Ô nhiễm ở suối Bến Ván, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng: Bao giờ mới được xử lý?  

Cập nhật: 06-10-2015 | 09:51:33

Đi dọc suối Bến Ván qua khu vực ấp Hố Muông, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, chúng tôi không khỏi rùng mình trước dòng nước đen nghịt, nhầy nhụa, kèm theo đó là mùi hôi thối bốc lên đến ngạt thở. Người dân địa phương cho biết, khoảng 10 năm trước, bà con trong vùng còn ra suối tắm rửa, giặt đồ, nhưng nay không còn ai dám đưa chân xuống suối!   

Suối Bến Ván (đoạn chảy qua ấp Hố Muông, xã Long Nguyên) nay bị ô nhiễm nặng

Suối “chết”!

Ông Nguyễn Văn Trung, người đi thực địa dọc con suối với P.V tỏ ra bức xúc: “Với chúng tôi thì con suối này coi như đã “chết”. Ngày trước, có thể nói con suối Bến Ván mang lại hơi thở, nhịp sống cho bà con trong vùng. Hồi đó, khi chúng tôi đến vùng đất này lập nghiệp kinh tế còn khó khăn. Để cải thiện bữa ăn, chiều đến, người lớn thì ra suối cắm câu, tát cá; tụi nhỏ thì ra suối tắm giặt, nô đùa. Lúc đó cá ở suối nhiều lắm, mình siêng đi cắm câu là ăn không hết. Mỗi đêm có thể bắt từ 4 - 5kg cá trê, cá lóc. Bây giờ cả con suối không có loài cá gì sống nổi, bởi nguồn nước đã quá ô nhiễm. Thỉnh thoảng bà con bắt được một vài con lươn, nhưng nhốt cả tuần vẫn không hết mùi hôi trên cơ thể của chúng”.

Nhà ở sát mép suối nên gia đình chị Trần Thị Phê gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt. Để đối phó với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, căn nhà nhỏ của chị suốt ngày phải đóng kín cửa. Thời gian gần đây chị phải gửi đứa con nhỏ về nhà nội sinh sống, bởi cháu hay bị nôn ói khi ăn. Nếu ngày trước, khu vườn nhỏ của gia đình chị đầy ắp cây trái, rau xanh thì nay phải chuyển sang trồng tràm vì không có nước tưới. Nước suối quá ô nhiễm nên không thể dùng.

“Việc con suối Bến Ván ô nhiễm đã ảnh hưởng nặng đến đời sống sinh hoạt của bà con trong vùng. Không chỉ con tôi mà nhiều đứa trẻ, người già ở đây vẫn không chịu nổi mùi hôi thối của con suối. Trẻ em trong vùng hay bị nhức đầu, sổ mũi, nôn ói. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh việc ô nhiễm này lên chính quyền các cấp, nhưng con suối ô nhiễm ngày càng nặng”, chị Phê tâm sự.

Nguyên nhân?

Theo ông Nguyễn Văn Trung, suối Bến Ván chảy qua ấp Hố Muông, xã Long Nguyên là khu vực thượng nguồn của suối. Thủ phạm “bức tử” con suối này không ai khác ngoài những doanh nghiệp sản xuất mủ cao su, chăn nuôi heo đóng dọc triền suối như Công ty T.Đ, N.N, K.H... Bên cạnh đó, nhiều khu nhà trọ vẫn vô tư xả thẳng nước thải ra suối, góp phần ô nhiễm nặng. Ông Trung khẳng định: “Nguồn nước đen ngòm dưới con suối là do phân heo xả ra. Lớp nhầy nhụa, cặn bã bám đầy 2 bên mép suối là chất thải của phân heo và chất thải của mủ cao su. Mùi hôi thối khiến bà con trong khu vực “không thể thở nổi” là do chất thải của nhà máy sản xuất mủ cao su thải ra suối”.

Trong khi đó anh T.V.Q, một người dân địa phương từng làm bảo vệ trong các công ty, xí nghiệp đóng dọc triền suối Bến Ván, cho biết: “Rất nhiều công ty mà tôi từng làm việc đều có hệ thống xả thải ngầm ra suối. Có doanh nghiệp xây hệ thống xử lý nước thải khá hoành tráng, nhưng chỉ dùng để đối phó ngành chức năng, rất ít khi cho hệ thống này hoạt động vì sợ tốn kém”.

Cũng vì các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn vô tư xả chất thải ra suối, nên suối Bến Ván mới ô nhiễm ngày càng nặng. Ông Nguyễn Văn Trung cho biết: “Cả khu vực dân cư quanh đây hiện đã bị ô nhiễm đến mạch nước ngầm. Bây giờ chúng tôi phải khoan giếng sâu trên 70m thì mới sử dụng được. Những giếng khoan ở mức 35m như trước đây đã có mùi hôi trong nước.

Trao đổi với P.V về những bức xúc của bà con về việc ô nhiễm tại suối Bến Ván, ông Võ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên, cho biết: “UBND xã đã nhiều lần nhận được phản ánh của bà con ấp Hố Muông. Qua những lần đi thực tế tại suối Bến Ván, chúng tôi ghi nhận việc ô nhiễm của suối ngày càng nặng. Cái khó cho chúng tôi là con suối này chảy qua phần đất xã Long Nguyên, nhưng các doanh nghiệp gây ô nhiễm dọc triền suối lại trú đóng trên phần đất của xã Lai Uyên. Vì thế, muốn kiểm tra, nhắc nhở gì chúng tôi cũng không làm được. UBND xã đã báo việc này lên chính quyền các cấp, mong tình trạng ô nhiễm sớm khắc phục, trả lại môi trường sống trong lành cho bà con trong vùng”.

 Mới đây, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2015 của huyện Bàu Bàng, ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết: “Hiện suối Bến Ván ô nhiễm nặng. Trên địa bàn huyện hiện có 12 doanh nghiệp trú đóng dọc triền suối Bến Ván, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mủ, chăn nuôi… Trong đó, có 6 doanh nghiệp do huyện quản lý và 6 doanh nghiệp do tỉnh quản lý. Thời gian qua, huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các doanh nghiệp này 6 tháng/lần. Cái khó là khi lập đoàn kiểm tra, huyện phải báo trước cho các doanh nghiệp từ 3 - 4 ngày. Đối với các doanh nghiệp do tỉnh quản lý, huyện Bàu Bàng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên với các doanh nghiệp này”.

Làm việc với lãnh đạo huyện Bàu Bàng, ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến mủ nên khó xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn, cần phải có lộ trình. Ông Danh đề nghị cán bộ môi trường huyện phải thường xuyên kiểm tra, báo cáo mức độ ô nhiễm để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.


 QUẢNG ĐIỀN - THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên