Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Phải đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài

Cập nhật: 10-06-2017 | 09:02:07

  

Hôm qua (9-6), Quốc hội dành trọn cả ngày để các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017. Báo Bình Dương xin giới thiệu nội dung bài phát biểu của ông Phạm Trọng Nhân (ảnh), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

 Ngày 3-6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây không chỉ là một sự kiện mà là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng của nền kinh tế nói chung và của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Trong khi Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa thì trên thương trường, vẫn tiếp tục diễn ra một cách ồ ạt các thương vụ mua bán, sáp nhập, thâu tóm, đặc biệt trong thị trường bán lẻ… Hiện tượng này đang gây ra nhiều nguy cơ cho khu vực DN trong nước đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các sản phẩm của họ vơi dần sau khi siêu thị Việt rơi vào tay các chủ ngoại, các Startup được kỳ vọng sẽ khai sinh từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng có nguy cơ chết từ trong trứng nước.

Năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỷ đôla, tăng 10,2% so với năm 2015, điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại và là một thị trường béo bở mà các ông trùm bán lẻ thế giới liên tục dòm ngó.

Tháng 4-2014, khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với nhà đầu tư nước ngoài thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào, đó là: Aeon (Nhật Bản) với chiến lược mở rộng thị phần đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đôla; Lotte (Hàn Quốc) cũng với chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại rải khắp cả nước với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ đôla; Berli Jucker (Thái Lan) đã chi ra 655 triệu Euro thâu tóm toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro.

Năm 2015-2016, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến nhiều vụ thâu tóm từ phía khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Central Group của Thái Lan mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tháng 5-2016, Central Group tiếp tục gây sốc khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị BigC với giá trị lên đến 1 tỷ Euro và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác. Chỉ trong 3 năm, khu vực FDI đã chiếm 70% phị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán hàng trực tuyến. Đến nay, thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên. Đây là những con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đẩy mạnh khai thác khâu phân phối bán lẻ mà đang lấn sân vào cả khâu sản xuất. Điển hình phải kể đến trường hợp Công ty C.P đến nay đã chiếm trên 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà thịt, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi. Thế mạnh của họ không chỉ về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản trị hiện đại, mà bên cạnh đó họ còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ của họ trong các chương trình phát triển hệ thống từ sản xuất đến phân phối tiêu dùng nội địa và bành trướng xuất khẩu. Trong khi đó các DN trong nước thì vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, do đó việc để mất thị trường này vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là một nguy cơ không quá khó để có thể nhìn thấy .

Sau khi thâu tóm, phương thức và quy trình thu mua của họ hoàn toàn thay đổi, các chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc, hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu bằng hàng rào kỹ thuật, tăng chiết khấu, chiếm dụng vốn nhà cung cấp, o ép phí mở hàng, phí hỗ trợ chương trình khuyến mãi, bảo hành… Và sự kiện 22 cửa hàng Thế giới di động bị hất chân khỏi hệ thống BigC, Minh Long 1 tuyên bố rút khỏi hệ thống Metro là một điển hình và đó chỉ là màn dạo đầu cho lời cảnh báo.

Những hiện tượng trên chắc chắn không dừng lại ở đó. Một thị trường hơn 90 triệu dân với phần lớn là dân số trẻ; nền kinh tế đang tiếp tục phát triển; đời sống, thu nhập người dân không ngừng cải thiện, nhưng chúng ta phải ngậm ngùi nhìn người Việt mua hàng ngoại và DN ngoại thì mua DN Việt.

Một khi tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường nội địa thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ thì chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy cho các ngành sản xuất nội địa cũng như rủi ro về giá cả cho người tiêu dùng.

Lẽ tất yếu, khi DN nước ngoài đã đầu tư thì phải có những chính sách ưu tiên cho nguồn hàng đến từ đất nước họ và các DN Việt tất nhiên phải cố gắng nỗ lực đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong sân chơi sòng phẳng này, nhưng xem ra quá khó để các DN tự cứu mình trước những gã khổng lồ.

Đến lúc này, người sản xuất trong nước hoặc chịu sự chi phối bởi luật chơi của họ khi muốn tham gia các chuỗi bán lẻ của họ, hoặc phải chấp nhận liên doanh, liên kết nếu không muốn phá sản… Và dường như đây là mục tiêu mà họ muốn nhắm đến để thâu tóm.

Tuy nhiên, không có lựa chọn nào trên đây có thể đem đến một kết quả tích cực cho DN và nền kinh tế nói chung. Sự phụ thuộc sẽ càng ngày càng lớn và tổn thất cho nền kinh tế nhiều hơn nếu chúng ta không đẩy các hoạt động mua bán sáp nhập đi theo hướng tích cực về phía các DN trong nước, chắc chắn nền kinh tế sẽ đón nhận những hậu quả khó lường, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực sản xuất hàng hóa trong nước và thị trường bán lẻ và nhất là người tiêu dùng nội địa. Và một khi 80% lợi nhuận sau thuế thay vì của DN trong nước thì nay phải về các DN khối ngoại và chắc chắn sẽ được chuyển ra nước ngoài, khi đó nội lực của nền kinh tế cũng sẽ dần dần giảm đi… Và vai trò đóng góp một phần trong 40% GDP xem ra sẽ khó để tiếp tục duy trì.

Với những phân tích nêu trên, tôi thống nhất rất cao giải pháp thứ 3 trong báo cáo của Chính phủ liên quan đến phát triển thị trường trong nước và đề nghị cần phải nhanh chóng có những kế hoạch cụ thể hơn, trước hết tăng cường giám sát các hoạt động dưới góc độ chính sách để bảo đảm thực hiện tốt các quy định pháp luật có liên quan trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh. Nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vào cuộc sống và các giải pháp để kiểm soát tốt thị trường để tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam chủ động trong việc cạnh tranh bán lẻ với DN nước ngoài. Ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường sản xuất, kinh doanh hoặc các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán sáp nhập hiện nay.

Đối với DN bán lẻ nội địa, bài học về sức mạnh của bó đũa vẫn còn nguyên giá trị. Bên cạnh việc phải đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ của DN nước ngoài, thì sự liên doanh, liên kết để tạo nên sức mạnh nội lực chống chọi với những người khổng lồ này là một điều rất cần thiết và quan trọng trong cuộc chiến giành lại thị trường nội địa hiện nay.

Làm thế nào để không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình là một câu hỏi lớn không chỉ dành cho cộng đồng DN mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cùng suy ngẫm.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên