Nước thải, rác thải với yêu cầu phát triển bền vững

Cập nhật: 04-08-2017 | 08:05:33

Ngay từ ban đầu, tỉnh Bình Dương đã thực hiện “Trải thảm đỏ thu hút nhân tài” nhằm bảo đảm cho người dân cùng các nhà đầu tư gắn bó và phát triển lâu dài, bền vững. Ngoài việc không ngừng đổi mới, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu về giao thông đi lại, học tập, khám chữa bệnh, tỉnh Bình Dương còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề nước thải, rác thải, xử lý môi trường và sự phát triển bền vững.

 Kịp thời có chính sách hợp lý

Nhìn lại thời kỳ đầu mở cửa, do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, chỉ có một vài nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Dương tìm kiếm cơ hội làm ăn. Chỉ một thời gian ngắn đầu tư tại Bình Dương, các nhà đầu tư đã lớn mạnh, điển hình như các công ty giày Thái Bình, Hưng Thịnh, Unipresident… Đó là nhờ vào tính cầu thị của lãnh đạo tỉnh trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để kịp thời mở ra những chủ trương, chính sách hợp lý, trên tinh thần “Xem doanh nghiệp như đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý”.

Xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nước thải sinh hoạt sau xử lý tại Xí nghiệp xử lý nước thải Thủ Dầu Một. Ảnh: DUY CHÍ

Đến nay, Bình Dương đã có 28 khu, cụm công nghiệp, thu hút trên 31.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần đáng kể vào việc thu ngân sách quốc gia và phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Với số lượng khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp như nói trên đã kéo theo hàng trăm ngàn lao động cùng người thân, con em từ các nơi hội tụ về Bình Dương sinh sống, lao động, học tập và lập nghiệp. Thực tế này vừa tạo ra cơ hội phát triển kinh tế vừa là gánh nặng trong quản lý xã hội như kiến tạo hạ tầng, bảo vệ môi trường…

Chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo các địa phương đến học tập tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh cho biết, học tập Bình Dương về thành công trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế, các tỉnh cũng cần phải thấy được phía sau thành công đó là gánh nặng về hạ tầng, xử lý môi trường cùng các vấn đề xã hội khác. Mỗi năm, bình quân ở mỗi cấp học phát sinh một trường, lớp mới; tiếp theo là vấn đề khám chữa bệnh, giao thông đi lại. Đặc biệt là vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Đây là yêu cầu rất quan trọng góp phần bảo đảm đời sống dân cư cho sự phát triển bền vững.

Về lĩnh vực nước thải sinh hoạt

Nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, từ rất sớm các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã quan tâm đến công tác thu gom xử lý nước thải. Trong quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bắt buộc phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng biệt và phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường như đã được duyệt. Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm ở Bình Dương đã được kiểm soát tốt nhờ hệ thống quan trắc tự động của ngành tài nguyên - môi trường hoạt động 24/24 giờ tại các cửa xả thải và những điểm được quản lý, giám sát về môi trường.

Các địa phương phía nam của tỉnh gồm TX.Thuận An, TX.Dĩ An đang phát triển mạnh về dân cư đô thị và nhu cầu thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đã trở nên cấp thiết nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng và mỹ quan đô thị. Tiếp theo thành công của việc quản lý, thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã vận dụng mọi nguồn lực, chủ động tìm kiếm nhà tài trợ và công nghệ hiện đại, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Năm 2002, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh được đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Nam Bình Dương tại Văn bản số 370/CN-CP ngày 9-4-2002 với 7 nhà máy xử lý nước thải cùng hệ thống thu gom đồng bộ; diện tích thu gom trên 10.000 ha, công suất trên 100.000m3/ngày đêm.

Đến thời này, tỉnh Bình Dương đã triển khai được trên 70% kế hoạch dự án được Chính phủ phê duyệt. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo Quy chuẩn Việt Nam: QCVN 40:2011/BTNMT. Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ chất lượng nguồn nước các dòng sông chạy qua tỉnh Bình Dương, như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Việc làm này được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan khen ngợi là địa phương thực hiện tốt nhất chương trình bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai của quốc gia.

Song song với tốc độ phát triển đô thị mạnh ở phía nam và công nghiệp đang phát triển đồng bộ ở các địa phương phía bắc của tỉnh, các nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư đồng bộ từ những đô thị lớn có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp cho đến tận những nơi xa xôi. Kết quả này góp phần đáng kể cho việc cấp nước ở một số xã vùng ven đô thị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và xây dựng nông thôn mới.

Về lĩnh vực rác thải

Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và nóng, dân cư cơ học trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh, rác thải công nghiệp, sinh hoạt cũng phát sinh khối lượng lớn và nhanh chóng, việc tổ chức thu gom, quy hoạch khu vực xử lý là khâu nan giải. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm từ khu xử lý rác cũng không lường hết được, khiến địa phương lúng túng khi quy hoạch hoặc lựa chọn phương án xử lý. Đặc biệt, các địa phương cũng rất lo ngại khi khó tìm được nơi làm khu quy hoạch xây dựng khu xử lý rác, vì tình hình ô nhiễm ở bãi rác tại các địa phương đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng… Tuy nhiên, với quyết tâm cao và trách nhiệm với người dân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã cam kết sẽ xây dựng khu xử lý rất sạch, văn minh, an toàn và lời hứa này đã được thực hiện nghiêm túc.

Từ đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương ra đời với sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan. Công trình được đầu tư đáp ứng yêu cầu về tính khoa học và công nghệ, giải quyết tốt nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư và được triển khai rất khoa học, bài bản, tiếp nhận tất cả loại rác trên địa bàn, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, rác thải công nghiệp nguy hại, rác thải y tế….

Rác sau khi tiếp nhận được cân đo cẩn trọng và tổ chức xử lý khoa học với công nghệ tiên tiến và tái chế tối đa, hạn chế chôn lấp nhằm làm giảm hao phí đất đai cũng như tái ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Chẳng hạn như rác sinh hoạt được tái chế thành phân hữu cơ chất lượng cao được người tiêu dùng đón nhận tiêu thụ hết; loại rác nào không tái chế, sản xuất được thì tiếp tục ủ lấy khí mêtan để phát điện. Rác công nghiệp cũng được tái chế ra những vật liệu xây dựng như gạch Terano, gạch tự chèn chất lượng cao phục vụ lát vỉa hè, sân vườn, quảng trường…

Theo nhận xét của các bộ, ngành và tỉnh, thành bạn đến tham quan, nghiên cứu, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương là mẫu hình tiên tiến, khép kín, văn minh, rất phù hợp với điều kiện bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Để có được tiếng tốt về bảo vệ môi trường, đi song hành với phát triển kinh tế ở Bình Dương là một sự nỗ lực rất lớn của các cấp lãnh đạo, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong tỉnh; trong đó phải kể đến sự đóng góp trực tiếp về công sức, trì tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương - đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp về cung cấp nước sạch và xử lý môi trường của tỉnh.

 NGUYỀN VĂN THIỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên