Ông Trần Bá Luận, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Bình Dương: Giấy phép lái xe nếu còn thời hạn vẫn còn hiệu lực sử dụng

Cập nhật: 14-11-2014 | 09:36:46

Việc đổi giấy phép lái xe (GPLX) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong những ngày qua, do thông tin sau thời điểm 31-12-2014, GPLX bằng vật liệu giấy nếu không đổi sang vật liệu PET sẽ không còn được sử dụng, gây lo lắng người dân và khiến tình trạng quá tải tại bộ phận một cửa Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Bình Dương. Nhằm giúp người dân hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Trần Bá Luận, Phó Giám đốc Sở GT-VT Bình Dương…

Ngưi dân đến chlàm thtục đổi GPLX bằng vật liệu PET tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thtục hành chính Sở GT-VT Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TUÂN

- Xin ông cho biết thêm về tình hình đổi GPLX từ ngày có quy định đổi GPLX bằng vật liệu PET đến nay trên địa bàn tỉnh? Chủ trương của Sở GT-VT trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, Sở GT-VT đang quản lý hơn 120.000 GPLX ô tô, 855.000 GPLX mô tô. Từ tháng 5-2013 đến nay, sở đã thực hiện đổi sang GPLX mới được hơn 75.000 GPLX, trong đó GPLX ô tô được hơn 50.000 GPLX. Gần đây, số lượng người có nhu cầu đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET tăng đột biến, gây quá tải cho việc cấp đổi GPLX. Nguyên nhân của tình trạng này là do có thông tin sai lệch, người dân cho rằng sau thời điểm 31-12- 2014, GPLX bằng vật liệu giấy nếu không đổi sang bằng vật liệu PET sẽ không còn được sử dụng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp gần 1.000 khách. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận đổi hơn 500 hồ sơ ô tô, mô tô; trong đó đổi GPLX ngoài tỉnh khoảng 50 GPLX.

- Theo quy định, có phải “sau thời điểm 31-12-2014 GPLX bằng vật liệu giấy nếu không đổi sang vật liệu PET sẽ không còn được sử dụng” không, thưa ông? Xin ông cho biết rõ hơn về các bước đổi GPLX theo quy định?

- Về vấn đề này, ngày 12-11- 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi Sở GT-VT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET. Theo đó, GPLX ô tô bằng vật liệu giấy sau năm 2014 và GPLX mô tô bằng vật liệu giấy sau năm 2020 nếu còn thời hạn sử dụng ghi trên GPLX thì GPLX đó vẫn còn hiệu lực sử dụng, được đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET khi hết hạn hoặc được đổi khi có nhu cầu. Hiện nay, không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng giấy phép lái xe bằng vật liệu giấy do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn sử dụng ghi trên giấy phép lái xe mà chưa đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.

Quy trình đổi GPLX gồm 3 bước. Bước 1: Từ 7 giờ 30, Bộ phận phát số tiếp nhận hồ sơ GPLX theo thứ tự người dân đến xếp hàng, kiểm tra đủ hồ sơ theo quy định, đối chiếu hồ sơ đúng với người đi đổi GPLX thì phát số cho người dân, sau khi có số thứ tự người dân ngồi chờ gọi đến số vào làm thủ tục đổi. Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ cấp đổi của người dân bấm số thứ tự trên máy tính, đến số ai thì người đó vào, nhập dữ liệu thông tin người đổi GPLX trên máy tính và chụp hình trực tiếp. Bước 3: Sau khi được chụp hình xong, người dân đóng tiền tại quầy thu phí (lệ phí 135.000 đồng) và nhận biên nhận, ngày trả hồ sơ ghi trên biên nhận. Thời gian trả GPLX theo quy định là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ. Người dân tự lựa chọn hình thức trả GPLX qua đường bưu điện (có tính phí) hoặc đến ngày hẹn người dân đến lấy trực tiếp tại bộ phận đổi GPLX.

- Để giải quyết kịp thời nhu cầu đổi GPLX của người dân cũng như khắc phục tình trạng quá tải hiện nay, Sở GT-VT có hướng giải quyết như thế nào?

- Hiện nay bình quân mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở GT-VT tiếp đón gần 1.000 khách, chủ yếu là về nhu cầu đổi GPLX các hạng, trong đó: khách đến đổi GPLX bình quân hơn 500 người/ngày; khách đến nhận lại GPLX theo phiếu hẹn bình quân hơn 300 người/ngày; còn lại là khách có GPLX do các tỉnh, thành phố khác cấp, nay có nhu cầu xác minh (theo quy định) để đổi giấy phép tại Sở GT-VT Bình Dương. Nhu cầu của nhân dân là rất lớn, trong điều kiện khả năng tiếp nhận của Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở GT-VT có hạn, Sở GT-VT đã chủ động tăng cường thêm nhân sự, máy móc thiết bị (tại Bộ phận tiếp nhận cũng như tại bộ phận in ấn giấy phép lái xe), tăng thời gian làm việc của các bộ phận liên quan… Cụ thể, sở đã huy động toàn bộ nhân lực các bộ phận, phòng ban khác của sở hỗ trợ cho Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; đầu tư trang bị thêm 2 máy tính tiếp nhận hồ sơ, thêm 2 máy in GPLX để tăng khả năng phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, sở cũng nhận được sự tích cực hỗ trợ từ các sở, ngành hữu quan, Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, điều chỉnh vị trí và tăng diện tích mặt bằng cho Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở GT-VT tỉnh, bố trí thêm ghế ngồi để phục vụ nhân dân trong thời gian chờ cấp, đổi GPLX… Sở GT-VT tỉnh cũng đã phối hợp cùng Bưu điện tỉnh cung cấp cho nhân dân dịch vụ chuyển trả GPLX tận nhà của nhân dân, để giúp giảm thời gian và chi phí đi lại của nhân dân.

Sở GT-VT Bình Dương đã và đang hết sức nỗ lực, tăng năng suất tiếp nhận và đổi GPLX cho nhân dân, phấn đấu đạt tiến độ theo quy định tại Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT ngày 24- 10-2013 của Bộ GT-VT. Trường hợp đến cuối năm 2014 vẫn còn nhiều GPLX ô tô của nhân dân vẫn chưa kịp đổi sang GPLX bằng vật liệu PET, Sở GT-VT Bình Dương sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ GT-VT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên