Nữ công nhân lao động thời hội nhập

Cập nhật: 19-10-2016 | 08:21:22

Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm thách thức đối với đội ngũ công nhân (CN), trong đó có nữ công nhân lao động (CNLĐ) khi thiếu tác phong trong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động kém, tay nghề chuyên môn chưa cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế... Để tự tin hội nhập, nữ CNLĐ phải chủ động học tập nâng cao trình độ tay nghề, biến áp lực thành động lực.

 Nữ CNLĐ Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An) trong giờ làm việc

 Học nữa, học mãi

Gia đình thuộc diện khó khăn của huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chị Bùi Thị Duyên (SN 1984), đến Bình Dương xin làm tại Công ty TNHH Công nghiệp TNHH Lama Việt Nam (TX.Tân Uyên). Sau 2 năm nỗ lực, chị được cân nhắc lên làm tổ trưởng. Chị chia sẻ: “Để có kết quả như hôm nay, bản thân tôi phải nỗ lực rất nhiều trong công việc. Mỗi lần công ty tổ chức thi nâng bậc tay nghề hay đào tạo chuyên sâu cho CN, tôi đều tham gia để rèn luyện tay nghề của mình cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm”.

Đã 3 năm liên tục được nhận danh hiệu “Công nhân xuất sắc” của công ty, nhưng chị Nguyễn Thanh Kiều (SN 1983), CN Công ty TNHH Rochdale Spears (TX.Thuận An) vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên. Chị kể, trước đây, học xong cấp II chị ở nhà phụ gia đình làm nông nên việc làm theo dây chuyền, tác phong công nghiệp thật sự xa lạ với chị. Sau đó, nhờ có chị em trong công ty dìu dắt và sự nỗ lực của bản thân, tay nghề của chị được nâng lên đáng kể. Chị tâm niệm, ngoài trình độ tay nghề, mình phải rèn luyện tác phong công nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong thời hội nhập. Trong quá trình làm việc, chị tích lũy kinh nghiệm để đưa ra nhiều sáng kiến tiết kiệm nguyên liệu, rút ngắn thời gian làm việc trong chuyền. Trong đó, sáng kiến cải tiến trong các mẫu sản phẩm có cắt veneer hoa văn của chị được khách hàng và Ban giám đốc công ty đánh giá cao. Với sáng kiến này, chị dùng bếp điện để nướng veneer, tạo ra màu veneer bị cháy tự nhiên.

Tự ý thức chủ động học tập, chị Nguyễn Thị Cúc (SN 1967), quê Quảng Nam từ một CN trở thành chuyền trưởng Công ty TNHH Poong In Vina (TX.Tân Uyên) với mức lương khá cao. Chị cho hay: “Trước đây, tôi làm CN vất vả hơn bây giờ, mức lương chỉ đủ sống chứ không có dư. Ý thức phải tự nâng cao tay nghề, hoàn thiện kỹ năng làm việc nên sau giờ làm việc tôi tranh thủ đi học nghề. Sau đó, tôi được cất nhắc lên vị trí chuyền trưởng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học tập nâng cao kiến thức cho bản thân, nhằm phục vụ công việc tốt hơn, tránh bị tụt hậu trong thời buổi hội nhập như hiện nay”.

Cần quan tâm tạo điều kiện

Bình Dương đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong cả nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, hàng trăm ngàn CNLĐ, trong đó có nữ CNLĐ có nhiều cơ hội tìm được việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng nữ CNLĐ ở Bình Dương, nếu họ không tự học tập nâng cao tay nghề sẽ trở nên tụt hậu, mãi mãi “dậm chân tại chỗ”. Vì thế, giúp nữ CNLĐ vững tin bước trên “con đường” hội nhập, ngoài nỗ lực của bản thân, họ rất cần trợ lực. Theo đa số nữ CNLĐ, họ cũng muốn đi học nhưng trình độ học vấn thấp khó có thể học lên cao. Mặt khác, cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày cũng đè nặng đôi vai khiến chị em ít để tâm đến chuyện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ…

Xuất phát từ thực tiễn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để CN hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua tuyên truyền đã giúp đội ngũ CN, trong đó có nữ CNLĐ nâng cao được tính kỷ luật, tác phong trong công việc cũng được nâng lên rõ rệt. LĐLĐ tỉnh cũng vận động doanh nghiệp tạo mọi điều kiện để CNLĐ học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ… Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh, cho biết đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là việc thực hiện Hiệp định TPP, đòi hỏi mỗi CN, nhất là nữ CNLĐ cần nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật, từ đó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân; nâng cao được tính kỷ luật, tác phong lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động, tự học hỏi nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ để có công việc tốt, mức lương cao, giữ được công việc của mình.

 Toàn tỉnh hiện đã có 3.039 công đoàn cơ sở với trên 641.000 đoàn viên công đoàn, trong đó có 1.734 công đoàn cơ sở thành lập Ban Nữ công. Ban Nữ công sẽ bảo vệ quyền lợi cho nữ CNLĐ; đồng thời bằng những việc làm thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho nữ CNLĐ. Bình Dương hiện thu hút gần 1 triệu lao động ngoại tỉnh đến sinh sống làm việc, trong đó nữ CNLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp chiếm trên 60%. Trong quá trình lao động sản xuất, rất nhiều nữ CNLĐ đã nỗ lực học tập nâng cao tay nghề, đưa ra những sáng kiến hữu ích làm lợi cho doanh nghiệp, từ đó hàng năm số điển hình nữ CNLĐ đều tăng.

 THIÊN LÝ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên