Nước Nga, xa mà gần

Cập nhật: 05-11-2013 | 00:00:00

Bài 2: Hành trang của cuộc đời

> Bài 1: Kỷ niệm về xứ sở Bạch Dương

Khi đất nước cần đến, những con người đủ trí tài, đủ khả năng tiếp thu tri thức ở nước Nga, từ những người bạn Nga chân tình đã lên đường đến nước bạn. Những gì họ được học đã, đang và sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Học ở người Nga nhiều điều tốt đẹp

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhưng nước Nga vẫn là “người bạn” thân tình, luôn giúp đỡ những du học sinh Việt Nam bằng tình cảm chân thành nhất. Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay luôn thu hút nhiều học sinh Việt Nam đến học tập, tiếp thu những thành tựu về tri thức đồ sộ mà nước bạn đang có để về phụng sự đất nước. Trên đất Bình Dương, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ông Võ Ký là điển hình; sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, có các ông Bùi Hữu Phong, Nguyễn Huỳnh Đình và mới về nước cách đây không lâu là thạc sĩ hóa học Nguyễn Hồng Nghĩa… Kết quả của những năm tháng miệt mài học tập ở xử sở Bạch Dương hôm nay là những đóng góp to lớn khó có thể kể hết.

Với ông Võ Ký, một người rất quen thuộc với các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sông Bé trước đây và tỉnh Bình Dương ngày nay. Sau khi học tập ở Liên Xô về, ông Ký được giao các nhiệm vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền tỉnh Sông Bé, như Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, rồi Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy Sông Bé… Ông cũng là một trong những người giữ chức vụ quan trọng trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi đất nước còn đang tập trung kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh Nguyễn Hồng Nghĩa (bên trái) thường xuyên đưa ra sáng kiến hiệu quả cao học được từ Nga áp dụng vào thực tế tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mang dáng dấp kiểu Nga trên đường 30-4, phường Phú Hòa (TP.TDM), ông Ký khoan thai, niềm nở trong từng lời nói. Ông nhớ lại, năm 1961, ông được Đảng và Nhà nước cử sang học ở Liên Xô, cụ thể là học ở trường Đại học Tài chính Mátxcơva. Đây là thời gian nhiều biến cố chính trị trên toàn thế giới, chủ nghĩa xét lại trùm lên bầu không khí tại Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Xô Viết và cả tư tưởng giới du học sinh của hơn 100 quốc gia đang theo học ở đây. Nhưng người Việt Nam học ở đây vẫn vững vàng tư tưởng. Tư tưởng của các du học sinh Việt Nam càng vững vàng hơn khi được gặp Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn sang dự đại hội, nhân tiện gặp gỡ giới du học sinh ở đây. Thật bất ngờ và may mắn vì được gặp Bác ở nơi xứ người và cũng thật đúng lúc. “Trong buổi gặp gỡ tại Mátxcơva giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với du học sinh Việt Nam nhân dịp Bác dự đại hội này, chỉ bằng một câu nói của Bác: “Các chú cứ học, lo học, chuyện nhà đã có Bác lo” đã sưởi ấm lòng những du học sinh ở xứ lạnh này. Chúng tôi học ở người Nga rất nhiều điều, họ là những người rất thông minh và rất trung thực. Không có lý do gì chúng tôi bỏ qua cơ hội; từ mô hình quản lý kinh tế cho đến lối sống hàng ngày họ quá toàn diện”, ông Ký kể.

Trở về nước, ông Ký được làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông cùng nhiều du học sinh khác về nước tham mưu vận dụng kiểu quản lý kinh tế của bạn. Mô hình quản lý kinh tế tập trung, kế hoạch tuy có những hạn chế nhất định, song điều chúng ta không thể phủ nhận là chính mô hình kinh tế này đã đem đến một khối lượng của cải khổng lồ trong một thời gian ngắn nhất, đủ cho đất nước vượt qua những lúc khó khăn nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Chính mô hình ấy đã xây dựng được những con người xã hội chủ nghĩa chân chính thật sự. Ở đó họ làm việc hết mình và sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho đất nước không màng đến lợi danh.

Góp phần mình xây dựng quê hương

Còn ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, từng du học ở Liên Xô cũng đã cố gắng vận dụng những đức tính tốt đẹp của người Nga vào công việc của mình. Nhờ vậy, mà cung cách làm việc của ngành đã có nhiều thay đổi. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng ngàn lượt công nhân đến làm các thủ tục liên quan đến các chế độ, chứng từ bảo hiểm được một ê kíp của ngành giải quyết rốt ráo, thỏa đáng. “Tôi học được người Nga ở chỗ họ làm việc bằng kế hoạch, bằng mục tiêu, bằng hiệu quả cao. Kế hoạch, mục tiêu đề ra có tầm nhìn xa và xác suất rất cao. Bảo hiểm Xã hội dù không áp dụng nguyên xi mô hình của các bạn Nga nhưng bản chất, cách làm hiệu quả của họ đã giúp cho hàng ngàn công nhân làm việc tại Bình Dương đủ yên tâm với các chế độ”, ông Phong nói.

Điều chúng tôi rất ấn tượng ở cách làm việc, giải quyết vấn đề ở ông Phong là ông không chỉ lấy hiệu quả công việc làm mục tiêu cao nhất, mà lấy mức độ hài lòng với khách làm thước đo khả năng làm việc của mình. Bởi thế, một nụ cười tự nhiên, sâu lắng của ông đã tạo một cuộc trò chuyện hôm nay trở nên gần gũi, đầy ắp những thông tin mà chúng tôi cần có. Trong căn phòng của ông Phong, những vật dụng cần thiết đều được bố trí gọn gàng, hợp lý. Một hộp bút bi vừa tay với, một cuốn lịch bàn vừa đủ tầm nhìn, một cặp sơ mi hồ sơ với mức độ cần thiết bố trí bằng khoảng không gian khác nhau. Tất cả đều tươm tất, có thể sử dụng hợp lý nhất mà không cần mất thời gian xoay trở. “Nếu mất thời gian tìm một tập hồ sơ, các bạn công nhân phải chờ đợi bên ngoài, bản thân mình phải hiểu điều đó. Do vậy, phải biết cách bài trí bàn làm việc. Không chỉ vậy, Bảo hiểm xã hội là cơ quan có nhiều không gian dành cho cầu thang nhất, cầu thang rất rộng. Có như thế người làm việc mới cảm thấy an tâm, thấy mình an toàn nhất, tâm mình mới tập trung nhất. Đó là những gì tôi học được ở người Nga”, ông Phong chia sẻ.

Không như những bậc tiền bối đi trước, với anh Nguyễn Hồng Nghĩa sang du học ở Nga từ năm 2001 đến năm 2008, với chuyên ngành hóa học, một ngành khoa học cơ bản đang rất mạnh tại Nga. Hiện anh đang giữ chức vụ Trợ lý kỹ thuật cho Xí nghiệp chế biến thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Với những kiến thức tiếp thu được, anh đã từng bước giúp công ty có được quy trình sản xuất hợp lý giảm nguyên vật liệu và hạn chế ô nhiễm môi trường hiệu quả nhất.

Hành trang kiến thức tiếp thu được từ nước Nga đã và đang được những du học sinh Bình Dương áp dụng, để lại nhiều dấu ấn trong quá trình đi lên của Bình Dương hôm nay.

Bài 3: Dấu ấn tình hữu nghị

HÒA NHÂN – TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên