Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tuyên truyền pháp luật lao động để tạo mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động

Cập nhật: 06-04-2016 | 08:22:55

Nhằm giúp người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) hiểu biết về pháp luật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã triển khai Đề án 31 về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

 Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn an toàn lao động cho NLĐ tại các DN (một trong những nội dung trong Đề án 31 được triển khai thực hiện)

 - Ông vui lòng cho biết mục tiêu của đề án trên là gì?

- Đề án 31 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1569/QĐ- UBND ngày 27-6-2013 về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Mục tiêu của đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, cũng như pháp luật lao động nói riêng đối với NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của DN và NLĐ, cùng nhau thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong DN, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong DN, ổn định xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

- Vì sao phải xây dựng đề án, thưa ông?

- Kinh tế phát triển, nên phần lớn NLĐ làm việc tại Bình Dương là lao động ngoại tỉnh. Trình độ học vấn, hiểu biết về chính sách pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của NLĐ còn hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận NSDLĐ chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật, chưa tạo điều kiện về thời gian, cán bộ nhân sự và NLĐ tham dự các buổi tuyên truyền phổ biến, tiếp cận pháp luật chưa tốt. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, thường xuyên thay đổi, bổ sung, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chưa được kịp thời. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa hấp dẫn, phong phú, vẫn còn mang tính hình thức...

Chính vì thế, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương” ra đời thực sự phù hợp với giai đoạn hiện nay. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH và các tiểu đề án tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và chính sách pháp luật như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… đến NLĐ và NSDLĐ để họ được tiếp cận về pháp luật lao động, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và DN.

- Kế hoạch thực hiện đề án như thế nào?

- Căn cứ các nội dung đề án, Thường trực Ban chỉ đạo đề án (Sở LĐ-TB&XH) đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 806/KH-BCĐĐA ngày 24-3-2016; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện phù hợp với đối tượng của ngành, đơn vị, các huyện, thị, thành phố kịp thời triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, như truyền thông đại chúng và tổ chức in ấn tờ rơi, bản tin có nội dung về pháp luật lao động để tuyên truyền cho các DN.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tập thể, cá nhân lợi dụng NLĐ thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật lao động để kích động, tụ tập lôi kéo NLĐ ngừng việc, đình công không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN, gây mất trật tự an ninh xã hội trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh...

- Ông có thể cho biết hiệu quả khi đề án đi vào hiện thực?

- Phải nói rằng đến nay, Đề án 31 đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, trước hết là pháp luật lao động và các quy định có liên quan tới hoạt động của DN và quyền, nghĩa vụ công dân cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên; thực hiện tốt hơn chính sách và pháp luật của Nhà nước; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN, góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án, cũng nhằm tăng cường và xây dựng lực lượng cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở, tại DN. Đồng thời, khuyến khích sự chủ động và trách nhiệm tham gia của DN trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điều đó sẽ tạo điều kiện để bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các DN, góp phần tăng cường hơn nữa sự phối hợp và trách nhiệm giữa cơ quan Nhà nước, NLĐ và NSDLĐ.

- Xin cảm ơn ông!

 

 THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên