Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á: Có 2 cách phát hiện tôn kém chất lượng

Cập nhật: 15-12-2014 | 08:17:29

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên thông tin về tình trạng tôn kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc được sự tiếp tay của một vài doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ “phù phép” bằng cách in logo, dán nhãn hiệu giả để bán ra thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trung (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết:

- Thực tế trên là có thật, bởi vì hàng kém chất lượng nhập khầu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn hàng trong nước từ 50 đô la Mỹ/tấn. Trong khi người tiêu dùng chưa am hiểu nhiều về quy cách, độ dày; Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhãn mác… nên một vài DN, nhà bán lẻ không chân chính đã lợi dụng để “kê” độ dày hoặc tùy tiện in giả nhãn mác nhằm lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính.

- Ông có thể cho biết cụ thể của việc “kê” độ dày và in giả nhãn mác?

- Độ dày của tấm tôn là khá nhỏ, phải đo bằng thước “dem”. Với số đo đó người tiêu dùng bình thường khó có thể phân biệt được sự chênh lệch từ 1 - 2 đơn vị (1 - 2 dem); trong khi sự chênh lệch này là một khoảng cách về giá tiền. Kế đến là thước đo. Theo quy định, thước đo phải chuẩn và phải được cơ quan kiểm định Nhà nước kiểm định định kỳ, nên khi ai đó có ý đồ không tốt thì người ta dùng thước “non” không đúng chuẩn kiểu như cân “non” ngoài chợ, hoặc dùng kỹ xảo đo để qua mặt khách hàng. Vì là hàng kém chất lượng nên không có nhà sản xuất nào dám in tên mình vào đó. Cũng do Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhãn mác nên hàng hóa rất dễ bị lợi dụng, làm giả.

Có 2 con đường để loại hàng này xâm nhập vào thị trường nội địa. Một là từ nhà sản xuất nước ngoài, lợi dụng kẽ hở trong quy định họ in đại một thương hiệu nào đó rồi bán vào thị trường trong nước để cạnh tranh. Hai là DN, nhà bán lẻ bất chính trong nước nhập khẩu hàng kém chất lượng về rồi in giả nhãn hiệu hoặc tự làm ra nhãn hiệu mới để bán ra thị trường với giá rẻ. Lý do phổ biến để họ chào mời là “hãng này mới nên bán giá rẻ để làm quen thị trường”, nhưng sự thật họ chỉ bán một lần rồi biến mất tăm. Cũng phải nhìn nhận dù là hàng kém chất lượng nhưng mẫu mã, kiểu dáng của chúng rất bắt mắt nhờ “công nghệ làm giả tiên tiến” nên mới qua mặt được người tiêu dùng.

- Tôn Đông Á đã từng bị làm giả chưa, thưa ông?

- Chúng tôi đã tiếp nhận 1 trường hợp khiếu nại không đúng chất lượng và yêu cầu bảo hành. Khi tiếp cận thực tế thì phát hiện hàng bị giả nhãn hiệu và yêu cầu được gặp nhà phân phối. Tại đây nhà phân phối đã thừa nhận hành vi gian dối và xin chúng tôi để họ bồi thường cho khách hàng. Tôn Đông Á cũng đã buộc nhà phân phối này ký cam kết nếu còn tái phạm sẽ yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngay từ đầu Tôn Đông Á đã có ý thức nâng cao giá trị thương hiệu, tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng bằng việc đầu tư công nghệ quản trị thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc in thương hiệu Tôn Đông Á gắn liền với logo lên biên của từng tấm tôn. Khi ai đó cố tình làm giả người ta chỉ giả được chữ Tôn Đông Á chứ không thể giả được logo nên không thể truy xuất được nguồn gốc. Như vậy, sản phẩm chính hãng là phải có tên thương hiệu gắn liền với logo của nhà sản xuất. Nhờ công nghệ truy xuất nguồn gốc (C/O) mà Tôn Đông Á có thể trả lời cho khách hàng tấm tôn đó xuất kho ngày nào, ai kiểm định …

- Như vậy, cách tốt nhất để phát hiện tôn kém chất lượng, tôn giả nhãn hiệu là gì?

- Với người tiêu dùng, theo tôi có 2 cách tốt nhất để phát hiện hàng giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng là: Xem kỹ nhãn mác, tên thương hiệu - logo của nhà sản xuất gắn với bảng công bố thông tin chất lượng sản phẩm đi kèm. Nhà sản xuất chân chính nào cũng phải thực hiện điều này. Cách thứ hai phổ biến và dễ làm nhất là yêu cầu nhà bán lẻ “cân ký” tấm tôn, vì độ dày của tấm tôn luôn tương ứng với trọng lượng của nó. Chẳng hạn, tôn dày 3 dem thì phải nặng 2,6 kg/m2; tôn dày 3,5 dem thì trọng lượng là 3,02kg/m2…Và hàng thật thì phải có hóa đơn, phiếu xuất kho đàng hoàng.

- Nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường, ông có ý kiến gì với cơ quan có thẩm quyền?

- Hội nhập kinh tế quốc tế là tự bảo vệ mình bằng hệ thống pháp lý đã ký kết. Chúng ta không thể cấm hàng hóa nước ngoài bán vào thị trường trong nước, nhưng chúng ta có quyền cấm và xử lý theo pháp luật hàng hóa giả mạo, kém chất lượng, gây hại cho nền kinh tế. Sự việc trên đây cũng cho thấy kẽ hở để tôn kém chất lượng, tôn giả nhãn hiệu lọt ra thị trường là do Nhà nước chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhãn mác. Nếu có quy định rõ về tiêu chuẩn nhãn mác thì DN, nhà nhập khẩu nào không làm đúng tiêu chuẩn sẽ bị phát hiện, xử lý ngay.

- Xin cảm ơn ông!

DUY CHÍ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên