Ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Kỳ vọng bộ chuyên trách quản lý nhà nước về thanh niên

Cập nhật: 27-05-2020 | 11:44:29

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV các đại biểu tiếp tục nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận, góp ý trực tuyến về vấn đề này. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về các vấn đề xoay quanh Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

- Thưa ông, được biết tại kỳ họp thứ 8 ông đã nêu nhiều quan điểm về Dự án Luật Thanh niên (TN). Ông đánh giá như thế nào về dự thảo lần này so với dự thảo trình kỳ họp thứ 8?

- Từ dự thảo xin ý kiến lần đầu với 61 điều, dự thảo trình lần này chỉ còn 41 điều, giảm 20 điều so với dự thảo ban đầu đã cho thấy sự nghiêm túc và cầu thị trong tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của ban soạn thảo. Hình ảnh, vị thế TN Việt Nam trong dự luật lần này trở nên rõ nét hơn ở tính tiên phong, chủ động và đây là điều mà tôi và một số đại biểu đã nêu quan điểm tại phiên thảo luận ở hội trường và được ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc.

Tuy nhiên, tính tiên phong, chủ động này còn chưa nhất quán ở một số quy định, chẳng hạn Chương III chính sách của Nhà nước đối với TN, tại khoản 2 Điều 17 về lao động, việc làm, dự thảo vẫn quy định Nhà nước “tạo điều kiện để TN có việc làm…”. Từ hình ảnh lớn lao của TN ở khoản 1 Điều 4 (TN là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội) thì với điều khoản này có phải nhà làm luật vẫn đang nhìn TN như là một đối tượng yếu thế? Vì sao Nhà nước tạo điều kiện để TN có việc làm mà không khuyến khích mỗi TN trở thành chủ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người khác? “Tạo điều kiện để TN có việc làm” không chỉ đánh mất đi vị thế, tính chủ động mà còn làm cho TN trở thành người thụ động, người đi xin việc thay vì khuyến khích tinh thần khởi nghiệp để TN trở thành người chủ thật sự mà Điều 18 về khởi nghiệp ngay sau đó đã quy định. Như vậy, điều khoản này tôi cho rằng nó có hơi hướng đi ngược lại tinh thần quốc gia khởi nghiệp và mâu thuẫn với vai trò, quyền và nghĩa vụ lớn lao của TN mà dự luật ngay từ đầu đã kỳ vọng giao phó.

Thanh niên tình nguyện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương

- Được biết tại kỳ họp thứ 8, một trong những vấn đề ông tâm đắc là việc thành lập bộ chuyên trách quản lý nhà nước về TN. Ông có thể nói rõ hơn về điều này không?

- Một trong những vấn đề quan trọng mà cả lãnh đạo Quốc hội, nhiều đại biểu và hàng triệu TN kỳ vọng, theo đuổi, mong chờ cho đến kỳ họp này chính là việc thành lập bộ chuyên trách quản lý nhà nước về TN. Hiện tại có ba chủ thể, đầu mối liên quan đến TN là Bộ Nội vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam. Một trong những quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là “một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. Như vậy, với thực trạng không có bộ chuyên trách về TN như hiện nay thì những hạn chế, yếu kém trong TN mà Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã nêu chưa được khắc phục hay nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra những tồn tại trong TN thì cơ quan, đầu mối nào sẽ chịu trách nhiệm chính đối với các vấn đề của TN trong thời gian tới? Bộ Nội vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hay Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam?

Trong khi thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 thì cũng nên quan tâm tinh gọn ba đầu mối về TN cho phù hợp. Việc thành lập Bộ TN trên cơ sở giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN cho Trung ương Đoàn sẽ không có gì khó khăn, trở ngại khi không phát sinh thêm bộ máy, trụ sở, kinh phí, đúng với tinh thần Nghị quyết 18. Tuy nhiên, vấn đề trên lại chưa được quan tâm thảo luận một cách thấu đáo và trách nhiệm. Tôi cho rằng, việc thành lập Bộ TN vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ vận động phong trào vừa tham gia quản lý nhà nước thì đây chính là tinh thần “quản lý đa ngành, đa lĩnh vực” mà Nghị quyết 18 đã đề ra, chưa kể vừa quản lý nhà nước vừa vận động phong trào để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, xét về khoa học quản lý, chẳng lẽ nó không bổ khuyết cho nhau nhằm làm tăng hiệu quả trong quản lý và nâng cao chất lượng phong trào Đoàn hay sao? Thời kỳ dân số vàng còn lại ngắn ngủi rất cần tính chủ động, sáng tạo của TN nhưng các phong trào Đoàn vẫn phải đi vận động mà chưa trở thành tính tự giác, chủ động, tình nguyện của không ít TN.

Do đó, vừa vận động vừa trao thêm chức năng quản lý với các chế tài sẽ rèn TN thêm ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm với xã hội. Với tuổi đời gần 90 mà nhiệm vụ chính được giao chỉ trong phạm vi các phong trào, các cuộc vận động có từ thời chiến đến thời bình trong khi bộ máy, kinh phí không khác gì một bộ chuyên ngành thì vì sao lại chần chừ đổi mới Đoàn TN trên cơ sở nhận về nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà nước mà Bộ Nội vụ đang gánh để bộ có thể toàn tâm toàn ý cho sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức vốn đang rất cần sớm được hoàn thiện?

Với tỷ lệ chiếm 1/4 dân số cùng hơn 25% dân số ở độ tuổi trẻ em thì trong tương lai, lực lượng TN Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn và đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, việc chưa có một bộ chủ quản chuyên trách về TN đã chưa thực sự đặt vấn đề quản lý nhà nước về TN để làm cho lực lượng này trở thành đội ngũ kế thừa xuất sắc sự nghiệp cách mạng. Trong khi chúng ta đặt để vai trò, trọng trách rất lớn của TN như khoản 1 Điều 4 của dự thảo thì cũng rất cần sự hồi đáp từ Quốc hội về một bộ chủ quản tương xứng với sứ mệnh, tầm vóc của TN Việt Nam mà dự luật đã đặt ra.

Hơn thế nữa, mặc dù Nghị quyết 18 quy định “Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành” nhưng khoản 1 Điều 7 của dự luật lại quy định “Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành” thì tôi cho rằng điều khoản này đã đi ngược lại tinh thần chỉ đạo trong đổi mới và sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chúng ta nói nhiều và kêu gọi chuẩn bị tâm thế để đón những làn sóng đầu tư, “lót ổ đón phượng hoàng” thì thiết nghĩ cũng phải tạo nền móng và làn sóng đầu tư cho TN bằng một bộ chủ quản, bởi đây mới chính là nguồn lực nội sinh, những con “phượng hoàng” không gì có thể thay thế được… Một bộ chuyên trách ngang tầm vóc, vị thế của TN cũng cần phải được xem xét nghiêm túc trong tương quan với thời kỳ dân số vàng còn lại ngắn ngủi và tinh thần quốc gia khởi nghiệp mà chúng ta đang ra sức vận động và lan tỏa trong toàn xã hội.

- Xin cảm ơn ông! 

Trong khi thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 thì cũng nên quan tâm tinh gọn ba đầu mối về TN cho phù hợp. Việc thành lập Bộ TN trên cơ sở giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN cho Trung ương Đoàn sẽ không có gì khó khăn, trở ngại khi không phát sinh thêm bộ máy, trụ sở, kinh phí, đúng với tinh thần Nghị quyết 18.

HỒ VĂN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên