Ở yên tại chỗ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng

Cập nhật: 02-08-2021 | 16:14:22

(BDO) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động (CNLĐ) ở tại chỗ để thuận lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Cán bộ Công đoàn tỉnh Bình Dương đến tận khu trọ để tặng nhu yếu phẩm cho công nhân

“Ai ở đâu ở yên đấy”

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH Long Yi (KCN Mỹ Phước 2), cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, xuất hiện những ca nhiễm bệnh ở trong nhiều công ty, do vậy ngày 17-7, công ty đã quyết định cho toàn bộ người lao động tạm nghỉ việc được hưởng nguyên lương tối thiểu vùng (4.420.000 đồng) để phòng dịch. Căn cứ vào tình hình dịch công ty sẽ sớm có thông báo ngày đi làm việc lại.

Hiện tại, Công ty Long Yi có hơn hơn 3000 công nhân, đa phần đều ở miền Bắc, một số ở miền Trung và một số ít ở miền Tây. Ông Nguyễn Đình Trọng, chia sẻ: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công đoàn cơ sở công ty thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở anh chị em CNLĐ "đang ở đâu ở yên đó", không nên di chuyển đến nơi khác hoặc về quê lúc này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe cũng như đời sống của CNLĐ thông qua các nhóm Zalo của các tổ sản xuất trong toàn công ty để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ.

Qua tuyên truyền, vận động đến nay, tất cả CNLĐ công ty luôn tuân thủ tốt các biện pháp phòng chống dịch tại nơi ở và chưa có trường hợp nào về quê. Anh anh Lê Phi Anh, CN sản xuất, công ty TNHH Long Yi, chia sẻ: Quan điểm cá nhân của tôi là nếu anh chị em CN, lao động ở các tỉnh đang có dịch Covid-19 thì không nên về quê lúc này, vì nếu chẳng may khi về quê phải cách ly thì sẽ gặp nhiều khó khăn, và có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nệnh cho người thân trong gia đình và cộng động. Do Vậy dù đang trong thời gian công ty cho nghỉ làm để phòng dịch, tôi vẫn chọn việc ở yên một chỗ hạn chế đi lại nhiều để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.

Tại Công ty TNHH Tombow (KCN Việt Nam-Singapore 1, VSIP), ngay sau khi nhận được thông báo báo về vận động CNLĐ “ai ở  đâu ở yên đấy”, Công đoàn cơ sở công ty đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp CN ở yên nơi ở hiện tại và không di chuyển đến nơi khác hoặc về quê gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời còn thông qua mạng xã hội để tuyên truyền,vận động thường xuyến tới CN. Bà Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Tombow, cho biết, để vừa phòng dịch vừa sản xuất hiệu quả, ngày 18-7, Ban Giám đốc công ty đã quyết định triển khai phương án "3 tại chỗ". Sau khi Công đoàn công ty tuyên truyền, vận động, hiểu được thành ý của Ban Giám đốc nên hơn nửa CNLĐ ủng hộ tự nguyện đăng ký ở lại. Trước khi cho CNLĐ vào ở, công ty tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho tất cả CNLĐ, liên tục 3 lần trong tuần đầu tiên, sau đó việc tổ chức xét nghiệm được công ty duy trì định kỳ trong tuần.

Những CNLĐ đăng ký ở lại, ngoài 3 bữa ăn miễn phí, công ty còn hỗ trợ 100 ngàn đồng/ người trong suốt thời gian ở lại lưu trú trong công ty. Bà Đinh Thị Thoa, chia sẻ: Để CN yên tâm ở nhà phòng dịch, với những CN không đi làm “3 tại chỗ” được công ty cho trợ cấp 170 ngàn đồng/ngày (cho 14 ngày đầu tiên). Đồng thời, Công đoàn cơ sở công ty thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở CNLĐ chấp hành nghiêm các biện pháp cũng như những quy định về phòng chống dịch tại nơi ở thông qua nhóm Zalo. Đặc biệt, nhắc nhở và vận động CNLĐ tuyệt đối không được di chuyển khỏi tỉnh, địa phương nơi cư trú từ ngày 31-7-2021 cho tới khi hết giãn cách theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy”. Đến nay, tất cả CNLĐ công ty đang thực hiện tốt những quy định về phòng,chống dịch.

Không để công nhân đơn độc

Bà Đặng Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP, cho biết Công đoàn VSIP đã thông tin và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống, dịch bệnh Covid-19 trong người lao động tại công ty. Đặc biệt thường xuyên vận động, nhắc nhở đoàn viên, người lao động tuyệt đối không được di chuyển khỏi tỉnh, địa phương nơi cư trú từ ngày 31-7 cho tới khi hết giãn cách theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy” bằng nhiều hình thức, trực tiếp, qua mạng xã hội (Facebook, Nhóm Zalo, Email...). Đồng thời, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tiếp tục rà soát những trường hợp đoàn viên, CNLĐ hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở các khu vực bị phong tỏa, cách ly để Công đoàn VSIP kịp thời hỗ trợ, chăm lo.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã và đang quản lý chặt chẽ người dân trên địa bàn và sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp ra khỏi nhà, nơi cư trú không có lý do chính đáng hoặc tự ý bỏ về quê, tổ chức về quê mà không được cơ quan chức năng cho phép, bên cạnh đó được biết các tỉnh cũng sẽ không tiếp nhận công dân về quê một cách tự phát. Bằng mọi nguồn lực, chính quyền và các đoàn thể tỉnh Bình Dương đã và đang có những kế hoạch cụ thể chăm lo cho người dân, người lao động ở lợi Bình Dương. Đồng thời tiếp tục tiến hành việc tiêm vắc xin cho nhân dân, CNLĐ để nhanh khống chế dịch bệnh, ổn định việc làm.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chia sẻ: Tỉnh vừa ban hành chính sách, chế độ cho người lao động (bao gồm cả lao động tạm trú) về tiêm vắc xin, hỗ trợ một phần tiền nhà trọ và lương thực, thực phẩm cho công nhân, lao động đang có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Đây là sự quan tâm sâu sắc của tỉnh Bình Dương đối với đội ngũ CNLĐ. Do vậy, mong các anh chị em CNLĐ hãy an tâm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ "ai ở đâu ở đấy". Khi có văn bản hương dẫn, LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ thông tin chi tiết đến các anh chị em CNLĐ.

Tính đến ngày 31-7, LĐLĐ tỉnh đã khảo sát và tiến hành chi hỗ trợ hàng trăm đoàn viên, CNLĐ bị F0, F1 và  bị cách ly tập trung hoặc sống tại các khu vực phong tỏa, đồng thời nỗ lực vận động nhiều nơi để trao tặng hàng tấn nhu yếu phẩm, gạo, mì gói, trái cây, rau củ quả... tiếp tế cho những CNLĐ tại các khu nhà trọ, khu lưu trú tạm thời, mất thu nhập do dịch bệnh. Trong đó, đã chi hỗ trợ cho gần 4.500 trường hợp với tổng số tiền gần 5,6 tỉ đồng đồng.

Đồng thời, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 83 đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch với tổng số tiền gần 2,6 tỉ đồng (trong đó, chi từ ngân sách Công đoàn gần 1,3 tỉ đồng và từ nguồn vận động xã hội hóa gần 1,3 tỉ đồng, với nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời hỗ trợ các khu cách ly và những địa phương có khu vực đang phong tỏa). Tổng chi hỗ trợ gần 8,2 tỉ đồng, trong đó chi từ nguồn ngân sách Công đoàn hơn 6,8 tỉ đồng.

Đỗ Trọng

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên