Osin biết tiếng Anh thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng

Cập nhật: 16-04-2012 | 00:00:00

“Có sinh viên biết tiếng Anh chạy sô giúp việc cho 2 nhà thu nhập mỗi tháng không dưới 8 “vé” (800 USD), chưa kể thưởng”, bà Dụ – một osin ở Nghi Tàm (Hà Nội) nói như thế

Đổi đời nhờ làm giúp việc cho Tây

Gặp người phụ nữ trạc 50 tuổi tên Dụ đang đi sửa móng chân, móng tay ở ngoài hàng cắt tóc – gội đầu gần nhà, không ai nghĩ “quý bà” ăn mặc trau chuốt, sang trọng ấy lại là một osin chuyên nghiệp, phụ việc cho … “Tây”.

 Ảnh minh họaTrái với những người giúp việc khác, thường giấu nhẹm “nghề nghiệp” của mình hoặc có đôi chút mặc cảm khi nhắc tới nghề, bà Dụ lại có vẻ rất tự hào, tự tin khoe rằng hiện tại mình đang làm việc với người nước ngoài.

“Toàn những người giỏi, thu nhập của hai vợ chồng họ có tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Chưa kể gia đình họ định cư ở nước ngoài cũng toàn cỡ đại gia siêu giàu, tiêu tiền như nước, thi thoảng lại chuyển khoản hàng trăm triệu gọi là có “chút quà” cho con cháu ở Việt Nam”, bà Dụ kể.

Trò chuyện với người phụ nữ này, được biết, trước đây bà chỉ là một nông dân, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tuy nhiên, giờ đây, bà đã là chủ nhân của một căn hộ khang trang, có thể nói thuộc diện “nhà cao, cửa rộng” ở Sài Đồng, Long Biên (Hà Nội). Không chỉ thế, bà cũng chỉ phải làm việc trong giờ hành chính và bất cứ ai muốn liên hệ với bà đều phải chờ …tới tối.

“Cô nhìn kĩ tôi sẽ thấy, một số ngón chân của tôi hiện vẫn còn bị thối do ngày xưa đi cấy nhiều. Hồi xưa tôi cực khổ lắm, quanh năm dính lấy ruộng đồng, làm quần quật vẫn không đủ tiền nuôi các con ăn học”, bà Dụ trải lòng.

Nhưng rồi đôi mắt bà chợt sáng lên, bà kể: “Từ hồi đi làm giúp việc cho Tây, từ cách đây gần chục năm, tôi mới biết làm đẹp đấy chứ. Tôi chuyên nấu ăn cho vợ chồng họ, nên cô vợ - người Việt Nam yêu cầu chân tay tôi phải luôn sạch sẽ. Hồi đầu, chính con bé là người đưa tôi ra hàng sửa móng chứ tôi nhà quê biết sao được mấy thứ ấy. Sau rồi thành quen …”.

Theo chia sẻ của bà Dụ, mỗi tháng gia đình này trả cho bà 4 “vé” (tức 400 USD). “Có sinh viên biết tiếng Anh chạy sô giúp việc cho 2 nhà thu nhập mỗi tháng không dưới 8 “vé” (800 USD), chưa kể thưởng”, bà Dụ cho biết thêm.

Chia sẻ về công việc có thể nói đã giúp bà “đổi đời” – nghề giúp việc, bà Dụ cho hay: “Người nước ngoài rất khó tính trong ăn uống, nhưng lại rất dễ sống. Bà chủ của tôi dù là người Việt Nam thật, nhưng chi tiêu lại khá thoáng. Có ở gần những người giàu có như vậy, tôi mới thấm thía ngày xưa mình khổ cực như nào.

Nhờ tiền thưởng và sự trợ giúp từ gia đình họ mà những gánh nặng, lo toan kinh tế trong gia đình tôi mới vơi bớt dần. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu cứ là nông dân, bao giờ tôi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay và cuộc sống liệu có được an nhàn, thanh thản như hiện tại hay không?”.

50 tuổi vẫn cố học …tiếng Anh

Để tăng thêm thu nhập, nhiều người giúp việc dù đã ngoại ngũ tuần vẫn cố “vác” sách đi học tiếng Anh. Anna Nguyễn (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Thông thường với những bà giúp việc không thể giao tiếp với con tôi bằng tiếng Anh, tôi chỉ trả 3 “vé” là cùng. Với mức lương như vậy, họ sẽ phải lo dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho chúng tôi. Còn với những osin có khả năng trò chuyện với chủ nhà, đặc biệt là khéo chơi với con trẻ, tôi sẽ trả cho họ tối thiểu 400 USD (chưa kể thưởng)”.

Chỉ cần nhìn mức lương có nhiều sự chênh lệch và thậm chí đôi khi là cả sự “phân biệt đối xử” của chủ nhà với những người giúp việc khác nhau (có trình độ ngoại ngữ và không biết ngoại ngữ) như thế, nhiều phụ nữ dù tiếng Việt còn mang hơi hướng “địa phương” vẫn quyết tâm học bằng được cách giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tâm (20 tuổi) - một người giúp việc ở gần chợ Đồng Xuân (Long Biên, Hà Nội) nói: “Bạn em hiện đang là sinh viên ngành ngoại ngữ của một trường đại học ở Hà Nội, chỉ cần bỏ ra trung bình 3 - 4 tiếng/ngày để dọn nhà và chơi với bé Tom (3 tuổi) là đã kiếm được từ 2 – 3 triệu đồng/tháng rồi.

Chưa kể mỗi lần vợ chồng chủ nhà đi chơi xa về còn mua cho con bé bao nhiêu là đồ “xịn”, trị giá tiền triệu mà đúng ý nó thích vì nó diễn đạt được thứ mình muốn cho người ta hiểu. Có lần em chứng kiến nó phiên dịch giúp chị chủ nhà khi họ đi chợ mua đồ, sau về được chị ấy thưởng cho gấp đôi số tiền chị ấy bỏ ra mua đồ - 500.000 đồng. Thời gian hè, được nghỉ học, có nhiều thời gian hơn, nó chạy sô giúp việc cho 2 nhà. Trung bình mỗi tháng nó kiếm được từ 5 – 6 triệu đồng (chưa kể thưởng)”.

“Ngoại ngữ quan trọng lắm! Không cần giỏi, nhưng ít ra mình phải hiểu được người ta nói gì, cần gì. Em và một bác nữa cũng khá lớn tuổi rồi đang cố theo học một khoá dạy tiếng Anh giao tiếp tại trung tâm uy tín ở Hà Nội. Em chấp nhận chi hẳn 2 tháng lương đầu ra để đi học ngoại ngữ”, Tâm cho biết thêm.

Trong khi đó, bác Lộc (56 tuổi, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) than thở: “Ban đầu tôi cũng định cố học lấy vài câu chào xã giao bằng tiếng Anh, nói cho đẹp lòng người ta. Nhưng mà tôi tầm tuổi này rồi, học trước quên sau, thấy việc học nó nặng nhọc quá nên đành chấp nhận mức lương thấp hơn chút. Chỉ riêng việc học cách sử dụng các thiết bị điện hiện đại trong nhà họ là tôi đã đủ đau đầu lắm rồi”.

Theo VTC News

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên