Nước Nga, xa mà gần

Cập nhật: 06-11-2013 | 00:00:00

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành có mối quan hệ thắm tình hữu nghị với các đối tác Nga trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo. Riêng trường Đại học Bình Dương (ĐHBD) đã liên kết, hợp tác đào tạo và có mối quan hệ khá sâu đậm với các trường đại học của Nga, đặc biệt là Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Liên bang Nga.

Thắm đượm nghĩa tình

 Người góp phần tạo lập mối quan hệ bền chặt với các cơ quan giáo dục, khoa học của Nga tại Bình Dương chính là Viện sĩ - Tiến sĩ (VS-TS) Cao Văn Phường, Hiệu trưởng trường ĐHBD. Vào những năm tháng tu nghiệp tại nước Nga, thầy đã được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến của Nga. Chính quãng thời gian này đã vun đắp trong thầy tình yêu đất nước được xem như là quê hương thứ hai của mình. Tri thức, phong cách, lối sống của người Nga dường như đã thấm vào máu thịt của thầy. Cũng tại nơi đây, thầy có nhiều bạn bè quốc tế, những người bạn Nga và được mọi người yêu thương như những người anh em. Thầy Phường được tiếp nhận nền giáo dục cơ bản của Nga, nên tình yêu nước Nga ngày càng nảy nở theo năm tháng.Vào ngày 29-10-2008, trường ĐHBD và ĐH Saint Petersburg đã ký kết hợp tác đào tạo, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

 Khi trở về Việt Nam làm việc, công việc của thầy cũng liên quan đến con người, các thiết bị của Nga. Còn nhớ thời gian làm việc tại trường ĐH Cần Thơ, thông qua cầu nối của thầy nhà trường đã đưa các thiết bị nông nghiệp của Nga về cho nông dân Cần Thơ áp dụng vào sản xuất. Khi về trường ĐHBD, thật là tình cờ thầy Phường quen biết thêm nhiều thầy cô đã tốt nghiệp ở Nga đang công tác, giảng dạy nơi đây. Những tư tưởng đồng điệu đã gặp nhau, mối lương duyên với nước Nga thân yêu đã được khơi dậy.

Thắt chặt tình hữu nghị

Từ năm 2005, trường ĐHBD đã có những hoạt động nhằm tạo mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga và các trường ĐH của Nga. Đầu tiên là Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (KHCN) Liên bang đã đến thăm trường, nhân chuyến làm việc tại Việt Nam. Đoàn thứ 2 là trường ĐH Saint Petersburg. Đoàn đã đến thăm nhiều trường ĐH trong nước. Khi đến ĐHBD, được tiếp xúc với nhiều cán bộ, giảng viên đã từng có thời gian học tập và làm việc tại Nga và họ quyết định chọn ĐHBD là nơi để hợp tác. Vào ngày 29-10-2008, 2 trường đã ký kết hợp tác đào tạo, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc bấy giờ. Tiếp sau đó trường đã cử đoàn cán bộ giảng viên sang ĐH Saint Petersburg bàn bạn các chương trình hợp tác giảng dạy với trường bạn. Cũng từ đây, Trung tâm Việt - Nga đã ra đời, tạo ra mối quan hệ hợp tác về giáo dục và trao đổi sinh viên giữa 2 trường; chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các thành tựu khoa học của Nga. Thầy Trịnh Lương Quang, Giám đốc Trung tâm Việt - Nga cho biết, từ năm 2007 đến nay có khoảng 10 đoàn của Nga sang giảng các đề tài có tính chất cấp bách trong y học, tin học, quản trị kinh doanh, điện tử, tự động hóa… tổ chức các hội thảo về đổi mới giáo dục. Năm 2010, trường ĐHBD đã tổ chức hội thảo “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH”, có nhiều nhà khoa học Nga tham gia và có những đóng góp quý báu cho hội thảo này.

Điểm nhấn cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa trường ĐHBD và Cộng hòa Liên bang Nga là thành lập chi nhánh Viện Hàn lâm KHCN Liên bang Nga đặt tại trường ĐHBD. Giữa hai bên cùng hợp tác thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao KHCN. Chuyến thăm của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Liên bang Nga, ông YU-V.Gulyaev vào đầu tháng 10-2010 đã để lại dấu ấn không thể quên đối với trường ĐHBD. Một vinh dự vô cùng lớn lao đối với nhà trường, Hiệu trưởng Cao Văn Phường đã được viện phong tặng chức danh viện sĩ. Đây là người Việt Nam đầu tiên được phong tặng chức danh này vì những đóng góp của thầy Phường trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt - Nga. Cũng trong thời điểm này, thầy Phường vinh dự được trao tặng huân chương vàng toán học Kendysh. Từ thời khắc này, mối quan hệ hợp tác Việt - Nga đã mở sang trang mới.

VS-TS Cao Văn Phường: Nhiều năm qua, trường ĐHBD có mối quan hệ hợp tác với các cơ quan giáo dục, KHCN của Nga, đặc biệt là mối quan hệ bền chặt với Viện Hàn lâm KHCN Liên bang Nga. Giữa viện và trường tiếp tục triển khai các chương trình tại chi nhánh của viện tại Việt Nam về phát triển nghiên cứu KHCN: năng lượng, công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện - vô tuyến điện. Đặc biệt, về vật liệu mới, viện sẽ hỗ trợ và hợp tác với trường xây dựng một phân xưởng sản xuất vật liệu xây dựng.

Nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác với Nga, ngày 30-9- 2013 vừa qua, đoàn đại biểu trường ĐHBD đã đến thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Hàng loạt hoạt động đã diễn ra trong chuyến thăm này. Đoàn đã thăm và làm việc với Viện Hàn lâm KHCN Nga, gặp gỡ và làm việc với Viện Kỹ thuật vô tuyến và điện tử thuộc Viện Hàn lâm KHCN Liên bang Nga, làm việc với trường ĐH Mỏ địa chất Matxcơva Nga, gặp và trao đổi với Hội hữu nghị Nga - Việt. VS-TS Cao Văn Phường nhìn nhận, chuyến thăm và làm việc lần này thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN, đồng thời khẳng định vị thế của trường ĐHBD được bạn bè quốc tế tín nhiệm.

Thầy Trịnh Lương Quang cho rằng, năm nay trung tâm và trường đã mở ra quan hệ mới. Nhân chuyến thăm Nga vừa qua, đoàn đại biểu trường đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo trường ĐH quốc gia Belarus. Khi bàn bạc, hai bên đi đến thống nhất hợp tác đào tạo và thành lập chi nhánh trường ĐH dự bị của ĐH quốc gia Belarus trong khuôn viên trường ĐHBD. Như vậy, vào năm tới sinh viên Việt Nam sẽ được đào tạo theo chương trình giáo dục của Belarus. Có thể nói, lần đầu tiên đến Belarus, nhưng chất lượng đào tạo của đất nước này thì các thành viên trong đoàn đã nghe qua nhiều, phần lớn sinh viên tốt nghiệp tại đây là những sinh viên sáng giá. Theo viện sĩ Sergey Vladimirovich Ablameyko, Hiệu trưởng ĐH quốc gia Belarus, trường đã tính đến việc soạn giáo trình đặc biệt, phương án điện tử của giáo trình này đã sẵn sàng hoạt động.

ÁNH SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên