Nuôi chim trĩ, nghề mới tại Bình Dương

Cập nhật: 06-03-2012 | 00:00:00

Công tác trong ngành giáo dục, sau khi nghỉ hưu ông Bùi Thanh Sơn (KP.Bình Minh 1, P.Dĩ An, TX.Dĩ An), trở về làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân KP.Bình Minh 1. Từ đây, ông bắt đầu tìm niềm vui từ vật nuôi, cây cảnh. Một lần tình cờ xem tivi thấy mô hình nuôi chim trĩ cho hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm và đã gặt hái nhiều thành công. Hiện nay, với mô hình “độc”, ông được Chi cục Kiểm lâm cấp phép, Hội Nông dân phường biểu dương gương sản xuất giỏi năm 2011.

 

Một lần xem trên tivi, nghe các chuyên gia hướng dẫn cách nuôi chim trĩ, “kết” ngay loài vật này bởi lông chúng khá đẹp, tiếng hót độc đáo. Được một người bạn tại tỉnh Hà Nam sang nhượng cho vài cặp, ông bắt tay vào nuôi thử nghiệm. Không những cẩn thận chăm sóc, ông còn sưu tầm tài liệu, sách báo để có thêm kinh nghiệm, nên chỉ sau thời gian ngắn chim trĩ bắt đầu đẻ trứng. Do đặc tính của chim trĩ không ấp trứng sau khi đẻ, nên ông trộn chung trứng trĩ với trứng gà cho gà ấp và tỷ lệ trứng nở khoảng 10%. Khi lượng trứng tăng lên, gà ấp không xuể, ông mua lò ấp trứng với mỗi lần ấp trên 200 trứng và đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để có thể chăm sóc tốt loài chim này. Bằng cách đó, tỷ lệ trứng nở cao hơn 30%, số lượng đàn chim trĩ của ông ngày càng tăng. Đến nay, tổng đàn trĩ đã lên đến 80 con. 

Ông Sơn bên trang trại nuôi chim trĩ của gia đình

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi chim trĩ thương phẩm, ông Sơn còn mạnh dạn nhân giống trĩ con để cung cấp ra thị trường. Thông thường, nuôi khoảng 8 tháng, trĩ mẹ bắt đầu đẻ, bình quân 70 - 80 trứng/năm. Hiện nay, trứng chim được bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/trứng, chim non trên 150.000 đồng/con. Riêng trĩ trưởng thành có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/cặp. Khách hàng của ông chủ yếu là những người chơi chim cảnh, các khu du lịch, vườn thú ở các tỉnh, thành lân cận. Để việc tiêu thụ loài chim này thuận lợi, ông Sơn đã làm thủ tục trình Chi cục Kiểm lâm và được cấp phép gây nuôi động vật hoang dã. Được biết, ngoài nuôi chim trĩ, ông Sơn hiện đang lai giống gà đông tảo và gà ta, để tạo nên giống gà mới cho năng suất và giá thành cao.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi trĩ, ông Sơn nói, để thực hiện được mô hình nuôi chim trĩ đầu tiên phải biết chọn giống, bởi việc nuôi chim trĩ ở thời kỳ còn nhỏ thường gặp một số khó khăn nhất định liên quan đến chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường, đặc biệt là khâu vận chuyển. Vì vậy, những người mới nuôi hoặc chưa có kinh nghiệm nuôi trĩ nên hạn chế việc đầu tư mua con giống nhỏ. Người mua nên chọn mua những con chim ở thời kỳ 3 - 5 tháng tuổi.

Với những thành công bước đầu, mô hình nuôi chim trĩ của ông được nhiều bà con nông dân tại địa phương và các huyện, thị, thậm chí các tỉnh lân cận tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Để có thể đạt hiệu quả kinh tế từ mô hình này, ông Sơn chia sẻ: “Nuôi chim trĩ dễ hơn nuôi gà và hiệu quả kinh tế cao hơn. Những hộ dân đang có xu hướng đầu tư nuôi chim trĩ cần chọn giống chim trĩ có nguồn gốc xuất xứ đáng tin cậy để có được những con giống tốt nhất, bảo đảm đàn trĩ phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ ổn định. Bởi vậy, để chọn mua con giống, bà con nên đến các cơ sở, trang trại, trung tâm cung cấp giống đã được cấp phép để mua”.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên