phong trào, góp phần giúp bà con nông vươn lên trong cuộc sống”, ông Hiếu nói.

 K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=822
Quay lên trên