Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 2015, thị trường lao động sẽ khởi sắc

Cập nhật: 25-02-2015 | 09:26:26

Năm 2015, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương để phát triển sản xuất. Từ đó, nhu cầu lao động (LĐ) tăng cao, tạo cơ hội cho nhiều LĐ có việc làm, ổn định cuộc sống. Đó là dự báo của ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Nhiều lao động được đào tạo trước khi được tạo việc làm. 

- Được biết năm 2014, kết quả giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu đề ra. Vậy theo ông, chất lượng LĐ năm 2015 có nâng lên không?

- Đúng vậy! Năm 2014, Bình Dương giải quyết việc làm cho 46.092 người, đạt 102,4% kế hoạch; trong đó có 45.142 LĐ được giải quyết việc làm thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội và 950 LĐ được giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Điều mà Bình Dương quan tâm nhất là luôn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở dạy nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề ngày càng tăng với 1.233 người. Hệ thống dạy nghề ngày càng phát triển, cùng với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy đã tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) học tập, nên chất lượng LĐ tăng lên đáng kể.

- Những điều kiện nâng cao công tác dạy nghề là gì, thưa ông?

- Trước nhu cầu đòi hỏi LĐ có chuyên môn, tay nghề của các doanh nghiệp (DN), đơn vị tuyển dụng, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập. Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề. Hiện tại, Phòng LĐ-TB&XH 9 huyện, thị, thành phố đều có cán bộ phụ trách theo dõi công tác dạy nghề trên địa bàn. 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Thứ ba, tăng cường thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với DN.

Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề thực hiện khá tốt chương trình đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN. Tất cả các trường dạy nghềđều cóPhòng quan hệDN với nhiệm vụlàm “cầu nối” đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của DN vàngười học nghề. Hàng tháng, sở chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh mở các phiên giao dịch việc làm tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề sau khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm phù hợp khả năng chuyên môn được đào tạo.

- Ông có thể dự báo thị trường việc làm năm 2015?

- Năm 2015, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi, do vậy sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết và tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015.

Cuối năm 2014, nhiều nhà đầu tư mới, nhiều DN mở rộng sản xuất ngay đầu năm 2015 sẽ đi vào hoạt động tại Bình Dương. Như vậy, dự báo nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN sẽ sôi động từ đầu năm 2015. Thị trường LĐ biến động không những giải quyết tốt số lượng LĐ đến tuổi LĐ trong tỉnh mà còn thu hút nguồn LĐ từ các tỉnh khác đến Bình Dương.

- Theo dự báo là thế, nhưng giải pháp nào để tạo việc làm cho NLĐ?

- Năm 2015, Sở LĐ-TB&XH đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm là 45.000 LĐ. Để thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, chúng tôi quan tâm thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo cung - cầu LĐ; thực hiện công tác kết nối giữa NLĐ và DN qua việc tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp; duy trì Sàn giao dịch việc làm định kỳ mỗi tháng 2 lần, sàn việc làm trực tuyến; thiết lập hệ thống thông tin LĐ - việc làm thống nhất từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Song song đó, sở sẽ tăng cường công tác liên kết LĐ với các tỉnh để đáp ứng nhu cầu LĐ thiếu hụt của DN; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề để đào tạo đội ngũ LĐ có tay nghề và tác phong công nghệ đáp ứng nhu cầu của DN; tiếp tục thực hiện công tác dạy nghề cho LĐ nông thôn để giúp nguồn LĐ trong tỉnh tự tạo việc làm, ổn định đời sống. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc DN thực hiện đúng chính sách pháp luật về LĐ - việc làm nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

THIÊN LÝ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên