Ông “mía, đường” phải thay đổi!

Cập nhật: 10-03-2015 | 08:13:39

Bài viết của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nói về sự trì trệ của ngành mía đường đăng trên cổng thông tin của bộ đang gây “sóng gió” công luận những ngày gần đây, đặc biệt là trong những doanh nghiệp thuộc Hiệp hội mía đường Việt Nam. Phản ứng của Hiệp hội mía đường là lẽ đương nhiên, bởi những phân tích thẳng thắn của ông thứ trưởng đã phơi bày sự trì trệ của ngành hàng này trước bàn dân thiên hạ.

 Những phân tích của vị thứ trưởng đã chỉ rõ nghịch lý mà nông dân trồng mía và người tiêu dùng cả nước phải chịu đựng lâu nay đó là giá đường trong nước cao ngất ngưỡng nhưng người trồng mía vẫn luôn trong tình trạng được mùa, mất giá! Người tiêu dùng trong nước phải mua đường với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá đường thế giới là điều không thể chấp nhận được. Nguyên dân dẫn đến tình trạng trên cũng được Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú phân tích rõ ràng, đó là ngành mía đường không chịu đổi mới, từ công nghệ sản xuất đến nâng cao năng suất mía, đi kèm là những quyền lợi cần phải chia sẻ cho người trồng mía. Bên cạnh là luôn trông chờ vào những chính sách bảo hộ của Nhà nước với nhiều ưu đãi.

Bài viết của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú không nói suông mà tất cả những vấn đề ông đưa ra đều được chứng minh bằng số liệu thực tế. Trả lời báo chí về những lời nói thẳng của mình đã làm “mất lòng” Hiệp hội mía đường và những doanh nghiệp thành viên, ông thứ trưởng nói rằng, tất cả những gì ông nêu ra cũng là góp tiếng nói để ngành mía đường phát triển trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này. Và những gì ông nói cũng là hướng đến sự sòng phẳng trong kinh doanh, không thể người trồng mía cũng như người tiêu dùng trong nước cứ mãi chịu thiệt thòi!

Cùng với những phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm tú, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín cũng đã lên tiếng đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp mía đường cứ tiếp tục hưởng lợi thông qua các chính sách bảo hộ là không thể chấp nhận. Sự sòng phẳng của thị trường không cho phép trông chờ vào điều đó. Bản thân các doanh nghiệp cần phải thấy sự bất hợp lý đó để tính toán cho sự phát triển bền vững. Lợi ích kinh doanh cũng phải san sẻ cho nông dân trồng mía. Giá cả hợp lý dành cho người tiêu dùng cũng là điều bắt buộc chứ không thể cứ kêu khó, ngăn cản cho phép nhập khẩu đường để bảo vệ lợi ích cục bộ ngành hàng của mình cũng cần phải loại bỏ trong tư duy kinh doanh.

Thay đổi để phát triển, đó là khuyến cáo hợp tình, hợp lý mà các chuyên gia kinh tế đưa ra, ngành mía đường cần tiếp thu nếu không muốn “chết” ngay trên sân nhà!

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên