Nữ luật sư tâm huyết với công tác tuyên truyền pháp luật

Cập nhật: 09-03-2016 | 10:40:47

Từng giữ nhiều chức vụ trong Đoàn Luật sư tỉnh, thành viên của Ban chấp hành Hội Luật gia, luật sư Hoàng Thị Ngọc Thủy luôn tích cực tham gia công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật đến đối tượng là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.

 Luật sư Hoàng Thị Ngọc Thủy nghiên cứu rất kỹ tài liệu trước khi tham gia tuyên truyền, giảng dạy

Tình yêu với công tác tuyên truyền pháp luật không bao giờ suy giảm trong vị luật sư này.Với tư cách là Báo cáo viên cấp tỉnh, bà Thủy thường phối hợp với các đơn vị, sở, ngành thực hiện nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhiều đối tượng. Có khi bà đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho nông dân; có lúc kết hợp với Hội LHPN tỉnh tuyên truyền pháp luật cho đối tượng là chị em phụ nữ, khi khác lại “Đưa pháp luật đến với nhà trường”…

“Tôi vẫn nhớ cảm giác tuyên truyền pháp luật cho công nhân ngay giữa lô cao su. Giữa trời đất bao la, báo cáo viên và cả người nghe đều không có cảm giác gò bó như khi đứng giữa bốn bức tường. Rồi khi về vùng sâu, vùng xa tư vấn cho người dân, trời mưa, đường tối nhưng họ vẫn có mặt đầy đủ và chăm chú lắng nghe. Buổi tuyên truyền trôi qua rất nhanh trong cảm giác luyến tiếc, bịn rịn của bà con. Cảm giác hạnh phúc của tôi lúc đó đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn”, bà Thủy tâm sự.

Với thói quen cẩn trọng, để có một bài giảng, thuyết trình hay báo cáo chừng vài tiếng, đôi khi bà Thủy phải tập trung nhiều ngày để nghiên cứu tư liệu. Có đêm bà phải thức trắng soạn giáo án và báo cáo. Theo bà, các văn bản luật luôn khô cứng, vì vậy để có một bài giảng thật sự sinh động, thu hút người nghe thì khâu nghiên cứu tâm lý đối tượng tuyên truyền vô cùng quan trọng. Đối với từng đối tượng học viên thì bài giảng sẽ được soạn phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, tràn lan. Những ví dụ đưa ra phải sinh động, thiết thực, dí dỏm và gần gũi với người nghe. Vì vậy trong nhiều lần tuyên truyền, bà thường kể những câu chuyện ngắn hài hước khiến cả hội trường cười ồ lên, ai nấy đều tỏ ra rất thích thú. Kết thúc những buổi báo cáo, nhiều học viên còn chủ động nhờ bà tư vấn thêm về kiến thức pháp luật. Chưa kể, nhiều chị em sau khi học xong lại lên gặp báo cáo viên tâm sự về đời sống hôn nhân và tư vấn về Luật Hôn nhân - gia đình. Những lần như vậy, bà lại chăm chú lắng nghe những câu chuyện đời của họ, từ đó đưa ra những lời khuyên thiết thực, hợp tình, hợp lý.

Nữ luật sư này chia sẻ: “Do là luật sư, thường xuyên cọ xát với các vấn đề tranh tụng pháp lý nên tôi có những câu chuyện thật, ví dụ về người thật việc thật để áp dụng vào công việc báo cáo viên. Điều này cũng là một yếu tố thuận lợi cho tôi trong công tác tuyên truyền”. Với bà, tuyên truyền pháp luật là một công việc bà đã chọn và sẽ hết mình với nó.

 “Các văn bản luật luôn khô cứng, vì vậy để có một bài giảng thật sự sinh động, thu hút người nghe thì khâu nghiên cứu tâm lý đối tượng tuyên truyền vô cùng quan trọng. Đối với từng đối tượng học viên thì bài giảng sẽ được soạn phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, tràn lan. Những ví dụ đưa ra phải sinh động, thiết thực, dí dỏm và gần gũi với người nghe”, bà Hoàng Thị Ngọc Thủy nói về kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật của mình.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên