Ông Ngô Văn Hòa, cán bộ tiền khởi nghĩa: Vang vọng tiếng ngàn xưa

Cập nhật: 01-09-2015 | 09:10:41

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về một thời sống trong “mưa bom, bão đạn” vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông Ngô Văn Hòa (SN 1925), cán bộ tiền khởi nghĩa. Càng tự hào hơn khi ông trực tiếp trang trí, bố trí khu vực để tổ chức lễ mít tinh ngày 25-8-1945 tại Nhà việc Phú Cường; bảo vệ và chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bí thư trong thời khắc lịch sử năm 1945.

Khí thế hào hùng

Đi một chặng đường dài từ Bình Dương đến quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông Hòa đón tiếp rất nồng nhiệt. Trong căn nhà số 378B, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông tận dụng diện tích đất nhỏ để trồng cây cảnh, nuôi chim tạo cho không gian thêm trong lành. Ngồi trên chiếc bàn làm việc, ông Hòa lật từng trang ghi chép sử của mình để kể cho chính xác lịch sử. Bởi theo ông, lịch sử không thể viết sai, không được nhớ sai vì sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau.

Ông Hòa kể rằng, để có ngày mít tinh 25-8-1945, trước đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong tháng 7 và đầu tháng 8. Tỉnh ủy chủ trương sử dụng lực lượng thanh niên tiền phong (TNTP), đội tự vệ làm nòng cốt vũ trang để tạo thế và lực vừa vận động, vừa bảo vệ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, TNTP hoàn toàn làm chủ đường phố. Chiều 24-8-1945, đội tự vệ nhận cờ, khẩu hiệu, sau đó đã cắm cờ trên đỉnh dinh Chánh Tham biện tỉnh. Thời điểm này, Tổ tự vệ Việt Minh nội ô do ông Ngô Văn Hòa làm Tổ trưởng đã xuống Nhà việc Phú Cường (đối diện với chợ Thủ ngày nay) kiểm soát các phòng làm việc, bắc hệ thống phóng thanh.

Nhà việc Phú Cường năm 1946 (ảnh do ông Ngô Văn Hòa cung cấp)

Sau khi làm chủ chính quyền, Tỉnh ủy chủ trương làm lễ mít tinh kỷ niệm. Do đó, chiều 24-8, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một đã vận động bà con sống 2 dãy chợ trước Nhà việc Phú Cường tích cực may cờ, phục vụ ăn uống cho nhân dân các địa phương đến dự lễ. Đêm 24-8, đoàn xe ngựa của nhân dân các địa phương đổ về đứng trước Nhà việc Phú Cường. Lúc này nhiệm vụ của lực lượng TNTP, đội tự vệ là sắp xếp khu vực ăn uống, nghỉ ngơi cho nhân dân theo từng xã. Mỗi nhóm có một người trong lực lượng TNTP phụ trách. Với tâm trạng háo hức chờ được chứng kiến lễ mít tinh, nhiều nhóm đã hát vang những bài ca kháng chiến với chiếc đàn măng đô lin. Cứ thế đêm 24- 8, được xem là một đêm thức trắng, gửi gắm niềm vui hân hoan của người dân sau bao năm lầm than, khổ đau giờ được độc lập. Lúc này, Tổ tự vệ Việt Minh được phân công trang trí sân khấu cũng đã hoàn tất các công đoạn. Sân khấu được trang trí đơn giản, với 3 khẩu hiệu, ở giữa “Việt Nam độc lập muôn năm”, bên trái “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, bên phải “Chính quyền về tay Việt Minh”; cờ đỏ sao vàng tung bay; bàn ngồi làm việc.

Sau một đêm thức trắng, sáng 25-8, mọi người tập trung theo hàng để chào đón các vị lãnh đạo chính quyền. Lúc này, Quảng trường Nhà việc Phú Cường như “vườn hoa” đẹp với cờ đỏ, sao vàng tung bay, cùng tiếng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”. Tại đây, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Văn Công Khai, nhân dân đã cùng nhau hô vang khẩu hiệu độc lập. Sau lễ mít tinh, quần chúng khởi nghĩa đã tiến hành cuộc diễu hành suốt nhiều giờ liền trên các tuyến phố. Chiều 25-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thắng lợi.

Tự hào là thư ký của 2 đồng chí bí thư

Không những được phân công trang trí sân khấu, chuẩn bị tiếp đón, phục vụ nhân dân, ông Hòa còn là thành viên của đội bảo vệ, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho đồng chí Văn Công Khai trong đêm 24 và sáng 25- 8-1945. Ông Hòa nói, chiều 24- 8, ông đón đồng chí Văn Công Khai từ Lò Chén lên xe ngựa vào Nhà việc Phú Cường. Đêm hôm đó, đồng chí bí thư chuẩn bị bài diễn văn cho lễ mít-tinh. Sáng 25-8, ông Hòa đứng phía bên dưới sân khấu khu vực gần đồng chí Bí thư để bảo vệ. Buổi lễ diễn ra thành công, ông cảm thấy tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ, chăm lo cho bí thư.

Sau đó, ông được phân công làm thư ký cho đồng chí Văn Công Khai trong vòng 3 tháng. Đi theo đồng chí suốt các con đường, gặp gỡ nhiều người, ông thấy cách đối nhân xử thế của đồng chí Văn Công Khai rất chí tình, đạt lý. Ông Hòa nói, đồng chí Văn Công Khai là một người điềm tĩnh, làm việc không mệt mỏi và cũng không bao giờ đề cao vị trí của mình, gặp ai, nói chuyện với ai đồng chí đều nói chuyện một cách hòa nhã chứ không thể hiện mình là lãnh đạo. Đồng chí cũng là người thành lập trạm tiếp tế lương thực ở cầu Ông Cộ để chăm lo cho chiến sĩ, nhân dân trong quá trình hành quân.

Ông Hòa kể cho phóng viên về ngày mít-tinh 25-8-1945

Đầu năm 1946, trong Tỉnh ủy có sự bổ sung và phân công lại, lúc này đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Văn Công Khai làm Phó Bí thư. Thời điểm này, ông Hòa tiếp tục làm thư ký riêng cho đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Tiết. Ông Hòa cho biết, đồng chí Tiết sống rất tình cảm, đối xử tốt với bạn bè, đồng đội, đồng chí. Đồng chí từng lấy quần áo mới của mình chia cho đồng đội. Đồng chí sống thẳng thắn, giải quyết công việc nhanh gọn.

Vinh dự được làm thư ký cho hai vị Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ngày ấy, ông Hòa cảm thấy vô cùng tự hào. Học tập tấm gương của hai vị bí thư, ông quyết tâm sống, cống hiến hết mình cho cách mạng. Do đó, sau khi thôi làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Văn Tiết, ông được điều về làm chính trị viên Huyện đội Bến Cát (năm 1947). Năm 1948, ông về làm Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Sau khi thị xã Thủ Dầu Một được thành lập, ông về giữ chức Phó Chủ tịch, rồi Phó Bí thư, sau đó làm Bí thư. Năm 1951, ông về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thủ Biên. Năm 1953, ông làm Tổng thư ký Hội hoa liên, trưởng Văn phòng Ban liên hiệp đình chiến. Sau đó, ông tập kết ra Bắc, rồi về tiếp quản xăng dầu Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) đến khi nghỉ hưu.

Ghi chép lịch sử của ông Ngô Văn Hòa 

Nhắc lại năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc, trong lời kể của ông Ngô Văn Hòa luôn toát lên niềm tự hào. Ông tự hào vì đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tự hào hơn khi chứng kiến đất nước thay đổi từng ngày. Ông hy vọng tiếp nối truyền thống đấu tranh của ông cha đi trước, thế hệ trẻ hôm nay hãy nỗ lực hơn nữa trong công việc, học tập để từng bước xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam thêm giàu mạnh.

THIÊN LÝ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên