Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng xây dựng thành phố thông minh”

Cập nhật: 18-12-2018 | 08:50:32

Là địa phương luôn đi tiên phong trong việc phát triển công nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chính quyền điện tử của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh nhằm phục tốt cho người dân và doanh nghiệp (DN). Phóng viên (P.V) Báo Bình Dương đã có buổi gặp gỡ trao đổi với ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Bình Dương.

 

P.V: Thưa ông, tại Bình Dương, định hướng xây dựng chính quyền điện tử đã dần chuyển thành định hướng xây dựng thành phố thông minh. Xin ông cho biết những thành tựu ứng dụng CNTT tại tỉnh ta?

Ông Lai Xuân Thành: Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang xây dựng chính quyền điện tử, làm nền tảng để phát triển thành phố thông minh trong tương lai. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND và quá trình chung vai, sát cánh cùng phát triển ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền điện tử của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Đến nay cũng đã có những kết quả nhất định:

Về quy hoạch, khung kiến trúc: Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương đã được ban hành. Kiến trúc này là một thành tố quan trọng giúp định hình khung và kế hoạch để phát triển, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương trong tương lai.

Về hạ tầng kỹ thuật: Các dựán hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh cơ bản đã hoàn tất, chuẩn bị được cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi ngày càng cao của việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan đơn vị. Song song đó, thông qua các dự án, toàn bộ hệ thống thông tin trong tòa nhà Trung tâm Hành chính và kết nối nội bộ giữa các cơ quan đã được Sở Thông tin và Truyền thông hoạch định, cấu hình lại nhằm bảo đảm an toàn thông tin. Hệ thống wifi chuyên dùng trong tòa nhà Trung tâm Hành chính cũng được hoàn thiện theo hướng mở rộng về mặt kết nối, tốc độ và độ phủ sóng nhằm phục vụ tốt hơn cho đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh

Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân tại các sở, ngành: Hiện nay đã triển khai đưa vào vận hành Cổng dịch vụ hành chính công và phần mềm một cửa điện tử tại các sở ngành và UBND cấp huyện và Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Thông qua các phần mềm này sẽ giúp người dân, DN thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch với cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp các Kiosk, tổng đài tra cứu, tra cứu online... để giúp người dân tra cứu tình trạng hồ sơ.

Song song đó, tỉnh cũng đang thành lập đường dây nóng giúp giải đáp thắc mắc người dân trên nhiều lĩnh vực. Đây là tiền đề để phát triển và xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh trong tương lai.

P.V: Tỉnh Bình Dương rất quan tâm việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN. Xin ông cho biết tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và giải pháp để thông tin rộng rãi để người dân biết sử dụng, cũng như hình thức khuyến khích, tạo thuận lợi, tạo niềm tin trong nhân dân khi sử dụng DVCTT?

Ông Lai Xuân Thành: Trong những năm qua, công tác hiện đại hóa triển khai ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh đã được đẩy mạnh, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm được thông suốt, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc cung cấp thông tin, DVCTT cho người dân và DN được thực hiện công khai, nhanh chóng và kịp thời.

Việc cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính quyền điện tử. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ (DVCTT mức độ 3). Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (DVCTT mức độ 4).

Khi sử dụng DVCTT người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền. Ngoài ra, người dân còn biết được hồ sơ đăng ký của mình đang ở khâu nào trong quy trình xử lý. Ngày gửi hồ sơ, hồ sơ gửi đã đúng chưa, loại hồ sơ cần bổ sung (nếu thiếu), ngày nhận kết quả... được hiển thị minh bạch rõ ràng.

Việc tuyên truyền, hỗ trợ sử dụng DVCTT chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên dẫn đến việc triển khai DVCTT vẫn còn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của DVCTT vẫn còn hạn chế dẫn đến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận DVCTT. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và DN về lợi ích của việc nộp hồ sơ qua DVCTT, dịch vụ bưu chính công ích, từ đó khuyến khích cá nhân và DN sử dụng dịch vụ trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVCTT của tỉnh qua môi trường mạng.

Thường xuyên phối hợp với cơ quan báo, đài cung cấp thông tin về công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung tuyên truyền về DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

P.V: Vấn đề nhân lực cho CNTT là vấn đề đau đầu chung của cả nước, càng đặc biệt quan trọng đối với Bình Dương khi đang trên lộ trình triển khai Đề án thành phố Bình Dương thông minh sẽ gắn liền với hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu rất cao của lộ trình này?

Ông Lai Xuân Thành: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn luôn coi trọng và quan tâm thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT. Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xong Dự án bảo đảm nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2017, sau 5 năm triển khai, Dự án đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tích lũy được nhiều kiến thức cơ bản về CNTT, phục vụ hiệu quả cho việc triển khai ứng dụng tại đơn vị mình đang công tác. Hiện nay, sở đang tiếp tục tham mưu thực hiện Dự án nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2020-2025.

Tỉnh cũng đã có chính sách ưu đãi dành cho 149 cán bộ phụ trách CNTT. Chế độ, chính sách này đã thu hút được những người có trình độ, năng lực về CNTT, khuyến khích đội ngũ làm công tác CNTT nhiệt huyết hơn với công việc, chức trách được giao.

Trong thời giai tới, việc triển khai Đề án thành phố Bình Dương thông minh, tỉnh sẽ tập trung xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong việc cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tạo điều kiện đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành.

P.V: Trong thời gian tới, xin ông cho biết kế hoạch thực hiện tuyên truyền Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng?

Ông Lai Xuân Thành: Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2 luật này góp vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của công dân trên môi trường mạng cũng như bảo đảm an toàn an ninh mạng quốc gia.

Trong thời gian tới, sở sẽ có kế hoạch tuyên truyền 2 bộ luật này đến rộng rãi CBCCVC, người dân trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức bài viết tuyên truyền trên cổng thông tin của tỉnh, qua các hình thức báo, đài...

Ngoài ra, trong quý I/2019, sở sẽ tổ chức 1 hội thảo về CNTT, trong đó, lồng ghép các nội dung của 2 bộ luật này nhằm chuyển tải đến các cán bộ làm CNTT của tỉnh. Đây là các cán bộ nồng cốt phụ trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị và có thể giúp lan tỏa các nội dung của 2 luật đến các cán bộ còn lại của các cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt nhân đây, tôi cũng nhắc nhở CBCCVC, nhân dân chú ý khi tham gia TMĐT, lên mạng, luôn nhớ là không like, không share những nội dung nhạy cảm, không lành mạnh, không tốt, thậm chí là trái luồng, phản động. Mọi người thực hiện tốt Luật ATTTM và Luật An ninh mạng, không vi phạm các điều cấm nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và DN.

Xin cảm ơn ông!

Dự án “Đầu tư trang thiết bhội nghtruyền hnh trực tuyến giữa cấp tnh vcấp huyện” đã hoàn tất cho 13 điểm cầu và đưa vào khai thác, vận hành.

Hạ tầng kỹ thuật UBND cấp xã bước đầu được UBND cấp huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được cấu hình với một điểm kết nối Internet trực tiếp tại tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh, với băng thông là 300 Mb/s và kết nối từ UBND cấp huyện về tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh có băng thông 30Mpbs, kết nối từ UBND cấp xã đạt tốc độ 4 Mb/s. Việc tiếp tục được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước ngày càng cao.

 

Kết quả triển khai DVCTT tại Bình Dương: Thực hiện Dự án “Ứng dụng CNTT tại khu hành chính mở tỉnh Bình Dương” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2723/QĐ-UBND ngày 29-10-2014, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Trang thông tin hành chính công cấp tỉnh, trên đó cung cấp hơn 2.000 DVCTT mức độ 2 của các cơ quan Nhà nước trên địa bản tỉnh, triển khai bước đầu 323 DVCTT mức độ 3 và 12 DVCTT mức độ 4.

Trong năm 2018-2019, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cài đặt, cấu hình 270 DVCTT các sở, ban, ngành và 90 DVCTT các UBND cấp huyện và triển khai 470 DVCTT sau khi đã cài đặt, cấu hình, gồm: 270 DVCTT các sở, ban, ngành và 200 DVCTT các UBND cấp huyện (1 DVCTT sẽ được triển khai cho một số UBND cấp huyện) theo đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-UBND ngày 29-6-2018.

 

Năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 18-2-2016 về việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vng và hội nhập quốc tế”, trong đó cũng chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực CNTT tại chỗ, cụ thể: Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng trình độ, năng lực ứng dụng CNTT của đội ngũ CBCCVC; Nâng cao chất lượng giảng dạy CNTT tại các trường; Ưu tiên đầu tư phát triển khoa CNTT của một số trường đại học trên địa bàn tỉnh trở thành nơi trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo tiêu chuẩn quốc tế…

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên